;
BACK
>

Wednesday, October 26, 2022

Cảnh báo vỡ nợ chéo từ “quả bom” trái phiếu - Kỳ 1: Bom nợ âm ỉ từ những hợp đồng ma quái

Ngây ngất trong men say của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, doanh nghiệp phân phối lẫn đơn vị tư vấn đều thực hiện những cú bắt tay dưới gầm bàn.

Bom nợ từ đó âm ỉ hình thành và bắt đầu phát nổ.

Tàn dư của cú sốc trái phiếu doanh nghiệp Tân Hoàng Minh thật nặng nề. Thị trường trái phiếu khựng lại. Thị trường chứng khoán đỏ lửa. Doanh nghiệp hoang mang. Nhà đầu tư tháo chạy. Chính phủ quan tâm, lo lắng. Quốc hội đặt nhiều câu hỏi chất vấn. Trước sức ép từ nhiều phía, Bộ Tài chính đang tìm cách siết chặt thị trường này, cả cung lẫn cầu. Từ đây, một quả bom khác lớn hơn đang dần được kích hoạt: hiểm họa vỡ nợ chéo. Làm thế nào để kiểm soát rủi ro trái phiếu doanh nghiệp mà vẫn khuyến khích thị trường nợ phát triển đòi hỏi một cuộc cách mạng về cơ chế cho thị trường vốn.



Kỳ 1: Bom nợ âm ỉ từ những hợp đồng ma quái

Tăng trưởng thần tốc

Nhìn dòng người lũ lượt kéo đến trước cổng Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kêu cứu vì “sập hầm” trái phiếu Tân Hoàng Minh, ít ai ngờ, mới 4-5 năm trước đây, TPDN hầu như không được nhà đầu tư cá nhân nào biết đến.

Trớ trêu là, đến tận bây giờ, trong số hàng ngàn nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu Tân Hoàng Minh, vẫn còn rất nhiều người chưa biết mình không phải là trái chủ. Cũng không ít người đang lầm tưởng rằng, trái phiếu Tân Hoàng Minh là một sản phẩm do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép.

Thực tế, theo quy định hiện hành, chỉ TPDN phát hành đại chúng là được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, quản lý chặt chẽ. Còn với TPDN riêng lẻ, doanh nghiệp thoải mái phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, mà không cần bất kỳ cơ quan quản lý nào phê duyệt.

Nói cách khác, TPDN riêng lẻ chỉ là một “khế ước nhận nợ” dân sự giữa doanh nghiệp với nhà đầu tư. Nghị định 153/2020/NĐ-CP nêu rõ, nhà đầu tư mua TPDN riêng lẻ tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi và gốc trái phiếu.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao TPDN có mặt ở nước ta từ những năm 2010, nhưng ung nhọt thị trường những năm gần đây mới xuất hiện?

Giai đoạn đầu, các doanh nghiệp tư nhân phát hành TPDN trên thị trường đều là doanh nghiệp lớn, TPDN có tài sản đảm bảo, kèm chứng quyền, có khả năng chuyển đổi. Hơn nữa, bên mua cũng chủ yếu là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có khả năng phân tích rủi ro như: ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư…

Bước sang giai đoạn 2018-2021, thị trường TPDN bùng nổ. Chính sách siết tín dụng bất động sản năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước cùng hành lang pháp lý về TPDN ngày càng thông thoáng khiến bộ ba doanh nghiệp bất động sản - ngân hàng - công ty chứng khoán bắt tay nhau phát hành, lách luật đưa một lượng trái phiếu khủng đến tay nhà đầu tư cá nhân.

Kể từ đây, TPDN “nhiều không” trăm hoa đua nở: không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không kèm chứng quyền, không phương án trả nợ… Huy động ngàn tỷ đồng dễ dàng, lãi suất cao, hoa hồng khủng khiến thị trường TPDN tăng trưởng bùng nổ. Hàng loạt con số biết nói phản ánh sức nóng của thị trường: tốc độ tăng trưởng kép TPDN giai đoạn 2018-2021 trên 50%; riêng năm 2021, khối lượng TPDN phát hành đã lên tới 658.000 tỷ đồng, cao hơn tổng khối lượng TPDN phát hành cả giai đoạn 2011-2018.

Sự đổ vỡ của trái phiếu Tân Hoàng Minh là tiếng chuông cảnh báo đầu tiên, song không phải là cá biệt.

Huy động ngàn tỷ đồng dễ dàng, lãi suất cao, hoa hồng khủng khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng bùng nổ

Luật ngầm trong “chợ trời” trái phiếu doanh nghiệp

Chỉ bằng vài cú nhấp chuột, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể tìm mua TPDN phát hành riêng lẻ trên mạng xã hội, lãi suất cao gấp 2-3 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng. Trong khi đó, là một công cụ nợ cao cấp, TPDN riêng lẻ chỉ được phép bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp - những người có thể đánh giá được mức độ rủi ro của trái phiếu.

Theo quy định, nhà đầu tư chứng khoán cá nhân chuyên nghiệp là người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; có danh mục chứng khoán niêm yết là 2 tỷ đồng tại thời điểm xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động mua bán TPDN riêng lẻ ở nước ta trong thời gian qua diễn ra như một “chợ trời”. Đó là nơi các chiêu trò lách luật, các bản hợp đồng ma được lén lút trao nhau dưới gầm bàn.

Chị Trần Thanh Hà (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, mới đây, chị được một nhân viên của một công ty mời chào mua trái phiếu N.T trên ứng dụng My Bond với lãi suất hơn 12%/năm, cao gấp đôi lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ hợp đồng mua trái phiếu, chị Hà tá hỏa bởi sự ngoắt ngoéo của hợp đồng.

Theo đó, không phải công ty có nhân viên đứng ra mời ký hợp đồng, mà pháp nhân đứng ra ký hợp đồng với chị Hà là Công ty cổ phần Thịnh Phát Hưng Yên. Hình thức của hợp đồng là “Hợp đồng Đầu tư trái phiếu”, song nội dung lại là hợp đồng góp vốn, ủy thác đầu tư. Các điều khoản hợp đồng quy định, số tiền chị Hà chuyển cho Thịnh Phát Hưng Yên là khoản góp vốn để mua TPDN. Sau khi ký kết, nhà đầu tư sẽ được cấp một tờ giấy xác nhận giao dịch mua trái phiếu, thay vì chứng nhận trái chủ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chị Phan Thu Hiền, giáo viên Trường Quốc tế Hà Nội cũng cho hay, dù không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhưng chị vẫn có thể dễ dàng mua TPDN của Tập đoàn bất động sản X. ngay trên ứng dụng bán trái phiếu của tập đoàn này. Theo tài liệu chị Hiền cung cấp, hợp đồng mà công ty đưa chị ký tên thực chất là hợp đồng góp vốn với trái chủ để mua TPDN, chứ không phải là hợp đồng mua TPDN từ đơn vị phân phối.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ma trận phát hành TPDN của Tập đoàn X. như sau: Công ty X1 phát hành TPDN riêng lẻ; tài sản đảm bảo là cổ phần của Công ty X2; đơn vị bảo lãnh là Công ty X3; đơn vị đứng ra mua lại lô trái phiếu là Công ty đầu tư tài chính Y. Đương nhiên, cả X1, X2, X3 và Y đều là thành viên của Tập đoàn X.

Sau đó, trái chủ Y sẽ bán lại toàn bộ số TPDN mà công ty này sở hữu cho nhà đầu tư tư nhân theo hình thức hợp tác đầu tư, hợp tác góp vốn, tương tự cách thức mà Tân Hoàng Minh thực hiện. Với chiêu thức này, 5 năm qua, Tập đoàn X. đã huy động thành công hàng chục ngàn tỷ đồng TPDN riêng lẻ trên thị trường, tăng vốn với tốc độ tên lửa.

Thế nhưng, doanh nghiệp phát hành không phải là tội đồ duy nhất nhất khiến quả bom TPDN phình to. Hoa hồng béo bở từ phân phối TPDN 3-5% khiến các ngân hàng, công ty chứng khoán lao vào bán trái phiếu, thậm chí cố tình mập mờ thông tin để “dụ” nhà đầu tư.

Năm 2021, riêng lượng TPDN mà công ty chứng khoán sang tay cho nhà đầu tư cá nhân là trên 90.000 tỷ đồng. Còn tính trên toàn thị trường, theo Bộ Tài chính, cuối năm 2021, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân thứ cấp nắm giữ TPDN là 23,6% dư nợ phát hành (dù tỷ lệ này trên thị trường sơ cấp chỉ từ 5-8%). Nếu tính cả số nhà đầu tư mua TPDN dạng hợp tác đầu tư, góp vốn... không có tên trong sổ lưu ký, thì con số này còn có thể còn cao gấp đôi.

“Theo tôi biết, nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán mua TPDN chủ yếu chỉ để phân phối lại cho người dân thông qua mạng lưới của mình. Hoa hồng bảo lãnh, phân phối lên tới 3-5% khiến nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán đua bán TPDN tới nhà đầu tư cá nhân. Rất nhiều người dân khi đi gửi tiền vào ngân hàng đều được mời mua TPDN với lãi suất cao gấp đôi”, ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á cho hay.

Nhờ lợi thế vừa đá bóng (bán TPDN), vừa thổi còi (cấp giấy chứng nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cho cá nhân), công ty chứng khoán dễ dàng lách luật, phù phép nhà đầu tư cá nhân thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Dưới sự tiếp tay của ngân hàng, công ty chứng khoán, TPDN riêng lẻ bỗng chốc biến thành TPDN đại chúng khi sang tên tới hàng vạn nhà đầu tư cá nhân.

Thị trường TPDN méo mó không chỉ do sự gian dối của doanh nghiệp phát hành, lòng tham lãi suất cao của nhà đầu tư cá nhân, sự hám lợi hoa hồng khủng của doanh nghiệp phát hành, mà do cả lỗi của đơn vị tư vấn.

Lẽ ra, đơn vị tư vấn phải là phễu lọc đầu tiên để thẩm định trái phiếu có tốt không, có đủ điều kiện phát hành không. Tuy vậy, mờ mắt về chi phí tư vấn kếch xù, nhiều công ty chứng khoán ra sức chiều chuộng nhà phát hành, xây dựng hồ sơ chào bán trái phiếu và công bố thông tin dựa trên các thông tin có lợi cho doanh nghiệp phát hành, bỏ qua các thông tin rủi ro. Những cú bắt tay dưới gầm bàn của doanh nghiệp phát hành yếu kém với nhà tư vấn thiếu trách nhiệm là nguyên nhân khiến trái phiếu rác tràn ngập thị trường.

Lòng tham và sự thiếu chuyên nghiệp của tất cả chủ thể tham gia thị trường khiến thị trường TPDN trở thành “chợ trời” thượng vàng hạ cám 5 năm qua.

(Còn tiếp)

Các chiêu thức “phù phép” nhà đầu từ thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc cách lách luật bán TPDN cho nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp:

- Mua trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian từ 2-4 ngày và bán ra để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm.

- Sử dụng tài khoản vay ký quỹ (margin) để chứng minh danh mục chứng khoán niêm yết đang nắm giữ có giá trị trên 2 tỷ đồng.

- Cá nhân không đứng tên trực tiếp mà tham gia các hợp đồng góp vốn đầu tư TPDN với tổ chức theo pháp luật dân sự (tương tự trường hợp Tân Hoàng Minh).

                                                                                                                                        Hà Tâm

Monday, October 24, 2022

Đầu tư cũng giống kết hôn, muốn 'thắng đậm' nhất định phải làm được 2 điều

 

Thời cơ có thể không phải lúc nào cũng tới, nhưng chỉ cần đúng người thì lúc nào cũng là thời điểm vàng.

Có hai sự kiện lớn quan trọng trong cuộc đời mỗi con người: Một là hôn nhân, hai là phát triển sự nghiệp. Trên thực tế, các cuộc hôn nhân viên mãn đều rất giống nhau, và đầu tư cũng vậy. Hai sự kiện lớn này có cùng một logic thành công.

1. Hôn nhân và đầu tư đều giống nhau

Một người hâm mộ đã hỏi Buffett: "Bí ẩn trong đầu tư là gì?"

Ông trả lời: "Đó là tư duy độc lập và nội tâm vững chãi".

Như Lev Tolstoy (tiểu thuyết gia người Nga) đã nói: "Các gia đình hạnh phúc đều giống nhau; mỗi gia đình không hạnh phúc đều không hạnh phúc theo cách riêng của nó".

Không khó để tìm được một vài cổ phiếu (hoặc dự án) tốt mà bạn có thể tự tin đầu tư, nhưng khó nhất là bạn phải trau dồi bản thân để trở thành một người kiên nhẫn.

Đầu tư thành công cũng giống như hôn nhân thành công, nếu không làm được 2 điểm trên thì phải làm thêm 4 điểm, 16 điểm, 256 điểm… Và kết quả cuối cùng chắc chắn bạn sẽ thất bại. Lý do rất đơn giản, điều cốt yếu là sự kiên nhẫn.

Tìm được người giỏi không khó, làm thế nào để đào tạo một nhân viên xuất sắc mới là vấn đề. Tìm được cổ phiếu và dự án tốt cũng vậy, tất cả đều có tiềm năng nếu bạn đủ kiên nhẫn!

2. Công thức để có cuộc hôn nhân hạnh phúc

Môn học cuối cùng của một trường đại học nọ là "Quản lý và Sáng tạo Hôn nhân". Giáo viên chính là một giáo sư được trường đặc biệt phân công để nghiên cứu các vấn đề về hôn nhân gia đình.

Vị giáo sư bước vào lớp và treo xấp biểu đồ mang theo lên bảng đen. Sau đó, ông mở tờ giấy lớn, trên đó là dòng chữ viết bằng bút lông.

"Sự thành công của hôn nhân phụ thuộc vào hai điều: Đầu tiên phải tìm một người tốt. Thứ hai hãy là một người tốt. Đơn giản vậy thôi," giáo sư nói.


Đầu tư cũng giống kết hôn, muốn thắng đậm nhất định phải làm được 2 điều - Ảnh 1.

Hạnh phúc của cặp đôi cần phải có sự nỗ lực từ hai bên. Ảnh: Crosswalk

Ngay khi giáo sư ngắt lời đã có nhiều tiếng xôn xao bên dưới bàn luận về vấn đề này. Trong lớp học cũng có một vài người đã kết hôn nên vấn đề này càng được bàn luận sôi nổi.

Một lúc sau, một phụ nữ trạc 30 tuổi đứng lên nói: "Thưa giáo sư, nếu hai việc này đều làm không được thì phải làm sao?".

Vị giáo sư lật tờ thứ hai của bảng lật và nói "Hai điều mà làm không xong thì giờ nó sẽ trở thành bốn:

- Bao dung, giúp đỡ

- Biến lòng khoan dung trở thành một thói quen

- Kiên nhẫn với những lỗi sai của đối phương

- Biết giả ngốc khi cần thiết"

Khi giáo sư đọc xong 4 điểm này, sinh viên bên dưới bắt đầu ồn ào hơn, có người nói thật vô lý, có người nói không thể làm được. Sau một vài phút để mọi người giữ trật tự, giáo sư nói: "Nếu không làm được 4 điều này mà muốn hôn nhân ổn định thì 4 điều sẽ biến thành 16 điều".

Sau khi giáo sư đọc xong, phía bên dưới một số người cười và một số người thở dài.

Giáo sư lắng nghe một lúc rồi nói: "Nếu mọi người thất vọng với 16 mục này, thì các bạn chỉ có thể làm 256 mục sau". Nói tóm lại, lý thuyết của một cuộc hôn nhân hoàn hảo là một lý thuyết về dãy số toán học, nó luôn luôn là mũ hai của số trước.

Sau đó, giáo sư mở trang thứ 4. Trang này không còn được viết bằng bút lông mà bằng bút mực, với 256 dòng, dày đặc.

Vị giáo sư nói: "Để hôn nhân đi đến bước đường này thì thật sự nguy hiểm." Lúc này, làn sóng bàn tán từ phía dưới giảng đường ngày càng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên tại thời điểm làn sóng tranh luận mạnh mẽ nhất giáo sư lại thông báo hết giờ và kết thúc lớp học.

Từ lý thuyết mà vị giáo sư đưa ra rõ ràng ta có thể thấy điểm mấu chốt của một cuộc hôn nhân hoàn hảo là tìm một người tốt, một người phù hợp với bản thân và từng ngày hoàn thiện khiến bản thân tốt hơn.

Nhưng thực tế khi đa số người nghe đến điểm mấu chốt này đều cho rằng đó là một lý thuyết phi thực tế và kiếm tìm những điều mà họ cho là cụ thể, có khả năng thực hiện được. Nhưng ta có thể dễ dàng nhận ra nội dung của 4 điều, 16 điều hay 256 điều mà giáo sư đề cập sau đó bản chất chỉ là những cách thức, phương thức làm sao để tìm được một người tốt hay khiến bản thân mình tốt hơn.

Chúng ta cứ loay hoay đi đường vòng để kiếm tìm sự thành công trong cuộc sống hôn nhân mà không biết rằng nó đơn giản chỉ ở ngay trước mắt!

Đầu tư cũng giống kết hôn, muốn thắng đậm nhất định phải làm được 2 điều - Ảnh 2.

Kinh doanh cũng có chung công thức với kết hôn. Ảnh: Entrepreneur

3. Sự nghiệp phát triển thành công cũng chỉ cần đúng 2 điều

Cơ sở lý luận đằng sau một cuộc "đầu tư" thành công và một cuộc "hôn nhân" thành công giống nhau như thế nào?

Đầu tư thành công phụ thuộc vào hai điều: Thứ nhất, tìm một vài cổ phiếu (dự án) tốt. Thứ hai, hãy là một người kiên nhẫn.

Đó là một lý thuyết đơn giản. Tuy nhiên sẽ có người hỏi rằng "Nếu hai điều này không được thực hiện thì sao?"

Vậy thì chúng ta cần phải làm 4 điều sau:

- Thiết lập một hệ thống giao dịch đầu tư phù hợp với bạn.

- Thực hiện hệ thống giao dịch đầu tư và hình thành thói quen.

- Nắm vững quy luật phát triển của giá cả trên thị trường chứng khoán.

- Có khả năng thoát khỏi đỉnh trong thị trường tăng giá và đáy trong thị trường giá xuống.

Lại có người phản bác "Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, điều này hoàn toàn không thể làm được".

Như chúng ta thấy lý thuyết đầu tiên chính là mấu chốt cơ bản. Vốn dĩ để đạt được một cuộc hôn nhân hạnh phúc hay để thành công trong đầu tư phát triển sự nghiệp thực chất là nắm chắc được cốt lõi ban đầu.

Thùy Anh

Phụ nữ Việt Nam

Wednesday, October 12, 2022

5 biểu đồ cho thấy sự bất thường của thị trường nhà ở Mỹ: Có hay không khả năng khủng hoảng 2008 lặp lại?

Thông thường, lãi suất thế chấp cao sẽ là tin rất xấu đối với thị trường nhà ở. Hiện tại, lãi suất thế chấp ở Mỹ đang ở trong giai đoạn tăng mạnh nhất trong lịch sử. Những người mua nhà phải hứng chịu cú sốc lớn khi mà khả năng chi trả của họ đang xấu đi với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử.

Thực tế là thị trường nhà ở Mỹ cũng vừa chạm đến những cột mốc rất đáng lưu ý. Chênh lệch giữa lãi suất thế chấp và lãi suất cơ bản tăng lên mức cao chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Số nhà mới được bán ra sụt giảm mạnh hơn cả thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính thế giới 2008.

Vậy thì liệu có phải giá nhà và thị trường nhà đất Mỹ sắp sụp đổ? Đó là 1 khả năng có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo giới phân tích, có lẽ thị trường chỉ bước vào một giai đoạn kỳ lạ mà thôi.

James Egan, chiến lược gia của Morgan Stanley, mới đây đã hạ dự báo về giá nhà. Tuy nhiên ông chỉ đưa ra con số là 3% - một mức giảm khá nhẹ.

Thị trường nhà ở Mỹ đang chứng kiến những điều chưa từng thấy. Lãi suất thế chấp tăng vọt làm giảm khả năng mua nhà của người dân. Tuy nhiên, không giống như thời kỳ trước năm 2008 và cả khi bong bóng nợ dưới chuẩn vỡ tung, lại có rất ít người bắt buộc phải bán nhà và do đó có rất ít hàng tồn.

"Đầu năm nay, lượng nhà cũ được rao bán giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1980. 3 tháng gần đây con số đã tăng lên nhưng tăng rất nhẹ. Điều này khiến giá không giảm", Egan giải thích.

Để hiểu rõ hơn giá nhà đang đi theo xu hướng nào, nhóm nghiên cứu của Morgan Stanley xem xét 4 yếu tố: cung, cầu, mức hợp lý của giá cả và dư nợ tín dụng. Trong khi 2 yếu tố đầu tiên không thay đổi nhanh chóng, 2 yếu tố sau biến động khá nhanh. Và đó chính là những gì đang diễn ra trên thị trường nhà ở Mỹ.

Vì có rất nhiều người sở hữu nhà đang có các khoản vay thế chấp với lãi suất cố định, và bởi vì giá nhà hiện vẫn ở mức cao, phần lớn mọi người không cảm thấy cú sốc. Tuy nhiên, điều này đi kèm với một cái giá phải trả, mà Egan gọi là "hiệu ứng kẹt" (lock-in effect).

"Trong nhiều trường hợp, để có thể bán được nhà, nhiều người sẽ phải đăng ký một khoản vay thế chấp mới với mức lãi suất cao hơn 200, 250, thậm chí là 300 điểm cơ bản so với khoản vay hiện tại. Họ cũng không muốn bán ngôi nhà của mình ở mức giá thấp hơn".

Vì thế thị trường đang xảy ra điều chưa từng có tiền lệ: các chỉ số đo lường sức khỏe của thị trường sụt giảm nhanh chóng, nhưng giá thì không hề lao dốc. Dưới đây là 5 biểu đồ minh họa rõ nét bức tranh thị trường nhà ở Mỹ.

Giá nhà tăng mạnh sau Covid

So với thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Mỹ, giá nhà đã tăng rất mạnh, vượt qua cả các đỉnh của đầu những năm 2000. Hiển nhiên trên thị trường nổi lên câu hỏi liệu đà tăng này có bền vững hay không.



Lãi suất thế chấp tăng sốc

Trung bình lãi suất áp dụng với khoản vay thế chấp kỳ hạn 30 năm đã tăng từ mức chưa đến 3% trong năm 2020 lên gần 7% ở thời điểm hiện tại, cao nhất kể từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên đây chưa phải là điều ấn tượng nhất.

Chênh lệch giữa lãi suất thế chấp và lãi suất cơ bản (đo lường bằng lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm) tăng mạnh hơn rất nhiều.


Với triển vọng kinh tế vĩ mô u ám trong bối cảnh Fed tăng lãi suất và thị trường trái phiếu biến động mạnh, nhiều nhà đầu tư lớn đã né tránh các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) và chính điều này góp phần đẩy tăng lãi suất thế chấp. Cùng lúc đó, Fed cũng rời xa thị trường khi bán bớt trái phiếu để thu hẹp bảng cân đối kế toán trong lộ trình thắt chặt định lượng.

"Vì nhiều lý do mà vài năm gần đây thị trường xuất hiện thêm quá nhiều người mua lớn, nhưng giờ họ không sẵn sàng và không thể bước vào thị trường. Đồng thời chúng ta đang chứng kiến mức độ biến động mạnh chưa từng thấy. Tất cả các yếu tố này khiến chênh lệch lợi suất tăng vọt", Egan nói.


Độ hợp lý về giá cả giảm chưa từng thấy

Biểu đồ dưới đây cho thấy mức tăng so với cùng kỳ năm trước của tỷ trọng số tiền phải thanh toán hàng tháng cho khoản vay thế chấp trên tổng thu nhập của 1 hộ gia đình (đường màu xanh) và mức tăng của số tiền phải thanh toán hàng tháng (đường màu vàng).


Nhưng những con số xấu xí này không đồng nghĩa thị trường sụp đổ. Theo Egan, hãy chú ý đến những nhóm thực sự bị giảm khả năng mua nhà. Hầu hết người sở hữu nhà vay thế chấp lãi suất cố định và phần lớn đã tái tài trợ trong mấy năm gần đây để tận dụng mức lãi suất siêu thấp. Do đó họ không bị ảnh hưởng.

Hiệu ứng kẹt

Vì nhiều chủ nhà đủ may mắn để được hưởng mức lãi suất thấp không có lý do gì để bán nhà trong môi trường lãi suất tăng và giá giảm nhẹ như hiện nay, thị trường đang chứng kiến hiệu ứng kẹt khi mà các chủ nhà không muốn đưa ngôi nhà của mình ra thị trường.

Kết quả là lượng cung các ngôi nhà dành cho 1 gia đình cơ bản hiện đang ở mức thấp nhất 40 năm.


Điều này có thể giúp giá không giảm quá sâu, nhưng chắc chắn đây là tin xấu cho những công ty môi giới bất động sản. Lượng hàng bán ra đang giảm mạnh hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.


Các tiêu chuẩn tín dụng bị thắt chặt

Khi nhìn thấy doanh số bán nhà giảm mạnh nhất kể từ 2008, chắc hẳn bất cứ ai cũng sẽ tự hỏi liệu có phải bong bóng nợ dưới chuẩn từng thổi bùng lên khủng hoảng tài chính sẽ lặp lại hay không. Nhưng Egan cho rằng có một số yếu tố khiến câu chuyện lần này khác hoàn toàn, ví dụ như thị trường hiện đang thiếu nguồn cung trầm trọng. Tuy nhiên, có lẽ điểm khác biệt lớn nhất là tín dụng.

Trước năm 2008, dường như ai cũng có thể dễ dàng vay thế chấp để mua nhiều bất động sản. Sau khủng hoảng, các tiêu chuẩn cho vay đã được thắt chặt đán gkể, và những sản phẩm cho vay từng gây rắc rối đã biến mất khỏi thị trường. Điều đó có nghĩa là trên lý thuyết những ai đang sở hữu nhà vẫn sẽ ổn kể cả khi nền kinh tế giảm tốc.

Tất nhiên không thể coi thường các tác động của lãi suất tăng lên nền kinh tế. Nếu như tình hình đủ tệ và nhiều người mất việc làm, sẽ có nhiều người bán gặp áp lực kinh tế và có thể giải phóng lượng hàng tồn, gây áp lực giảm giá.

"Phá sản và tịch biên sẽ không xảy ra, nhưng giá sẽ giảm mạnh hơn", Egan nói.

Tham khảo Bloomberg

Rất hiếm khi TTCK có mức định giá thấp như hiện tại

 

Theo thống kê của Yuanta, trong lịch sử lạm phát thấp kể từ năm 2013 chỉ có duy nhất 3 lần mức P/E dưới mức 11.x. Điều này cho thấy rất hiếm khi TTCK có mức định giá thấp như hiện nay.

Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán liên tục trồi sụt mạnh trước nhiều thông tin bất lợi. Những phiên giao dịch đầy biến động đã “thổi bay” hàng trăm điểm của chỉ số, VN-Index có thời điểm “nhúng” dưới mốc 1.000 điểm.

Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán Yuanta cho rằng những phiên sụt giảm mạnh đã khiến định giá của chứng khoán Việt Nam trôi về mức rất thấp. Cụ thể, mức P/E dự phóng 2022 đạt 9.7x, tương đương mức thấp nhất trong tháng 3/2020 (thời điểm TTCK giảm mạnh do ảnh hưởng từ bùng phát dịch Covid).

Theo thống kê của Yuanta, trong lịch sử lạm phát thấp kể từ năm 2013 chỉ có duy nhất 3 lần mức P/E dưới mức 11.x. Điều này cho thấy rất hiếm khi TTCK có mức định giá thấp như hiện nay.

Rất hiếm khi TTCK có mức định giá thấp như hiện tại - Ảnh 1.

Đồ thị giá giảm về đường trung bình 50 tháng, đây là đường hỗ trợ cho đồ thị giá của chỉ số VN-Index kể từ 2012 đến nay. Trong ngắn hạn, thị trường sẽ sớm tìm điểm cân bằng, nhưng xu hướng dài hạn vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, Yuanta cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động quanh đường trung bình 50 tháng, tức là quanh mức 1.095 điểm trong tháng 10.

Nhìn nhận bối cảnh vĩ mô, đội ngũ phân tích cho rằng vẫn còn nhiều rủi ro khó lường. Theo đó, đà tăng trưởng cao khó có thể kéo dài trong quý 4 vì mức GDP quý 4/2021 thậm chí cao hơn so với các quý trong năm 2022 vừa qua. Vì vậy, đội ngũ phân tích ước tính GDP quý 4 sẽ tăng khoảng 3,2%.

Mặt khác, xuất nhập khẩu đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại khi lạm phát cao tại các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ và châu Âu. Điểm tích cực trong hoạt động xuất khẩu là thặng dư thương mại cao trong những tháng gần đây, lũy kế 9 tháng đầu năm là xuất siêu 6,5 tỷ USD, đây sẽ là yếu tố hô trợ cho việc kiểm soát tỷ giá trong bối cảnh đồng USD tiếp tục tăng mạnh.

FDI giải ngân vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt, song đội ngũ phân tích cũng lưu ý nguồn vốn FDI đăng ký mới có thể sẽ chưa thể tăng mạnh trong ngắn hạn do những rủi ro về tỷ giá, lãi suất Fed và và kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn bất ổn, điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp FDI cân nhắc trong các quyết định tìm hiểu đầu tư một dự án mới.

Đặc biệt, rủi ro vẫn còn lớn khi tyẻ giá vẫn chịu áp lực lớn và lãi suất liên ngân hàng chịu áp lực tăng. Dù đánh giá VND tiếp tục là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất trong khu vực trong tháng 9 nhờ lượng dữ trữ ngoại hối lớn khi SBV đã bán ròng USD trong 2 tháng qua để kìm đà tăng tỷ giá. Tuy nhiên, chuyên gia Yuanta cho rằng áp lực tỷ giá chưa thể hạ nhiệt trong ngắn hạn do xuất khẩu và dòng vốn FDI đăng ký chậm lại.

Rất hiếm khi TTCK có mức định giá thấp như hiện tại - Ảnh 2.

Mặt khác, lãi suất liên ngân hàng tăng ở các kỳ hạn và áp lực này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt sớm. Lợi suất trái phiếu chính phủ cũng như lãi suất tại các ngân hàng hầu hết tăng ở các kỳ hạn. Điều này cho thấy các rủi ro vĩ mô tiếp tục xu hướng tăng mạnh trong tháng 9. Mức tăng lợi suất trái phiếu trong tháng 9 khá cao, đã đẩy lợi suất 10N lên mức 4,9%, cao hơn nhiều so với mức trước dịch Covid khoảng 3,4%.

Chính vì vậy, báo cáo Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư dài hạn chưa nên tăng tỷ trọng cổ phiếu và chỉ nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 35-40% danh mục.Một số nhóm cổ phiếu nhà đầu tư có thể quan tâm trong tháng 10 là những cổ phiếu có tính chất phòng thủ cao như điện nước, đồ uống, công nghiệp nặng và vận tải.

Hạ Anh

Nhịp sống thị trường

Friday, October 7, 2022

Nhóm cổ phiếu nào bật tăng mạnh nhất sau mỗi đợt downtrend lớn trong 10 năm gần đây?

 

Theo thống kê những nhịp giảm mạnh trong 10 năm trở lại đây, ABS cho rằng có một số nhóm ngành có sự hồi phục và tăng trưởng nhanh nhất, phù hợp với đầu tư dài hạn.

Kể từ tháng 4/2022, thị trường chứng khoán gặp nhiều sóng gió khi ghi nhận nhiều phiên điều chỉnh mạnh. Hiện, giá các nhóm cổ phiếu hiện tại đã chiết khấu sâu so với đỉnh trong đó ngành tài chính và ngân hàng ghi nhận mức giảm mạnh nhất lần lượt là -31% và -26%.

Nhóm cổ phiếu nào thường hồi phục tốt nhất sau mỗi nhịp giảm mạnh?

Theo thống kê của Chứng khoán ABS, trong những nhịp giảm mạnh trong 10 năm vừa qua, mức độ giảm từ đỉnh xuống đáy khoảng 20-25%. Hiện tại, sau 3 nhịp giảm đầu tiên và giai đoạn tích luỹ đáy, VN-Index ghi nhận mức giảm khoảng 26%. Mức độ chiết khấu sâu của thị trường chỉ sau giai đoạn Covid trong 10 năm nay, P/E đang tiến tới vùng định giá hấp dẫn 10-11x.

Nhóm cổ phiếu nào bật tăng mạnh nhất sau mỗi đợt downtrend lớn trong 10 năm gần đây? - Ảnh 1.

Cũng theo thống kê những nhịp giảm mạnh trong 10 năm trở lại đây, có một số nhóm ngành có sự hồi phục và tăng trưởng nhanh nhất, phù hợp với đầu tư dài hạn.

Thứ nhất, ngành dầu khí (có nhịp tăng trong cả 4 giai đoạn với mức chốt lời thấp nhất 21,14% sau 1 tháng kể từ ngày tạo đáy năm 2018 và lớn nhất là 106,77% sau 1 năm trong giai đoạn 2022).

Thứ hai, ngành tiện ích cộng đồng bao gồm điện, nước (có mức tăng thấp nhất 31,71% và cao nhất lên tới 105,97%).

Nhóm cổ phiếu nào bật tăng mạnh nhất sau mỗi đợt downtrend lớn trong 10 năm gần đây? - Ảnh 2.

Thứ ba, các nhóm ngành khác như công nghệ thông tin, nhóm nguyên vật liệu, nhóm ngành tài chính, ngân hàng có mức tăng cao hơn VN-Index cũng có thể là cơ hội đầu tư trong nhịp chỉnh khi định giá về mức hấp dẫn.

Nhà đầu tư cần đưa ra chiến lược phù hợp

Dự báo diễn biến tiếp theo, ABS cho rằng VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục giao dịch trong xu hướng giảm theo xu hướng chung của chứng khoán thế giới. Do đó, trong ngắn hạn thị trường có thể tiếp tục giao dịch tích lũy trong vùng 1.050 -1.080 trước bối cảnh vĩ mô nhiều rủi ro và dòng tiền bị rút ra để chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn hơn.

Nhìn về triển vọng cuối năm nay, ABS kỳ vọng trong dài hạn VN-Index vẫn sẽ hồi phục và quay lại vùng 1.200 – 1.300 nhờ một số yếu tố hỗ trợ.

Hỗ trợ tới từ các yếu tố vĩ mô khi kinh tế Việt Nam trong năm 2022 dự kiến vẫn sẽ tăng trưởng tốt theo kế hoạch GDP ở mức 7,5% - 8% cuối năm 2022.

Thị trường đang ở vùng định giá hấp dẫnkhi VN-Index đã giảm 26% từ vùng đỉnh và mức định giá P/E của toàn thị trường hiện ở mức 12x.

Kết quả kinh doanh 9 tháng của các doanh nghiệp niêm yết dự kiến sẽ được công bố trong thời gian tới sẽ là yếu tố hỗ trợ cho các cổ phiếu có yếu tố tài chính tốt nhưng đang bị giảm theo áp lực của thị trường.

Về chiến lược hành động, ABS cho rằng các nhà đầu tư ngắn hạn tạm thời chưa nên giải ngân khi thị trường vẫn đang trong trạng thái rung lắc. Đối với các nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao hoặc đang sử dụng margin cần tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để hạ tỷ trọng.

Đối với nhóm nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, thích giao dịch ngắn hạn có thể chú ý đến 3 nhóm ngành (1) ngành dầu khí khá nhạy sóng và có mức độ hồi phục cao hơn VN-Index trong 4 nhịp giảm gần đây, hưởng lợi thông tin giá dầu (2) ngành đạm hưởng lợi từ xu hướng tăng giá ure và căng thẳng địa chính trị, tỷ trọng tiền mặt ròng/tổng tài sản cao (3) ngành bán lẻ với KQKD quý 3 bùng nổ từ nền thấp năm 2021 và giai đoạn mua sắm cuối năm, ra mắt iphone,…

Nhóm cổ phiếu nào bật tăng mạnh nhất sau mỗi đợt downtrend lớn trong 10 năm gần đây? - Ảnh 3.

Đối với những nhà đầu tư giá trị cần bình tĩnh quan sát thị trường và có thể giải ngân sau khi thị trường đạt trạng thái cân bằng và tích luỹ ở vùng đáy. Đối với nhà đầu tư có rủi ro cao, ưa thích giao dịch ngắn hạn, có thể tận dụng nhịp hồi để tham gia giao dịch với tỷ trọng nhỏ.

Hạ Anh

Nhịp sống thị trường