Cơ quan điều hành “ngủ quên”
Các ngân hàng là trung tâm gây nên cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, họ không phải là “thủ phạm” duy nhất. Các Thống đốc NHTW và những nhà quản lý khác cũng phải chịu trách nhiệm vì những thiếu sót. Họ đã thất bại trong việc kiểm soát sự mất cân bằng của nền kinh tế cũng giám sát các định chế tài chính.
Có lẽ lỗi lầm nghiêm trọng nhất là để cho Lehman Brothers sụp đổ. Sự kiện này khiến sự hoảng loạn của thị trường tăng lên gấp bội. Đột nhiên, không ai tin vào ai và không ai muốn cho vay. Không thể dựa vào việc vay mượn để thanh toán cho các nhà cung cấp và người lao động, các công ty phi tài chính đóng băng việc chi tiêu, khiến nền kinh tế trì trệ. Mỉa mai thay, quyết định cho phép Lehman phá sản đã dẫn đến chính phủ phải can thiệp sâu hơn chứ không phải ít hơn. Để ngăn chặn sự hoảng loạn lây lan, các nhà quản lý phải cứu một loạt các công ty khác.
Thế nhưng, họ đã mắc sai lầm từ rất lâu trước đó. Cán cân vãng lai toàn cầu mất cân đối nghiêm trọng và bong bóng nhà đất thì ngày càng phình to. Từ lâu, các Thống đốc NHTW đã bày tỏ lo lắng về thâm hụt ngân sách của Mỹ và dòng tiền từ tiền tiết kiệm của châu Á. Ben Bernanke nhấn mạnh vấn đề này từ đầu năm 2005, một năm trước khi ông thay thế Alan Greenspan trở thành chủ tịch Fed. Tuy nhiên, tập trung quá nhiều vào dòng vốn từ châu Á lại khiến vấn đề của các ngân hàng châu Âu bị bỏ qua. Họ đã mua quá nhiều chứng khoán Mỹ bằng tiền đi vay từ các quỹ thị trường tiền tệ cũng của Mỹ.
Nói cách khác, mặc dù châu Âu là nạn nhân, các ngân hàng châu Âu cũng chính là thủ phạm.
Đồng euro ra đời thúc đẩy ngành tài chính bùng nổ ở Eurozone và các trung tâm gần đó như London và Thụy Sĩ. Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi Hyun Song Shin (đến từ ĐH Princeton) đã tập trung vào vai trò của châu Âu trong khủng hoảng. Ông lập luận rằng các điều kiện tín dụng lỏng lẻo ở thời kỳ trước khủng hoảng xuất phát từ ngành ngân hàng toàn cầu hơn là từ tiết kiệm.
Thêm vào đó, chính châu Âu cũng bị mất cân bằng. Các nền kinh tế Nam Âu có thâm hụt cán cân vãng lai khổng lồ trong thập kỷ đầu tiên kể từ khi đồng euro ra đời. Ngược lại, các nền kinh tế Bắc Âu thặng dư lớn. Tình trạng mất cân bằng được tài trợ bởi dòng tiền từ vùng lõi chảy sang các nước có thị trường nhà đất bùng nổ như Tây Ban Nha và Ireland.
Đáng lẽ ra các NHTW đã có thể giải quyết được vấn đề. Fed chưa bao giờ có hành động ngăn chặn bong bóng bất động sản. NHTW châu Âu không làm bất cứ điều gì để thắt chặt tín dụng ở các nước ngoại vi. Họ đã sai lầm khi cho rằng mất cân bằng cán cân vãng lai không có nghĩa lý gì trong một liên minh tiền tệ.
Các NHTW cũng cho rằng rất khó để có thể kiềm chế bong bóng nhà đất và bong bóng tín dụng bằng lãi suất cao hơn. Có lẽ điều này là đúng. Tuy nhiên, họ còn có trong tay những công cụ khác: hạ thấp tỷ lệ cho vay tối đa/giá trị đối với các khoản vay thế chấp hoặc yêu cầu ngân hàng tăng vốn dự trữ.
Tỷ lệ vốn là thiếu sót lớn nhất. Kể từ năm 1988, hội đồng các thống đốc và giám sát viên đã có cuộc họp ở Basel và thảo luận các quy tắc quốc tế về vốn của ngân hàng. Tuy nhiên, những quy định này là chưa đủ nghiêm khắc và các ngân hàng vẫn có thể lách luật.
Dưới áp lực tăng lợi suất từ các cổ đông, ngân hàng hoạt động với số vốn tối thiểu và càng dễ chao đảo nếu mọi thứ đi chệch quỹ đạo. Từ giữa những năm 1990, các ngân hàng đã được phép sử dụng nhiều hơn các mô hình đánh giá rủi ro và sau đó tự xây dựng các yêu cầu về vốn. Không có gì khó đoán khi các ngân hàng luôn tự đánh giá họ ngày càng an toàn hơn.
Ủy ban Basel cũng không đề ra bất cứ luật lệ nào liên quan đến phần tài sản có tính thanh khoản cao của ngân hàng. Cơ quan này cũng thất bại trong việc xây dựng cơ chế cho phép một ngân hàng lớn sụp đổ mà không ảnh hưởng đến cả hệ thống.
Tất cả đều có lỗi
Dẫu vậy, các ngân hàng và nhà quản lý không phải là những người duy nhất đánh giá sai. Khi các nền kinh tế hoạt động tốt, áp lực chính trị khiến họ không được phép làm mọi thứ đảo lộn. Thời kỳ kinh tế ổn định kéo dài khuyến khích tâm lý chấp nhận rủi ro. Và, giống như những gì thường thấy trong lịch sử các cuộc khủng hoảng tài chính, người tiêu dùng cũng là bộ phận ảo tưởng rằng thịnh vượng sẽ tồn tại mãi mãi và do đó đẩy núi nợ lên cao.
Thu Hương
Theo Trí Thức Trẻ/Economist
No comments:
Post a Comment