Nợ là nguyên nhân và cũng là hệ quả của khủng hoảng.
Đây là bài thứ hai trong chuỗi bài viết của Economist phân tích nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính và những bài học được rút ra từ những gì đã diễn ra trong suốt 5 năm qua. Bài báo này sẽ tập trung phần tích vai trò của nợ và giải chấp (deleveraging) trong khủng hoảng.
Nhiều hộ gia đình ở Mỹ không thể trả các khoản vay thế chấp mua nhà chính là dấu hiệu dự báo về cuộc khủng hoảng tài chính đã xảy ra cách đây 5 năm. Mặc dù các khoản này không phải là quá lớn, một số ngân hàng đầu tư đã không thể chịu đựng nổi với nguyên nhân phần lớn là do họ đã gánh trên vai những khoản nợ khổng lồ. Khi khủng hoảng lan rộng ra khắp khu vực tài chính trong thời kỳ 2007 – 2008, các ngân hàng và những chủ nợ khác vội vã ngừng cho vay. Điều này ảnh hưởng đến phần còn lại của nền kinh tế. Suy thoái sâu và các gói cứu trợ khổng lồ lại dẫn đến tình trạng nợ chính phủ tăng cao. Tiếp theo, thị trường hoảng sợ, lo lắng về kịch bản hàng loạt nước ở eurozone vỡ nợ.
Nguyên nhân hay hệ quả?
Có thể nói, nợ là nguyên nhân và cũng là hệ quả của khủng hoảng.
Các nhà kinh tế học thường nhìn nhận nợ là một công cụ hữu hiệu để chuyển tiền đến nơi thực sự cần tiền, từ chủ nợ (những người thừa tiền) đến người đi vay (những người thiếu tiền). Trước khi khủng hoảng nổ ra, thị trường nợ quốc tế phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu và đã từng được coi là nhân tố hữu hiệu để thúc đẩy tăng trưởng. Nguyên nhân là bởi nó cung cấp cho người đi vay những khoản vay khổng lồ với lãi suất ở mức thấp. Tuy nhiên, khi thảm họa ập đến, từ vai trò của “chiếc thang”, nợ ngay lập tức trở thành “máng trượt”. Do đó, tìm ra thời điểm khi nào nợ trở nên nguy hiểm đã trở thành ưu tiên hàng đầu của kinh tế học trong một vài năm trở lại đây.
Có lẽ, nợ chính là công cụ tài chính cổ xưa nhất, thậm chí cổ hơn cả tiền. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mảng đất sét phơi khô từ thời Babylon có khắc những giao ước nợ. Những mảng đất sét được xác định là có từ thế kỷ III trước Công nguyên. Tuy nhiên, nợ không nhận được nhiều sự tôn kính. Ví dụ, ở Đức, từ schuld (nợ) cũng có nghĩa là tội ác và đây là tư tưởng vẫn được nhiều người chấp nhận. Có thể, nguyên nhân nằm ở chỗ nợ là một công cụ không mang tính tha thứ: nợ phải được trả đầy đủ và đúng hạn. Điều này giúp phân biệt nợ với các nghĩa vụ tài chính khác, ví dụ như cổ phiếu. Cổ phiếu linh hoạt hơn rất nhiều khi chỉ hứa hẹn sẽ trả cho cổ đông một phần lợi nhuận.
Trước năm 2008, hầu hết các mô hình kinh tế không đề cập nhiều đến nợ (đặc biệt là nợ tư nhân nội địa) và càng không đề cập đến vỡ nợ. Ở cấp độ toàn bộ nền kinh tế, người đi vay và người cho vay sẽ “triệt tiêu” lẫn nhau: mỗi đồng USD được vay bởi người này sẽ là đồng USD được người khác cho vay. Do đó, tổng nợ của toàn bộ người đi vay và tổng tài sản của toàn bộ người cho vay sẽ bằng 0. Điều này khiến nợ trở nên không quan trọng.
Rõ ràng là, không thể đánh giá thấp vai trò của nợ. Tổng nợ của nền kinh tế cũng không có tổng bằng 0. Để thêm nợ vào các mô hình kinh tế, các nhà kinh tế học vĩ mô phải đối mặt với nhiều thao tác rắc rối: “tính không đồng nhất” (phân chia nền kinh tế thành con nợ và chủ nợ) và "tính đứt quãng" (các mối quan hệ kinh tế bị phá vỡ).
Biện pháp thay thế là tập trung vào các dữ liệu lịch sử để tìm ra khi nào thì nợ trở nên nguy hiểm. Và, những mối nguy hiểm lại phụ thuộc vào việc ai sở hữu khoản nợ (chính phủ, hộ gia đình, công ty hoặc các định chế tài chính) và nợ thuộc loại nào (khoản vay trái phiếu, ngắn hạn hay dài hạn) cũng như nợ được tính bằng đồng tiền nào.
Hầu hết các nghiên cứu thực nghiệm tập trung vào nợ chính phủ. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính 2008 cho thấy rắc rối xuất phát từ nợ của khu vực tư nhân (đặc biệt là các khoản vay thế chấp - loại chiếm tỷ trọng lớn trong nợ của các hộ gia đình) và các khoản vay khổng lồ của ngân hàng. Khoản nợ của các công ty phi tài chính đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng ở Nhật Bản thời kỳ đầu những năm 1990. Tuy nhiên, điều tương tự không xảy ra đối với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Hầu hết các công ty, hộ gia đình và chính phủ nợ ngân hàng và các định chế tài chính khác - đối tượng vừa kéo dài các khoản vay vừa mua chứng khoán. Các tổ chức tài chính này cũng đi vay nợ từ người gửi tiền, người nắm giữ trái phiếu và một loạt định chế tài chính khác.
Trong đó, các ngân hàng là người môi giới đi vay để cho vay. Họ nắm giữ rất nhiều tài sản nhưng đồng thời cũng gánh những khoản nợ lớn.
Giải chấp
Trên thực tế, nợ của các công ty tài chính thường nhỏ hơn nhiều so với nợ của chính phủ, hộ gia đình và các công ty phi tài chính. Theo OECD, trong năm 2011, ngành tài chính của Luxembourg có số nợ tương đương với 4.900% GDP. Đây là một trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, con số thống kê ở các quốc gia khác cũng đáng báo động: ở Anh là 837% và ở Ireland là 1.434% GDP.
Khi các doanh nghiệp hoặc hộ gia đình nắm giữ quá nhiều nợ, giá tài sản mà họ nắm giữ chỉ cần giảm nhẹ cũng có thể đẩy họ đến bờ vực phá sản. Nếu một gia đình có ngôi nhà trị giá 100.000 USD và vay ngân hàng 90.000 USD, tài sản ròng của họ chỉ là 10.000 USD. Tuy nhiên, nếu khủng hoảng khiến giá nhà giảm sâu hơn nữa, nhiều gia đình nhận ra họ không còn khả năng trả nợ. Trong khi đó, các định chế tài chính (vốn dùng tiền đi vay để đầu tư) chịu cảnh thua lỗ nặng.
Không chỉ dễ bị tổn hại khi giá tài sản giảm, nợ cao còn khiến thu nhập biến động mạnh. Các hộ gia đình chìm trong nợ gặp nhiều khó khăn khi chi tiêu. Tương tự, những doanh nghiệp nặng nợ cũng gặp khó khăn trong đầu tư khi doanh thu của họ sụt giảm.
Để đánh giá những ảnh hưởng của nợ đối với sự ổn định của nền kinh tế, Douglas Sutherland và Peter Hoeller (đến từ OECD) đã tính toán tỷ lệ nợ so với GDP, rút ra các chu kỳ lên và xuống. Họ lưu ý rằng nợ của khu vực tài chính có xu hướng tăng vọt trong thời kỳ kinh tế bùng nổ trước khi lâm vào khủng hoảng. Sutherland và Hoeller cũng chỉ ra rằng đây chính là dấu hiệu cho thấy sự bùng nổ sẽ đi đến hồi kết. Và, nợ của khu vực tài chính càng lớn thì sâu thoái càng sâu (giống như trong trường hợp này).
Điều tương tự cũng đúng với nợ của các hộ gia đình. Hai nhà kinh tế chỉ ra rằng xác suất xảy ra khủng hoảng ở mức khoảng 10% khi nợ của các hộ gia đình ở xung quanh mức 10% GDP. Tuy nhiên, khi tỷ lệ nợ vượt quá 10% GDP (giống như ở những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi khủng hoảng), xác suất lên tới 40%.
Thu Hương
Theo Trí Thức Trẻ/Economist
No comments:
Post a Comment