;
BACK
>

Friday, February 20, 2015

BÀN VỀ "TỰ TRUYỆN BENJAMIN FRANKLIN"



Benjamin Franklin là một trong những nhà lập quốc và lập pháp vĩ đại nhất nước Mỹ, ông là người duy nhất ký tên vào cả 4 văn kiện quan trọng trong lịch sử nước Mỹ: Tuyên ngôn độc lập, Hiệp ước Đồng minh với Pháp, Hiệp ước hòa bình với Anh và Hiến pháp Hoa Kỳ. Được xem là một trong những nhà ngoại giao có năng lực và thành công nhất từ trước đến nay. Sau khi đọc cuốn "Tự truyện của Benjamin Franklin", có rất nhiều bài học mà mình chắc là cần phải học tập để rèn luyện và phát triển bản thân của mõi người chúng ta. 

Đây là cuốn tự truyện được viết trong giai đoạn đầu cuộc đời của Benjamin Franklin, trước khi ông lấn sân sâu vào hoạt động chính trị, phần sau của cuộc đời ông dường như không có nhiều tài liệu viết về nó. Dù sao, những bài học trong giai đoạn đầu của một người thành công bao h cũng đáng quý và đáng trân trọng để học hỏi. 

Cuộc đời của ông xuất phát từ hai bàn tay trắng, bằng sự cần cù trong lao động, sự tiết kiệm; thông qua đọc sách để phát triển mối quan hệ với các tầng lớp trí thức và quý tộc; nhờ vào sự uyên bác qua sách và khả năng viết lách được tôi luyện, thông qua nhà in để xuất bản các bài báo như một công cụ tuyệt vời thể hiện quan điểm của ông và ảnh hưởng tới nhiều tầng lớp trong xã hội lúc đó. Đáng để quan tâm hơn hết là khả năng chịu khó, ý chí vươn lên, sự tiết kiệm và kỷ luật ở ông; từ hai bàn tay trắng có thể trở thành một người giàu có và trở thành 1 nhà chính trị, ngoại giao, khoa học xuất sắc. 

Con đường ông đi cũng có phần giống với những chính trị gia khác từ hai bàn tay trắng đi lên. Từ sự lao động cần cù, khả năng và ý chí học hỏi không ngừng; nhờ vào sự tự kỷ luật và tiết kiệm ông đã tích lũy được một kiến thức uyên bác, những mối quan hệ chất lượng, và một tài sản đáng kể. Thông qua hệ thống báo chí, mà ông là chủ nhà in, cùng với các câu lạc bộ học thuật ông lập ra; thông qua các mối quan hệ ông kết giao nhờ vào kiến thức uyên bác và cùng sở thích đọc sách, phẩm chất đạo đức ở ông. Ông tạo dựng nên một uy tín cho bản thân, một khối tài sản đáng kể và những mối quan hệ với tâng lớp trên. Sau khi có sự nghiệp, có tiền. Ông lại dành nhiều thời gian để phục vụ cộng đồng, tạo nên một hình ảnh có ảnh hưởng lớn trong xã hội, thông qua các mối quan hệ, khả năng hùng biện, uy tín của mình để dần leo lên các nâng thang trong sự nghiệp chính trị, ngoại giao.

Chắc nhiều người cũng đã biết tới 13 đức tính của ông, bao gồm: CHỪNG MỰC, YÊN LẶNG, TRẶT TỰ, KIÊN ĐỊNH, TIẾT KIỆM, SIÊNG NĂNG, THÀNH THẬT, CÔNG BẰNG ĐIỀU ĐỘ, SẠCH SẼ, THANH TỊNH, THỦY CHUNG, KHIÊM NHƯỜNG. Cụ thể như sau: 


"1. CHỪNG MỰC. Không ăn đến chán; khônng uống quá nhiều.
2. YÊN LẶNG. Chỉ nói những gì có lợi cho người khác hoặc bản thân; tránh những chuyện vặt vãnh không đâu.
3. TRẬT TỰ. Sắp xếp mọi thứ theo trật tự, và phân chia công việc theo thời gian dành riêng.
4. KIÊN ĐỊNH. Quyết tâm làm điều phải làm, và đã làm thì làm cho bằng được.
5. TIẾT KIỆM. Không tiêu pha gì khác ngoài những thứ tốt cho bản thân hoặc kẻ khác; tỉ như, không hoan phí bất cứ thứ gì.
6. SIÊNG NĂNG. Không phí hoài thời gian vô ích; luôn sử dụng thời gian vào những việc có ích và loại bỏ những việc làm không cần thiết.
7. THÀNH THẬT. Không sử dụng mánh khóe để hại người, suy nghĩ ngay thẳng, công bằng và nói đúng những gì ta nghĩ trong đầu.
8. CÔNG BẰNG. Không làm điều xấu với bất cứ ai, hay gạt bỏ bổn phận của bản thân phải mang lại lợi ích cho người khác.
9. ĐIỀU ĐỘ. Tránh sự thái quá, hãy chịu đựng những tổn hại chừng nào vẫn còn cho đó là đủ.
10. SẠCH SẼ. Giữ gìn sạch sẽ bản thân, phục trang và nơi ở.
11. THANH TỊNH. Không bị phân tâm hay lo âu bởi những điều vặt vãnh, hoặc những rủi ro thông thường hoặc bất khả kháng.
12. THỦY CHUNG. Điều tiết sinh dục, chỉ để duy trì sức khỏe và nòi giống, không vì chán nản, yếu đuối, hoặc làm tổn hại đến sự yên bình và thanh danh của bản thân và kẻ khác.
13. KHIÊM NHƯỜNG. Noi gương Chúa Trời và Socrates."

Nhờ vào sự tự kỷ luật và ý chí phi thường mà ông đã luyện tập được các đức tính trên và nó đã góp phần tạo nên con người Benjamin Franklin vĩ đại mà chúng ta biết đến. Nhưng ở đây tôi muốn tóm tắt lại những giá trị sống và tính cách mà tôi học được từ ông, và muốn chia sẻ với mọi người để cùng học hỏi như sau:

- Về sự cần cù siêng năng: Cũng như những người thành công khác đi lên từ hai bàn tay trắng, ông hiểu rằng, không có con đường tắt dẫn đến thành công và chỉ có một con đường duy nhất là làm việc chăm chỉ và chăm chỉ hơn người khác. Một trong những lời cha ông dạy, được trích từ câu nói của vua Solomon mà ông vẫn lặp đi lặp lại để nhắc nhở mình: "Con có thấy một người cần mẫn trong công việc của mình hay không? Hắn ta sẽ đứng trước mặt các vị vua chư không phải những kẻ tầm thường." Ông xem đức tính này là đức tính quý giá nhất để tạo ra sự giàu có và uy tín. Ông đề cao và nhắc đi nhắc lại nhiều lần về sự cần cù của ông trong tự truyện như muốn nhắc nhở  mọi người về tầm quan trọng của nó. Nhiều lần bị lưu lạc, nhiều lần thất bại nhưng nhờ có sự cần cù chăm chỉ, thức khuya dậy sớm mà ông đã tạo nên một cơ nghiệp vững chắc hơn sau mõi lần thất bại.

- Về sự tiết kiệm: Ông không phải là một người keo kiệt. Trong những lúc khó khăn nhất ông vẫn chia sẻ 2 ổ bánh mì còn lại của mình cho người nghèo, vẫn trả tiền sòng phẳng cho những ai giúp mình, vẫn rộng lượng cho bạn bè mượn những số tiền dành dụm ít ỏi của mình. Nhưng ông là một người rất tiết kiệm, không bao h tiêu phí những đồng tiền do mồ hôi nước mắt của mình bỏ ra để kiếm được. Ông tiết kiệm, tích lũy tiền để mua sách và làm vốn tạo dựng nên sự nghiệp riêng của mình. Giai đoạn đầu cuộc đời, ông tập trung tiết kiệm tiền của mình vào hai mục tiêu trên. Sau này, khi đã trở nên giàu có, ông thường quyên góp tiền cho các công việc công để tạo uy tín cho bản thân. Ông là một người ăn chay không chính thống và không gò bó. Những bữa ăn và đồ dùng trong gia đình ông cũng rất giản dị. Ông không bao h bỏ phí những thứ mà mình còn có thể dùng được. Có thể nói ông là một người rộng lượng nhưng tiết kiệm.

- Về sở thích đọc sách: Xuyên suốt cuốn tự truyện, ông viết nhiều về sở thích đọc sách, lợi ích và tầm quan trọng của nó, cũng như những mối quan hệ có được từ sở thích này. Ngay từ nhỏ ông đã phải nghỉ học do nhà quá nghèo nhưng ông chưa bao h từ bỏ con đường học hành của mình bằng cách tự để dành tiền và mua sách đọc. Dường như thời gian của ông chỉ dành cho công việc và đọc sách. Và ông cũng dành phần lớn tiền tích lũy lúc đầu của mình để mua sách. Ông có một sự yêu thích đối với sách, luôn cố gắng tìm đọc những cuốn sách hay, cố gắng dành thời gian rảnh để đọc sách và cố gắng kết bạn với những người cũng thích đọc sách và có tri thức. Ông thường tranh luận các đề tài về sách với bạn bè của mình và thảo luận cùng nhau để phát triền. Có khi ông đã dành cả đêm ngồi ở thư viện, hay nhà sách của bạn bè để đọc vì ông sợ nếu để qua ngày mai thì bạn ông sẽ đổi ý không cho ông mượn nữa. Thông qua sách ông đã có một kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực và kết giao được với nhiều người trí thức và quý tộc. Ông cũng thành lập một câu lạc bộ gồm những người yêu sách để thảo luận các đề tài thực tiễn và quan trọng. Ông cũng thành lập học viên, thư viện,... Có thể nói sách là một người bạn của ông và nó đã giúp ông rất lớn trong con đường trở thành nhà ngoại giao, chính trị và phát minh vĩ đại.

- Về hệ thống thông tin và truyền thông: Ông rất may mắn là được học nghề in, và làm công việc này như công việc chính để ông lập nghiệp. Thông qua nhà in, ông đã xuất bản báo chí, quen biết được nhiều người quan trong. Cũng thông qua nhà in, ông đã thể hiện khả năng viết lách, kiến thức uyên bác về các đề tài chính trị, đạo đức, học thuật có ảnh hưởng lớn đến mọi tầng lớp cả trong và ngoài nước. Có thể nói hệ thống báo chí như là tiếng nói của nhà cầm quyền và ảnh hưởng lớn đến mọi tầng lớp. Điều này vô cùng quan trọng trong việc ông gây dựng danh tiếng và sự nghiệp của mình.

- Về giao tiếp và tranh luận: Ông đã xây dựng cho mình một hệ thống tranh luận giống như Socrates. Dựa trên sự khiêm nhường và nghi ngờ. Ông thường tranh luận dựa vào những điều chung được công nhận rồi dẫn dắt người tranh luận đi đến vấn đề cần được kết luận. Ở ông, không có sự hiếu thắng và tranh cãi mà chỉ có sự tranh luận dựa trên sự khiêm nhường. Điều này đã giúp ông không có kẻ thù sau khi tranh luận và làm hài lòng hai bên. Với ông sự hiếu thắng trong khi tranh luận, sẽ dẫn đến nhiều kẻ thù, sự chống đối, và như thế thật không khôn ngoan.

- Về người bạn đời: Ông rất may mắn vì có một người bạn đời giống ông, giản dị, chịu khó và tiết kiệm. Ông đã nói một câu rât hay: "Muốn biết ai sẽ ăn nên làm ra, hãy nhìn vào vợ anh ta". Một người bạn đời đã cùng ông vượt qua gian khổ và đóng góp lớn vào sự nghiệp của ông.

Đó là những gì mà tôi đã học từ ông, tất nhiên là còn nhiều cái khác nữa để học nhưng đó là những cái chính và quan trọng chúng ta cần phải suy nghĩ. Và tất nhiên, còn một điều rất rất quan trọng trong sự thành công của ông: Ông luôn rèn luyện SỰ KIÊN NHÃN, ông đề cao và xem nó là một yếu tố không thể thiếu trong sự thành công của một người.

Nguyễn Văn Tú, 20/2/2015.

No comments:

Post a Comment