Tôi mất cả tỷ đồng trên thị trường chứng khoán như thế nào
Rất nhiều nhà đầu tư khi bắt đầu tìm hiểu về chứng khoán đều tràn đầy hy vọng sẽ thành đại gia hay chí ít cũng kiếm được chút đỉnh trên thị trường. Họ thường hay tìm đến những khóa học về đầu tư hay tham gia các hội thảo chuyên đề để hiện thực hóa ước mơ của mình. Nhưng dù đã nỗ lực học tập miệt mài, không ngừng với những phương pháp được chia sẻ trong sách vở hay “bí kíp” của những nhà đầu tư nổi tiếng thì số lượng có thể kiếm được tiền bền vững trên thị trường chỉ đạt một tỷ lệ rất nhỏ.
Có người đã cay đắng thốt lên rằng: “Tôi đã đọc những cuốn sách hay nhất, học hỏi những người giỏi nhất, ứng dụng những phương pháp đầu tư kiếm tiền nổi tiếng nhất với khát khao kiếm tiền mãnh liệt nhất… Tóm lại cái gì cũng tuyệt vời nhất nhưng chỉ có điều là kết quả … từ dưới đếm lên”.
Ví dụ, một số người sẽ kể với bạn họ đã từng tăng gấp 5-6 lần tài khoản dù rằng họ chỉ làm được duy nhất một lần trong đời và với một số tiền nhỏ, còn vô số những lần thất bại khác với những số tiền rất lớn, thậm chí phá sản mà họ đã không kể với bạn. Những câu chuyện kiếm tiền có thể tạo ra nhiều hứng khởi, nhưng câu chuyện thật hơn và ít được kể hơn trong nhiều năm là câu chuyện: "Tôi đã biến 10 tỷ thành 10 triệu như thế nào".
Bầy cừu trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Philstockworld
Giai đoạn hoàng kim nhất của thị trường là năm 2006-2007 khi người người chơi chứng khoán, nhà nhà đầu tư cổ phiếu. Từ anh xe ôm, chị bán phở cho đến dân văn phòng, có thể đặt laptop ở mọi nơi để tiện theo dõi, vào lệnh kịp thời và mơ ước đến ngày trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Môi giới chứng khoán ngày đó là nghề quá hấp dẫn, khi bản thân họ còn phải thuê người phụ việc cho mình, điện thoại mời được môi giới đi café đã là một thành công; sinh viên ngành kinh tế mới từ năm 2 đã bị các công ty trưng dụng làm bán thời gian (part-time) do không đủ nhân viên phục vụ khách hàng. Các nhân viên part-time này cũng chuyển công ty liên tục do bị các đơn vị khác lôi kéo, dù đây chỉ là nhân viên thời vụ.
Song, thời thế thay đổi rất nhanh khi khủng hoảng kinh tế năm 2008 bùng nổ. Vn-Index đạt đỉnh 1.179 điểm năm 2007 và đi xuống suốt cho đến nay. Thị trường chứng kiến nhiều chiến binh ngã ngựa. Nhiều tên tuổi lẫy lừng, nhà đầu tư kỳ cựu đã rời bỏ sàn theo nhiều cách như người bán tài sản trả nợ, người bỏ việc nằm sàn giờ lại đôn đáo đi kiếm việc, người bán phở tiếp tục bán phở để trả nợ…
Trên thị trường còn lưu truyền câu chuyện một nhà đầu tư kỳ cựu nghỉ khỏi chứng khoán để chuyển sang bán bánh canh ghẹ và rất thành công, nhiều người hay tìm đến quán của anh này ăn để trao đổi những gì đã qua. Tuy nhiên, số người thành công sau khi rời bỏ chứng khoán không nhiều, đa số còn lại vẫn phải bán nhà, bán xe, làm ăn vất vưởng qua ngày.
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều nhà đầu tư giữ được đam mê với chứng khoán mong một ngày hoàng kim quay lại phục thù. Bản thân tôi đã từng từ hai bàn tay trắng làm nên một đống nợ mà phải mất nhiều năm mới trả hết, hay một người bạn khác quyết phục hận bằng việc mở quán ốc và rủ tôi góp vốn, đồng thời lập một kế hoạch đầu tư để “mơ đến một ngày nào đó sẽ niêm yết quán ốc lên thị trường, trở thành quán ốc đầu tiên được niêm yết, nổi tiếng toàn quốc”.
Vậy làm sao kiếm tiền, hay kiếm lại được tiền trên sàn chứng khoán? Đây là câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư hay hỏi nhau hoặc tự hỏi chính mình. Có một sự thật rõ ràng rằng kiếm tiền chưa bao giờ là dễ dàng dù bạn có thực hiện đúng phương pháp hay công thức kiếm tiền đến đâu đi nữa nhưng mất tiền thậm chí phá sản là điều chắc chắn hơn nhiều và không chỉ một lần. Chẳng ai muốn mất tiền nhưng nó vẫn thường tìm đến bạn, và dù bạn có hàng triệu lý do để đổ lỗi nhưng chắc chắn phải có trách nhiệm trước bản thân mình, việc cố gắng né tránh nó sẽ dẫn đến mất tiền thêm nhiều lần nữa.
Nhà đầu tư cần tỉnh táo để không mất tiền trước khi kiếm được tiền. Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn
Vì vậy, thay vì tiếp cận theo cách truyền thống với hầu hết kết quả là mất tiền thì “những cách đầu tư chắc chắn chết” dưới đây có thể giúp nhà đầu tư tỉnh táo, biết cách không để mất tiền trước khi kiếm được.
- Chết do quá nhiều thông tin: một số nhà đầu tư luôn tự tin với nguồn tin “mật”. Tuy nhiên, đôi khi chính điều này quay lại làm mình mất tiền như tin thực tế không đúng như tin nội bộ ban đầu hoặc đúng như thế nhưng giá trên thị trường lại đi ngược lại.
Ngoài ra, có người còn chết do hóng hớt, nghe theo đội lái, tức họ nhận được quá nhiều tin tức, từ tin mật, tin chính thống, tin nội bộ, tin công bố, tin đồn... dẫn đến đánh loạn xa và không biết điều nào đúng, điều nào sai.
- Chết do hành động theo số đông: câu nói “mua có bạn, bán có phường” thường khó sử dụng trên thị trường chứng khoán khi số đông thường là số mất tiền. Các hoạt động “phím hàng” mà nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ hay mua theo số đông thường là chết.
- Chết do phân tích: một số người chết vì tin vào các thông tin cơ bản như doanh nghiệp rất tốt, kinh doanh khả quan, nói chung đều tốt nhưng họ không để ý vào một điều duy nhất đó là cổ phiếu đó không tăng giá. Hay một số người tự tin với các tuyệt chiêu, mô hình…, nhưng sau đó lại bị chính các mô hình này phản đòn.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không cần phân tích, mà điều rút ra là cần sự phân tích đúng đắn và cho ra kết quả chính xác. Có những người thấy thị trường tăng giảm thất thường, tâm lý hoảng loạn, "đánh" tùy ý một hướng thấy mất tiền, chuyển sang hướng "đánh" tiếp và kết thúc là mệt và rời cuộc chơi. Đây được ví như cái chết giữa dòng.
- Chết do quá chủ quan: cá nhân tự tin cho rằng thị trường đang đi lên, họ dốc túi mua cổ phiếu, nhưng cuối cùng lại bị rớt từ trên đỉnh. Ngược lại, một số người phân tích cho rằng xu hướng đã yếu nên đưa tay mò đáy, kết quả không thấy đáy đâu và từ từ trôi xuống vực thẳm. Cá biệt, có người chết vì nghĩ mình sẽ không bao giờ chết, bởi họ quá tự tin mà không dựa trên cơ sở.
- Chết do quá hiểu quy luật thị trường: thị trường có một quy luật lớn nhất đó là “thị trường không có quy luật”, không hề có chuyện một kiểu thông tin hoặc ở các giai đoạn khác nhau thị trường phản ứng cùng một kiểu.
- Chết do thích làm Warren Buffet: họ áp dụng chính xác công thức thành công của các cao thủ nhưng quên rằng công thức đó phải áp dụng linh hoạt và đôi khi chỉ dùng được với họ chứ chưa chắc với mình...
Từ những bài học trên đây, đã đến lúc các nhà đầu tư phải đối diện với thất bại để học cách vượt qua. Học về cách mất tiền và càng biết nhiều con đường dẫn đến thất bại bao nhiêu thì càng dễ dàng tránh được những con đường đầy “ổ gà”, “ổ voi” và đặc biệt mang lại sự tự tin vững bước trên hành trình đầu tư đầy hấp dẫn và thử thách, đồng thời mở ra những con đường thành công.
Sự tự tin ở một nhà đầu tư chỉ mới biết đến chiến thắng và sự tự tin của những người đã từng trải qua thất bại và hiểu được nó là rất khác biệt. Bởi vì bài học từ mất tiền luôn là bài học đắt đỏ nhất và vì thế nó cũng quý giá nhất.
Nói cách khác, giá trị của những bài học từ thất bại luôn nhiều hơn từ thành công. Nó giúp chúng ta mạnh mẽ vững vàng như Đá nhưng hành động uyển chuyển như Nước chứ không quá tự tin như những người kiếm được tiền quá dễ dàng. Đó là điểm khác nhau cơ bản giữa sự tự tin của người Biết và sự tự tin của người Hiểu! Để đi từ Biết đến Hiểu chẳng thể tránh khỏi quá trình phải chiêm nghiệm bằng chính mình qua những lần vấp ngã hoặc hoặc học được cách vấp ngã để bước qua nó.
Phan Dũng Khánh
Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng kiêm Giảng viên trường Kinh doanh Huuhoanh
No comments:
Post a Comment