"You got a dream, you gotta protect it. People can't do something themselves, they wanna tell you you can't do it. If you want something, go get it. Period." - Pursuit of happiness
Monday, September 12, 2016
Lật tẩy chiêu trò in giấy
Một bài viết khá chi tiết về cách thức in giấy khi không phát hành hết cho nhỏ lẻ thì sau đó có 1 vài cá nhân ôm với số tiền lên hàng ngàn tỷ ..... thực chất đó chỉ là thủ thuật kế toán rồi số tiền đó lại quay lại với chủ nhân của nó còn bản chất số cp in ra chúng đem bán giá nào trên sàn cũng lời ... nên việc ndt nhỏ lẻ phải xem trong báo cáo
Ai sẽ bị thiệt thòi khi doanh nghiệp ‘làm xiếc’ tăng vốn khủng?
Theo Duy Thái - Thời báo tài chính
Trên thực tế, các thông tin về tài chính của nhiều doanh nghiệp (DN) không được cung cấp một cách đầy đủ, minh bạch và kịp thời cho các nhà đầu tư. Do đó, khi ra quyết định mua cổ phiếu, các cổ đông nhỏ, không được kiểm soát DN sẽ luôn là người chịu thiệt hại.
Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam nhấn mạnh đến điều này khi trao đổi với PV TBTCVN về một số “thủ thuật” biến báo các thông tin tài chính của DN hiện nay.
Nếu soát xét kỹ các khoản mục trả trước cho nhà cung cấp, phải thu khác, tài sản ngắn hạn khác của một số DN, kể cả DN niêm yết, ta có thể thấy có rất nhiều khoản chuyển tiền cho các công ty “sân sau” không có mục đích. Đây là dấu hiệu cho thấy vốn đã không được góp đủ bởi một số cổ đông, bởi xét về bản chất, tiền góp vốn không thực sự đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Ông Phan Lê Thành Long
PV: Quy mô vốn lớn lâu nay được xem là biểu hiện của sức mạnh DN và có một thực tế là các DN tư nhân có tốc độ tăng vốn rất nhanh, nhưng rất khó để biết liệu vốn góp của các bên có thực sự được định giá hợp lý hay không. Ông có thể cho biết, quy trình kiểm toán vốn góp hiện tại như thế nào, chỉ dựa trên các hồ sơ, xác nhận, hay thực sự tham gia vào kiểm toán vốn góp thực?
Ông Phan Lê Thành Long: Theo Luật Doanh nghiệp, các bên có thể góp vốn bằng tiền hoặc tài sản. Các thủ tục kiểm toán vốn góp nhằm xác định vốn đã thực góp của các bên tham gia góp vốn.
Theo đó, các thủ tục kiểm toán sẽ đánh giá bản chất của giao dịch góp vốn xem việc góp vốn có thực sự hay không. Đối với góp vốn bằng tiền, các kiểm toán viên sẽ không chỉ dựa trên hồ sơ như chứng từ góp vốn vào tài khoản vốn mở tại ngân hàng… Hồ sơ không chỉ coi là hình thức pháp lý, mà còn phải đánh giá được bản chất của khoản tiền đã góp vốn có thực sự đi vào DN hay không thông qua các thủ tục đánh giá dòng tiền sau góp vốn của DN.
PV: Nếu như các ông chủ của DN góp vốn để tăng vốn công ty hiện tại lên, nhưng sau đó lại rút vốn khỏi DN và biến báo qua các khoản nợ, ủy thác đầu tư thì có cách nào kiểm soát điều này, thưa ông? Đâu là những “dấu vết” có thể xác định điều này?
Ông Phan Lê Thành Long: Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp có “hiện tượng” như bạn đề cập. Cụ thể là một số cổ đông lớn, đồng thời là thành viên ban điều hành, đã thực hiện góp vốn vào tài khoản vốn của DN, sau đó rút tiền ra cho các bên liên quan là các công ty “sân sau” dưới nhiều dạng khác nhau.
Nếu soát xét kỹ các khoản mục trả trước cho nhà cung cấp, phải thu khác, tài sản ngắn hạn khác của một số DN, kể cả DN niêm yết, ta có thể thấy có rất nhiều khoản chuyển tiền cho các công ty “sân sau” không có mục đích cụ thể như: Ứng trước thực hiện công trình, ủy thác đầu tư, cho vay, hay thậm chí tạm ứng cho một số cá nhân với số tiền rất lớn. Các giao dịch này lại được thực hiện sau những đợt tăng vốn.
Đây là dấu hiệu cho thấy vốn đã không được góp đủ bởi một số cổ đông, bởi xét về bản chất, tiền góp vốn không thực sự đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Quy chế quản trị công ty đại chúng hiện hành cấm các giao dịch dạng như thế này nhằm bảo vệ lợi ích của các cổ đông không kiểm soát; tuy nhiên, cũng quy định trong trường hợp ĐHCĐ chấp thuận thì DN được thực hiện các giao dịch ủy thác cho các bên liên quan như trên. Đây có thể là kẽ hở để một số cổ đông lớn đang trực tiếp điều hành DN lợi dụng gây hại cho các cổ đông không tham kiểm soát DN.
PV: Mua bán, sáp nhập DN bằng cách hoán đổi cổ phần đang là cách thức tăng vốn nhanh và thông thường được thực hiện với các công ty “sân sau”. Vấn đề định giá DN được mua lại trong trường hợp này có cần thiết phải có định giá độc lập hay không và vai trò của kiểm toán trong những trường hợp này như thế nào, thưa ông?
Ông Phan Lê Thành Long: Vấn đề tăng quy mô đột biến thông qua các giao dịch hoán đổi, đặc biệt với các công ty “sân sau” hay các đơn vị có mục đích đặc biệt (SPE) là phổ biến tại các thị trường tài chính mới nổi. Trong các giao dịch này, không nhất thiết phải có định giá độc lập nếu các cổ đông của cả hai bên tham gia giao dịch chấp thuận với kết quả định giá và phương án sáp nhập.
Tuy nhiên, không phải bao giờ thông tin về định giá tài sản cũng như hoạt động kinh doanh cũng được cung cấp một cách đầy đủ và kịp thời ra thị trường tài chính. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ “mắc bẫy” và chịu thiệt hại lớn khi DN “khai khống” giá trị vốn của DN được mua lại lên gấp nhiều lần, thậm chí lên gấp ngàn lần giá trị thật, thông qua các thủ thuật kế toán.
Vai trò của kiểm toán độc lập lúc này là đảm bảo các thông tin bổ sung cần thiết trong báo cáo tài chính của các DN được cung cấp một cách kịp thời và đầy đủ ra thị trường. Có như thế, giá mua bán cổ phiếu hay DN trên thị trường mới được “thẩm thấu” một cách đầy đủ toàn bộ các thông tin, đặc biệt là các thông tin có tính nhạy cảm với thị trường.
Không phải bao giờ thông tin về định giá tài sản cũng như hoạt động kinh doanh cũng được cung cấp một cách đầy đủ và kịp thời ra thị trường tài chính. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ “mắc bẫy” và chịu thiệt hại lớn khi DN “khai khống” giá trị vốn của DN được mua lại lên gấp nhiều lần, thậm chí lên gấp ngàn lần giá trị thật, thông qua các thủ thuật kế toán.
PV: Từ góc độ kiểm toán, theo ông đâu là những điểm trong báo cáo tài chính có thể giúp nhìn thấy những “dấu vết” của các hoạt động tăng vốn ảo của một DN?
Ông Phan Lê Thành Long: Như tôi đã đề cập trong phần trên, nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính cần được soát xét kỹ nhằm phát hiện ra các giao dịch góp và đồng thời rút vốn của một số cổ đông (các khoản trả trước cho nhà cung cấp, phải thu khác, tài sản ngắn hạn khác). Các khoản mục này thường có sự thay đổi đột biến trong năm tài chính có giao dịch tăng vốn ảo.
Một thực tế hiện nay là các kiểm toán viên được trang bị rất hạn chế các kỹ thuật phát hiện gian lận kế toán. Trong các kỹ thuật phát hiện gian lận, các khoản mục trên được gọi là “các Khoản dồn tích” (Accruals) và thường các gian lận dạng góp vốn ảo sẽ được ghi nhận vào “các khoản dồn tích” này trên bảng cân đối kế toán.
Theo ý kiến cá nhân tôi, bên cạnh các kiểm toán viên, những nhà đầu tư trên thị trường và các bên liên quan đến hoạt động của thị trường tài chính cũng cần phải tự trang bị cho mình các kỹ thuật phát hiện gian lận kế toán với tư cách là một bên thứ ba độc lập. Từ đó, họ có thể tự đánh giá một cách thực sự các báo cáo tài chính được công bố để đưa ra các quyết định một cách phù hợp nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment