Tâm thái không tốt chính bởi vì tâm quá nhỏ hẹp. Chữ “thái” (态) trong “tâm thái”, bóc tách ra mà nói chính là tâm đại (lớn). Nếu tâm mỗi ngày thêm lớn, rộng rãi khoáng đạt, thì tâm thái lẽ nào còn nhỏ được chăng?
Vậy mới nói…
Bạn tức giận, là bởi vì bản thân chưa đủ độ lượng;
Bạn ưu phiền, là bởi vì bản thân chưa đủ cởi mở;
Bạn lo toan, là bởi vì bản thân chưa đủ thong dong, bình tĩnh;
Bạn đau thương, là bởi vì bản thân chưa đủ kiên cường;
Bạn buồn rầu, là bởi vì bản thân chưa đủ sáng suốt;
Bạn đố kỵ, là bởi vì bản thân chưa đủ ưu tú…
Tất cả những lẽ ấy, căn nguyên gốc rễ của từng rắc rối hay phiền não đều nằm bên trong tự bản thân mỗi người. Cho nên, mỗi một lần xuất hiện phiền não, đó đều là cơ hội để chúng ta hướng về tự thân, nhìn vào trong tâm mình, tìm cho ra thiếu sót của chính mình và sửa đổi để trưởng thành hơn.
Mỗi sự lựa chọn của cuộc sống cũng tựa như canh bạc, thành hay bại đều là do chính mình. Cho dù bạn đặt cược nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, các cơ hội lựa chọn đều không quay trở lại. Vì thế trong cuộc sống, chúng ta chỉ có thể hướng tới miền sáng, đừng để đến khi thất bại mới gượng bò dậy mà trách đời méo mó.
Con người đôi khi chịu nhiều áp lực, cuộc sống hiện đại thường mang đến cho chúng ta những nỗi buồn bực và tức giận không tên. Vì thế nếu có thể giữ cho tâm bình hòa và lắng đọng thì bạn sẽ chừa lại cho mình và những người xung quanh một không gian yên lành.
Bậc trí giả không nóng giận, người thông minh không ưu phiền. Nhân đây cũng xin tặng bạn 5 chữ xua tan mọi cảm xúc tiêu cực, âu cũng là giúp bạn chọn lấy thành công và tìm được con đường ung dung tự tại cho mình.
1. Chữ “Tĩnh”
Cần nói ít lại, lắng nghe nhiều lên. Bởi vì người ưa nói nhiều khó có thể thấy được vẻ đẹp của sự yên tĩnh. Hơn nữa “ngôn đa tất thất”, nhiều lời tất sẽ có mất mát sai sót. Có câu “tam tư nhi hậu hành, tam tư nhi hậu ngôn”, có nghĩa là nghĩ ba lần hẵng làm, nghĩ ba lần hẵng nói.
2. Chữ “Bình”
Là bình thường, là đơn giản, là sự cân bằng. Chữ bình (平) có các góc cạnh như một bức tường vững chãi luôn ở đó bảo vệ bạn. Nếu bạn có thể giữ cho tâm bình lặng, thì cho dù người khác có cố tình làm bạn tổn thương như thế nào đi nữa, họ vĩnh viễn không thể đụng vào sâu thẳm trong tâm bạn.
3. Chữ “Nhẫn”
Đối diện với bất công, hãy nhớ đến một chữ “Nhẫn” này. Bởi khi cơn nóng giận đến, một là chỉ thêm tổn hại thân thể, hai là cả giận mà mất khôn, bạn sẽ không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ càng làm phức tạp và rối ren thêm. Nhẫn, bình tĩnh mới có thể thu xếp mọi thứ ổn thỏa.
Một khi có khoan dung độ lượng thì hãy dung nhẫn những việc không thể cải biến, có dũng khí thì hãy cải biến những sự việc có thể cải biến, và có trí tuệ và năng lực thì hãy phân biệt rõ ràng hai loại việc kể trên. Đó là đầy đủ ba tố chất mà một người thành công cần có.
4. Chữ “Nhường”
Việc thị phi, đúng sai, đã là đại thị đại phi thì không thể nhượng bộ bỏ qua, nhưng với những sự tình nhỏ bé, hãy tranh thủ nghe ý kiến của người khác. Có thể tiếp thu ý kiến của người khác mà làm thì sẽ không cố giữ ý kiến của mình. Lùi một bước biển rộng trời trong. Hơn nữa nếu làm theo ý kiến của người khác, thì dẫu khi có lỗi, cái trách nhiệm ấy cũng được sẻ chia.
5. Chữ “Đạm”- xem nhẹ
Tất cả đều xem nhẹ một chút. Đối với danh lợi, đối với tiền bạc, đối với tình cảm, không có một thứ gì mà không có nó chúng ta không sống nổi. Được mất cũng như là biện chứng đúng sai, bạn tổn thất ở phương diện này thì sẽ được ở phương diện khác. Mất cái này được cái khác luôn là quy luật bù trừ, tâm bạn sẽ tự nhiên buông lỏng ra một chút, bạn càng có cơ hội để thưởng thức các tùy chọn khác. Càng xem nhẹ được, thì tâm càng bình tĩnh, càng có thể nhận thức và hiểu thấu được hạnh phúc bình phàm.
Theo Tinh Hoa
No comments:
Post a Comment