NỘI DUNG CHÍNH
Một chu kỳ kinh tế điển hình thường có hai pha chính là hồi phục và suy thoái. Mỗi pha này có thể chia nhỏ thành 3 giai đoạn. Theo đó, sẽ có tổng cộng 6 giai đoạn nhỏ trong một chu kỳ kinh tế bao gồm: giai đoạn tiền tăng trưởng (early expansion), giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất (peak expansion), giai đoạn hậu tăng trưởng (late expansion), giai đoạn tiền suy thoái (early contraction), giai đoạn suy giảm mạnh nhất (peak contraction) và giai đoạn hậu suy thoái (late contraction). Mỗi giai đoạn sẽ có đặc điểm vĩ mô điển hình, khác nhau. Câu hỏi đặt ra là nền kinh tế Mỹ và kinh tế Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn nào trong 06 giai đoạn trên? Nhận biết được vị trí hiện tại của kinh tế chính là một cơ sở để nhận định xu hướng dài hạn của thị trường chứng khoán.
Trong thời gian gần đây, nhiều lo ngại về khả năng kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn suy giảm theo chu kỳ 10 năm, cùng với đó là câu hỏi về kinh tế Mĩ đã đạt đỉnh tăng trưởng chưa, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nằm trong giai đoạn tăng trưởng nào, những ngành nào đáng quan tâm trong giai đoạn này. Là nền kinh tế lớn nhất của kinh tế thế giới, biến động của kinh tế, thị trường chứng khoán Mĩ sẽ có tác động lớn tới kinh tế, thị trường chứng khoán toàn cầu trong đó có Việt Nam. Nhằm giải đáp những thắc mắc trên, chúng tôi thực hiện tìm hiểu về chu kỳ kinh tế, những dấu hiệu thường xuất hiện trong các giai đoạn suy thoái, tăng trưởng của kinh tế Mĩ, đối chiếu với những chỉ số kinh tế hiện nay từ đó nhận định giai đoạn hiện nay của kinh tế Mĩ, kinh tế Việt Nam. Nhận biết được vị trí hiện tại của kinh tế chính là chìa khóa để nhận định xu hướng dài hạn của thị trường chứng khoán.
I. Tổng quan về chu kỳ kinh tế
Về lý thuyết, một chu kỳ kinh tế (business cycle) điển hình thường có hai pha chính là hồi phục và suy thoái. Mỗi pha này có thể chia nhỏ thành 3 giai đoạn. Theo đó, sẽ có tổng cộng 6 giai đoạn nhỏ trong một chu kỳ kinh tế bao gồm: giai đoạn tiền tăng trưởng (early expansion), giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất (peak expansion), giai đoạn hậu tăng trưởng (late expansion), giai đoạn tiền suy thoái (early contraction), giai đoạn suy giảm mạnh nhất (peak contraction) và giai đoạn hậu suy thoái (late contraction).
Ứng với mỗi pha, mỗi giai đoạn của chu kỳ kinh tế, việc thực thi chính sách và diễn biến các chỉ số vĩ mô chính như tăng trưởng, lạm phát, lãi suất sẽ rất khác nhau. Dựa trên những đặc điểm đó, nhà đầu tư có thể xây dựng được chiến lược phân bổ tài sản cũng như lựa chọn được nhóm cổ phiếu một cách hợp lý. Miêu tả cụ thể theo bảng sau:
Về khung thời gian cho các chu kỳ kinh tế, không có một quy luật nào cụ thể và đúng cho mọi chu kỳ kinh tế. Theo số liệu nghiên cứu của Ủy ban kinh tế quốc gia Mỹ, kể từ năm 1854 đến năm 2009, kinh tế Mỹ đã trải qua 33 chu kỳ kinh tế, còn tính riêng giai đoạn từ năm 1945 đến năm 2009 thì kinh tế Mỹ trải qua 11 chu kỳ kinh tế. Dù không có quy luật chính xác về thời gian một chu kỳ kinh tế của Mỹ diễn ra trong khoảng thời gian bao lâu nhưng về cơ bản có hai điểm nổi bật. Thứ nhất, là khoảng thời gian của pha suy giảm luôn thấp hơn so với pha tăng trưởng. Thứ hai, là trong khoảng hơn 60 năm trở lại đây (1945-2018), thời gian trung bình của pha suy giảm được rút ngắn lại đáng kể so với giai đoạn từ 1854 đến 1945 trong khi thời gian trung bình của pha tăng trưởng lại được nâng lên. Điều này nhiều khả năng xuất phát từ việc các lý thuyết kinh tế hiện đại đã cung cấp thêm nhiều công cụ cho Chính phủ và NHTW các nước trong việc điều hành kinh tế nhằm kéo dài thời gian tăng trưởng và hạn chế hết mức có thể những tác động tiêu cực của pha suy thoái hay còn gọi là nỗ lực hạ cánh mềm (soft landing).
Xét trong mối tương quan giữa nền tảng cơ bản của nền kinh tế và diễn biến thị trường cổ phiếu thì một điểm đáng lưu ý là chu kỳ của cổ phiếu thường đi trước so với chu kỳ kinh tế khoảng 6 tháng theo sơ đồ minh họa dưới đây:
II. Kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn nào?
Những tín hiệu vĩ mô hiện nay của kinh tế Mĩ: i) FED đã bước vào giai đoạn thắt chặt tiền tệ trong hơn 2 năm qua bằng cách tăng lãi suất, dừng chương trình QE; lạm phát lõi của Mỹ (chỉ số PCE) tăng dần và tiệm cận mốc 2% theo mục tiêu của FED; ii) Lạm phát của Mĩ trong tháng Năm ở mức 2.8%(YoY) là mức lạm phát cao nhất trong vòng 06 năm qua; iii) lợi suất TPCP Mỹ bắt đầu tăng trở lại (kỳ hạn 10 năm đang dao động quanh ngưỡng nhạy cảm 3%); iv) Giá của nhiều hàng hóa cơ bản như dầu, thép, đồng, nhôm đang tăng trở lại…; v) thị trường lao động Mỹ hồi phục mạnh với tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm và về mức trước khi khủng hoảng năm 2008 diễn ra. Tính cho đến thời điểm hiện tại thì kinh tế Mỹ cũng đã trải qua 9 năm hồi phục – một trong những pha tăng trưởng dài nhất trong lịch sử kinh tế Mỹ. Việc nới lỏng tiền tệ mạnh tay và thực hiện chương trình nới lỏng định lượng (QE) quy mô lớn đã góp phần dẫn đến thành quả trên. Xét diễn biến của các nhân tố vĩ mô chính, so sánh với những dấu hiệu trong Bảng 1, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng kinh tế Mỹ hiện đang ở cuối giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất và chuẩn bị bước sang giai đoạn hậu tăng trưởng. Câu hỏi đặt ra là giai đoạn tăng trưởng hiện nay sẽ còn kéo dài thêm bao lâu nữa và những tín hiệu cảnh báo sớm cho thấy kinh tế Mĩ bước vào giai đoạn suy giảm?
Kinh tế Mĩ chuyển sang pha suy giảm vào năm 2020, TTCK Mĩ vào chu kỳ giảm từ đầu năm 2019?
Nếu kế hoạch tăng lãi suất của FED diễn ra đúng như kế hoạch, lãi suất của FED vào năm 2020 sẽ đạt mức đỉnh trong hơn 10 năm trở lại đây là 3,375% và sau đó sẽ giảm dần. Chúng tôi lưu ý mức 3,375% không phải là mức đỉnh lãi suất của FED trong lịch sử nhưng trong chu kỳ kinh tế kéo dài từ năm 2009 cho đến nay thì đây sẽ là mức lãi suất cao nhất. Với kịch bản này của FED, khả năng kinh tế Mĩ sẽ đạt đỉnh về tốc độ tăng trưởng vào năm 2019, pha suy thoái có thể xuất hiện vào năm 2020 (trong pha suy thoái, lãi suất sẽ lên mức cao nhất, xem Bảng 1).
Nếu nhận định kinh tế Mỹ đang ở điểm đầu của giai đoạn hậu tăng trưởng và nền kinh tế Mỹ sẽ kết thúc pha tăng trưởng vào cuối năm 2019 là đúng thì do đặc tính đi trước chu kỳ kinh tế, TTCK
Mỹ nhiều khả năng đang ở giữa giai đoạn hậu tăng trưởng. TTCK Mĩ có thể kết thúc pha tăng trưởng vào thời điểm nửa đầu năm 2019 (đi trước chu kỳ kinh tế khoảng 6 tháng). Tuy vậy, chúng tôi cũng lưu ý rằng đây chỉ là đỉnh của tăng trưởng GDP và TTCK trong chu kỳ kinh tế lần này. Nếu FED thành công trong việc giúp kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”, một pha tăng trưởng khởi đầu cho một chu kỳ kinh tế mới có thể sẽ sớm bắt đầu ngay sau đó, giúp nền kinh tế và TTCK Mỹ đạt các mức đỉnh cao hơn.
Xét đến diễn biến của các chỉ số ngành của S&P 500 kể từ năm 2009, đang cho thấy những ngành tài chính, giao thông là các ngành tăng mạnh nhất. Đây là những ngành được ưu tiên mua vào trước khi TTCK đạt đỉnh, và nhóm ngành này cũng thường đạt đỉnh cùng lúc với thị trường. Cụ thể, từ năm 2009 đến nay thì trong khi chỉ số S&P 500 tăng trưởng 313%, các ngành tăng trưởng mạnh nhất lần lượt là tài chính (475%), giao thông (405%)… Trong khi đó, các ngành có mức tăng trưởng ít hơn chỉ số chung là hàng tiêu dùng (223%), dịch vụ tiện ích (188%).
Những tín hiệu nào cảnh báo sớm về rủi ro đảo chiều của kinh tế Mĩ
Khung dự báo thời gian về đỉnh của nền kinh tế cũng như TTCK như trên của chúng tôi mang tính tương đối vì sẽ phụ thuộc nhiều vào kế hoạch tăng lãi suất của FED mà kế hoạch này hoàn toàn có thể thay đổi qua từng cuộc họp chính sách khi các thành viên của FOMC đánh giá lại thực trạng của nền kinh tế thông qua các chỉ số vĩ mô cập nhật. Dựa trên quan sát các đợt suy thoái trong quá khứ, chúng tôi nhận thấy một số chỉ báo vĩ mô có thể quan sát và sử dụng để dự báo về thời điểm rủi ro xuất hiện đối với kinh tế Mỹ.
Thứ nhất là tỷ lệ thất nghiệp. Theo thống kê của chúng tôi, kể từ năm 1948 cho đến nay, mỗi khi tỷ lệ thất nghiệp giảm và chạm đáy thì ngay sau đó nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào pha suy thoái. Khi tỷ lệ thất nghiệp chạm đáy, hàm ý nền kinh tế đã ở trạng thái toàn dụng nhân công. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong mở rộng sản xuất do khó tiếp cận nguồn nhân lực, chi phí nhân công tăng cao từ đó tạo áp lực lên chỉ số lạm phát. Tăng trưởng của các doanh nghiệp chậm lại sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã về mức 3,8% (tháng 05/2018) - mức gần thấp nhất trong lịch sử, chỉ sau giai đoạn 1951-1953 với mức trung bình 3% và giai đoạn 1968-1969 với mức trung bình 3,5%. Không loại trừ khả năng tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ tiếp tục giảm xuống trong một vài quý tới nhưng chúng tôi cho rằng đà giảm của chỉ số này có thể sẽ chậm lại và sớm kết thúc. Mức thất nghiệp 3,8% hiện tại cũng đã xuống khá sâu so với ước tính của FED về tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên trong dài hạn (4,5%). Do đó, nếu trong các tháng tới, tỷ lệ thất nghiệp đảo chiều tăng trở lại, một đợt suy giảm của kinh tế Mỹ rất có thể đang đến rất gần.
Thứ hai là chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ giữa kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài. Rủi ro thường xuất hiện khi lãi suất TPCP kỳ hạn ngắn có xu hướng tăng nhanh hơn, thậm chí vượt cả lãi suất TPCP kỳ hạn dài. Diễn biến này thể hiện sự tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế khiến nhu cầu về vốn gia tăng mạnh trong ngắn hạn.
Theo quan sát của chúng tôi, kể từ năm 1980 trở lại đây, cứ mỗi khi mức chênh lệch này trải qua giai đoạn giảm kéo dài và về quanh mức 0% (thậm chí ở mức âm) thì một cuộc suy thoái thường diễn ra ngay sau đó (năm 1981, 1990, 2007). Hiện tại, chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ giữa các kỳ hạn dài và kỳ hạn ngắn vẫn ở mức dương nhưng đang có xu hướng thu hẹp rất rõ nét. Điều này báo hiệu rủi ro về một đợt suy thoái đang dần tăng lên.
III. Kinh tế Việt Nam đang bắt đầu giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất của pha tăng trưởng?
Đối với Việt Nam, chúng tôi cho rằng với diễn biến của các chỉ số vĩ mô chính như i) GDP tiếp tục tăng trưởng, ii) chính sách tiền tệ vẫn đang ở trạng thái nới lỏng, iii) lạm phát đã qua điểm đáy nhưng vẫn duy trì ở mặt bằng thấp; iv) lãi suất ngắn hạn ở mức thấp tương đối, v) lợi suất TPCP đã chạm đáy và bắt đầu đi lên... nhiều khả năng kinh tế Việt Nam đang ở cuối giai đoạn tiền tăng trưởng và bắt đầu giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất (sau Mỹ khoảng 1 giai đoạn kinh tế). Theo một nghiên cứu của trang Emerging Market Investors thì hầu hết các thị trường mới nổi cũng đều đang ở pha tăng trưởng của chu kỳ kinh tế theo hình dưới đây:
Như vậy, nếu pha tăng trưởng của kinh tế Mỹ kết thúc vào nửa cuối năm 2019 thì pha tăng trưởng của Việt Nam có thể sẽ kết thúc muộn hơn một chút (tức khoảng nửa đầu năm 2020). Nhìn lại lần suy thoái kinh tế gần nhất là năm 2008 thì kinh tế Mỹ bắt đầu bước vào pha suy thoái vào quý I/2018 thì kinh tế Việt Nam cũng ngày lập tức bị ảnh hưởng với việc tăng trưởng GDP lũy kế suy giảm ngay sau Mỹ 1 quý (tức quý II/2018). Kinh tế Mỹ lập đáy vào quý II/2009 thì GDP của Việt Nam cũng có có mức tăng trưởng lũy kế đạt mức đáy vào quý II/2019. Như vậy có thể thấy, trong cuộc suy thoái gần nhất của kinh tế Mỹ, kinh tế Việt Nam gần như bị ảnh hưởng tức thời và có độ trễ so với kinh tế Mỹ không quá lớn (1 quý). Tuy vậy, khác với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, chúng tôi cho rằng pha suy thoái của kinh tế Mỹ sắp tới nhiều khả năng sẽ không gây tác động tiêu cực mạnh tới Việt Nam như năm 2008. Ngay cả rủi ro chu kỳ suy giảm kinh tế 10 năm đối với Việt Nam trong hiện tại cũng không lớn bằng các năm 1979, 1989, 1999 và 2009. Lý do là nền tảng kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện tốt hơn khá nhiều các giai đoạn trước (đặc biệt là lần suy giảm gần nhất 2008-2009) với lạm phát được kiểm soát tốt, cán cân thương mại xuất siêu, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng mạnh… Những điểm cộng này sẽ giúp Việt Nam chống đỡ tốt hơn với sự đảo chiều của dòng vốn ngoại so với cuộc suy thoái năm 2008.
Tham chiếu sang thị trường chứng khoán với đặc tính đi trước chu kỳ kinh tế thì nhiều khả năng thị trường cổ phiếu Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất và pha tăng trưởng của thị trường cổ phiếu Việt Nam có thể sẽ kết thúc vào nửa cuối năm 2019. Ở giai đoạn tăng trưởng đạt đỉnh hiện tại thì các ngành như vật liệu cơ bản, năng lượng, hàng tiêu dùng nên được ưu tiên đầu tư.
Xem xét diễn biến chỉ số MSCI Emerging market Index từ đầu năm 2016 (thời điểm chỉ số này bắt đầu tăng trưởng mạnh) đến nay thì trong khi chỉ số MSCI chung tăng trưởng 43%, các ngành tăng trưởng mạnh nhất lần lượt là công nghệ (89%), công nghiệp (42%), tài chính (35%) (phù hợp với pha tăng tăng trưởng trong chu kỳ kinh tế). Trong khi đó, các ngành có mức tăng trưởng ít hơn chỉ số chung là y tế (26%), vận tải (19%), dịch vụ tiện ích (11%).
VI. Nhận định
Sau những phân tích như trên, chúng tôi có đưa ra một số nhận định như sau:
- Nhiều khả năng kinh tế Mỹ hiện đang ở cuối giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất và chuẩn bị bước sang giai đoạn hậu tăng trưởng. Dựa trên lộ trình tăng lãi suất của FED, pha suy thoái của nền kinh tế Mỹ có thể sẽ diễn ra vào năm 2020 đồng nghĩa với việc thời gian kết thúc pha tăng trưởng của Mỹ dự kiến sẽ vào nửa cuối năm 2019. TTCK Mĩ sẽ bước vào giai đoạn suy giảm trước khi kinh tế Mĩ suy giảm, dự báo nửa đầu năm 2019. Tuy vậy, chúng tôi cũng lưu ý rằng đây chỉ là đỉnh của tăng trưởng GDP và TTCK trong chu kỳ kinh tế lần này. Nếu FED thành công trong việc giúp kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”, một pha tăng trưởng khởi đầu cho một chu kỳ kinh tế mới có thể sẽ sớm bắt đầu ngay sau đó, giúp nền kinh tế và TTCK Mỹ đạt các mức đỉnh cao hơn.
- Khung dự báo thời gian về đỉnh của nền kinh tế cũng như đỉnh của TTCK Mỹ như trên mang tính tương đối vì sẽ phụ thuộc nhiều vào kế hoạch tăng lãi suất của FED. Về ngắn hạn hơn, có hai chỉ báo vĩ mô quan trọng có thể quan sát để dự báo về thời điểm rủi ro chính thức xuất hiện đối với kinh tế Mỹ là tỷ lệ thất nghiệp và chênh lệch lợi suất giữa kỳ hạn dài và kỳ hạn ngắn của TPCP Mỹ.
- Kinh tế Việt Nam nhiều khả năng đang ở cuối giai đoạn tiền tăng trưởng và bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất (sau Mỹ khoảng 1 giai đoạn kinh tế). Nếu pha tăng trưởng của kinh tế Mỹ kết thúc vào nửa cuối năm 2019 thì pha tăng trưởng của Việt Nam có thể sẽ kết thúc muộn hơn (tức khoảng nửa đầu năm 2020). Tham chiếu sang thị trường chứng khoán với đặc tính đi trước chu kỳ kinh tế thì nhiều khả năng thị trường cổ phiếu Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất và pha tăng trưởng của thị trường cổ phiếu Việt Nam có thể sẽ kết thúc vào nửa cuối năm 2019. Ở giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất hiện tại thì các ngành như vật liệu cơ bản, năng lượng, hàng tiêu dùng nên được ưu tiên đầu tư.
(Nguồn: Trần Hải Yến, BVSC)
No comments:
Post a Comment