;
BACK
>

Tuesday, July 18, 2023

Những xu hướng tâm lý sai lầm của con người (Kỳ 2)

 

Bài viết gồm tóm tắt 25 khuynh hướng tâm lý (The Psychology of Human Misjudgement) trong cuốn Poor Charlie's Almanack (Sổ tay niên giám của Charlie), đi kèm là những ví dụ thực tiễn trên TTCK Việt Nam

25 xu hướng tâm lý sai lầm của con người được Charlie Munger phát biểu tại trường Harvard năm 1995, sau đó vào năm 2005 đã được ông cập nhật sâu rộng trong Chapter 4 -11- The Psychology of Human Misjudgement, trang 441 cuốn sách Poor Charlie's Almanack (Sổ tay niên giám của Charlie) - Link cuốn sách - Link bài viết.

Những ví dụ dẫn chứng về những tâm lý dưới đây là bài học của ngài Munger và của chính bản thân tôi gặp phải trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ngoài ra bạn cũng có thể áp dụng những tâm lý này vào công việc kinh doanh và quản lý doanh nghiệp.

Khi đọc nguyên bản 25 tâm lý này thì nhận thấy chúng không được sắp xếp theo trật tự logic và rất khó để nhớ, nên tôi đã phân chia chúng thành 2 nhóm: Nhóm xuất phát từ bên trong - nhóm ảnh hưởng bởi bên ngoài, đặt thêm những biểu tượng và lồng ghép một câu chuyện để mọi người có thể dễ nhớ.

Lưu ý: Thứ tự tâm lý được sắp xếp theo nguyên mẫu trong tác phẩm của Charlie Munger.

Bạn có thể đọc lại kỳ 1 tại đây: http://memostockvn.com/p/nhung-tam-ly-sai-lam-cua-con-nguoi-ky-1


B. Nhóm tâm lý ảnh hưởng bởi bên ngoài

1. Tâm lý phản ứng với thưởng và phạt (Reward Super-reponse Tendency)

Biểu tượng: Cây gậy và củ cà rốt

Biểu hiện: Chúng tôi có xu hướng làm việc hướng tới phần thưởng và tránh hình phạt.

Nhận biết sức mạnh của “thưởng và phạt” ⇒ Con người từ xa xưa đã tạo ra một “sản phẩm vô hình” gọi là “luật lệ” để quản lý vương quốc.

Ngày nay các ông chủ cũng tạo ra luật lệ khen thưởng - xử phạt để quản lý nhân viên. Các chính phủ tạo ra luật lệ, quy định ưu đãi thuế, phạt hành chính để quản lý doanh nghiệp.

Con người có xu hướng “lách luật” với tất cả các hệ thống ⇒ Vì vậy cần có các hệ thống quy định, luật lệ chặt chẽ để nhân viên tránh sai phạm hoặc khuyến khích họ làm gì đó.

Tiền bây giờ là phần thưởng chính thúc đẩy thói quen ⇒ Nhưng tiền không phải là phần thưởng duy nhất có hiệu quả ⇒ Danh tiếng, địa vị, tình cảm, quyền lợi,… cũng là thứ có thể ảnh hưởng đến tâm lý thưởng/ phạt.

Bài học: Lợi ích giữa CTCK, môi giới với nhà đầu tư. Chúng ta đều biết CTCK kiếm tiền dựa trên hoa hồng phí giao dịch, cho vay margin và tự doanh (CTCK tự đầu tư). Vì vậy, họ sẽ muốn chúng ta vay nợ và giao dịch càng nhiều càng tốt để thu phí, thậm chí là đẩy giá đối với những cổ phiếu họ đã mua hoặc “gánh chịu” giúp họ những cổ phiếu tệ hại mà bộ phận tự doanh muốn bán ra.

Lợi ích của báo chí với độc giả. Bạn nghĩ rằng các trang báo tài chính là miễn phí ư, không đâu họ phải duy trì hoạt động dựa trên quảng cáo, viết bài PR, thậm chí là doanh nghiệp có thể thuê họ viết bài để đẩy giá cổ phiếu.

Lợi ích của chủ doanh nghiệp với cổ đông. Những ông chủ luôn muốn phần mình nhiều hơn, nên họ có thể làm giả sổ sách (cook report), thao túng giá cổ phiếu (như FLC), hoặc tuồn tiền ra những cty sân sau (Special Purpose Entity - SPE) để thu lợi cá nhân.

Giải pháp: Đa nghi như Tào Tháo

  • Hãy đặt câu hỏi liệu điều này có lợi gì cho người ta và có lợi gì cho mình;

  • Không bao giờ có bữa ăn miễn phí. Tất cả phần thưởng đều phục vụ lợi ích của bên nào đó.

  • Hãy tuân thủ luật pháp: hãy là một nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp hiểu luật và tuân thủ luật chứng khoán, đừng vì tiền bạc mà thao túng giá cổ phiếu hay lách luật.

4. Tâm lý xóa bỏ nghi ngờ để quyết định nhanh (Doubt Avoidance Tendency)

Countdown effect

Biểu tượng: Đồng hồ đếm ngược - hiệu ứng countdown

Biểu hiện: Bộ não của chúng ta được lập trình với xu hướng nhanh chóng loại bỏ nghi ngờ bằng cách đưa ra quyết định nhanh xử lý vấn đề đó.

Tâm lý này được kích hoạt bởi một số sự kết hợp giữa bối rối, căng thẳng và sợ hãi (ví dụ: khi ta đi săn bắt, ta bị thú dữ đuổi thì ta ngay lập tức sẽ bỏ chạy).

Tâm lý này nếu kết hợp với tâm lý sợ bị tước đoạt (#14) sẽ tạo thành hiệu ứng sợ bị bỏ lỡ - Fomo (Fear of missing out).

Tâm lý này khác tâm lý đám đông (#15) ở chỗ, tâm lý bỏ qua nghi ngờ (#4) bị tác động bởi thời gian gấp gáp còn tâm lý (#15) bị tác động vô thức bởi những người xung quanh

Bài học: Các cửa hàng online ngày nay hay sử dụng tâm lý này để chốt sale chúng ta nhanh hơn, khiến ta bỏ qua nghi ngờ để đưa ra quyết định mua hàng ngay lập tức.

Thanh khoản giới hạn của cổ phiếu là yếu tố tạo nên cổ phiếu trần/ sàn, vì cổ phiếu dễ trần/ sàn nên thôi thúc nhà đầu tư phải ra quyết định nhanh. Bất kỳ một tin tức hoặc một yếu tố trọng yếu nào đều có thể thay đổi quyết định của đám đông trong ngắn hạn, những biến động mạnh trong ngắn hạn đều khiến nhà đầu tư mắc vào chiếc bẫy bỏ qua nghi ngờ để ra quyết định.

Giải pháp: Dừng suy nghĩ - Xem nó có cấp thiết không

  • Giống như tâm lý đám đông (#15) - thay vì ra quyết định ngay lập tức thì ta nên dừng lại xem xét và suy nghĩ 1 buổi tối hoặc 1 tuần.

  • Hãy buộc bản thân chậm trễ trước khi đưa ra quyết định

  • Nếu bắt buộc phải mua/bán, hãy chia nó thành từng phần (có thể là 1/3 hoặc 1/2), để dàn trải rủi ro và tâm lý thoải mái hơn.

7. Tâm lý chia sẻ công bằng (Kantian Fairness Tendency)

Cân bằng cuộc sống

Biểu tượng: Chiếc cân công bằng

Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng ưu tiên/mong đợi sự công bằng.

Immanuel Kant: Người tạo ra lý thuyết đạo đức và nguyên tắc ứng xử xã hội. Con người cần tuân theo những nguyên tắc trên để tạo được sự công bằng trong hệ thống. (Tôi thấy những nguyên tắc này khá giống với Đạo giáo của Lão Tử ở Trung Quốc).

Ví dụ:

  • Ai đến trước được phục vụ trước ⇒ Tạo nên thói quen xếp hàng.

  • Ưu tiên người già và trẻ nhỏ ⇒ Tạo nên thói quen nhường chỗ trên xe buýt

  • Thấy người hoạn nạn phải ra tay tương trợ ⇒ Giúp đỡ người đi đường nếu họ gặp tai nạn giao thông.

Xu hướng này còn góp phần xóa bỏ chế độ nô lệ, quyền của phụ nữ và quyền của người đồng tính.

Bài học: Ủy ban chứng khoán luôn muốn tạo ra một môi trường công bằng để thu hút dòng vốn đầu tư của nhà đầu tư cá nhân và nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập chưa được giải quyết, như trường hợp cổ phiếu Gilimex (GIL) phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tượng không rõ ràng với giá thấp, khiến cho cổ đông nhỏ lẻ bị giảm tỷ lệ sở hữu. Một trường hợp nữa là chia ESOP cho nhân viên như MWG SSI, việc này giúp nhân viên trung thành hơn nhưng khiến cho cổ đông chỉ nhận được mức cổ tức thấp và bị pha loãng cổ phiếu (dilution).

Giải pháp: Cần đánh giá lại với những công ty và ban lãnh đạo không fairplay với cổ đông.

8. Tâm lý ghen tỵ và đố kỵ (Envy/ Jealousy Tendency)

Chu du

Biểu tượng: Chu Du - Và câu tục ngữ “Đứng núi này trong núi nọ”.

Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng mong muốn những gì người khác có mà chúng ta không có.

Ghen tị xuất phát từ tính ganh đua ⇒ nhưng không kiểm soát được thì nó sẽ trở thành tâm lý ganh tị/ ghen ghét ⇒ khổ đau.

Trong đầu tư tâm lý ghen tỵ khiến cho nhà đầu tư so sánh mình với người khác, mất kiên nhẫn, chạy theo đám đông (#15) rồi rơi vào cái bẫy đầu cơ.

Bài học: Đọc Truyện Tam quốc, ai cũng biết đến nhân vật Chu Du vì ghen tỵ với tài năng của Khổng Minh (Gia Cát Lượng) mà hộc máu chết. Đó là cái chết vì đố kỵ, ghen ghét với tài năng của người khác.

Ở Việt Nam, thì chúng ta hay thấy “hiệu ứng con nhà người ta”, hay hiện tượng soi mói, bốc phốt người khác trên Facebook, xong rồi ghen tỵ, tức tối không ngủ được.

Còn trong đầu tư thì khiến ta nhìn vào hàng xóm hoặc đồng nghiệp kiếm tiền nhanh ⇒ làm ta chợn lòng ⇒ mất kiên nhẫn ⇒ quên đi nguyên tắc ⇒ lao vào con sóng đầu cơ ⇒ thất bại.

Giải pháp: Đừng so sánh và đặt ra kế hoạch

  • Đừng so sánh mình với người khác, vì mỗi người mỗi người có mỗi hoàn cảnh và khả năng khác nhau.

  • Hãy tự đặt ra mục tiêu và kế hoạch riêng, kiên nhẫn và thực hiện nó.

9. Tâm lý đền đáp (Reciprocation Tendency)

có qua có lại

Biểu tượng: Món quà - Có qua có lại mới toại lòng nhau

Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng đáp lại sự ủng hộ và trả đũa những người không ủng hộ.

Mặt tích cực của xu hướng này là nó tạo điều kiện hợp tác nhóm vì lợi ích của các thành viên (ví dụ: gia đình, thương mại, công ty cổ phần, bóng đá).

Khi mọi người cười với bạn, bạn cười đáp lại; khi mọi người nổi giận với bạn, bạn sẽ tức giận trở lại.

Xu hướng này có thể được sử dụng để thao túng (tâm lý mắc nợ)

Bỏ ra 1 số tiền hoặc lợi ích (#1) sẽ khiến người khác phải giúp đỡ ngược lại (#9)(Điều này ta thấy tương tự “Hối lộ” xảy ra ở các nước châu Á).

Bài học: Mối quan hệ CTCK, báo chí và doanh nghiệp sắp niêm yết (IPO). Chỉ cần bỏ ra một số tiền là các doanh nghiệp có thể nhận được những lời tán dương, những báo cáo phân tích và những triển vọng tươi sáng, qua đó thu hút được nhà đầu tư mua cổ phiếu của mình. Tôi đã từng gặp trường hợp này đối với cổ phiếu Yeah1 (YEG) và Dat Xanh Service (DXS), các môi giới sẽ nhận được hoa hồng đến từ cty niêm yết nếu chào bán được cổ phiếu, vì vậy họ luôn đưa ra đánh giá và hứa hẹn một triển vọng tươi sáng với cổ phiếu đó, nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại.

Tâm lý đền đáp - cho đi trước, nhận về sau được Netflix, Shopee, Spotify sử dụng khá hiệu quả. Shopee thường sẽ cho bạn những mã giảm giá, hoặc freeship vì vậy bạn sẽ thấy biết ơn và mua sản phẩm của họ thay vì mua trên trang thương mại điện tử khác. Netflix sẽ cho xem free một số bộ phim, Spotify thì cho bạn nghe nhạc miễn phí, sau đó nếu thấy hay thì họ có thể đăng ký gói tính phí.

Giải pháp: Trì hoãn và Nghi ngờ

Trì hoãn phản ứng ⇒ Thực hiện “quy tắc 24 giờ”.

Tránh mua cổ phiếu mới lên sàn và chưa niêm yết đủ 6 tháng/ 1 năm.

Tránh nhận ân huệ của người khác - “Của biếu là của lo, Của cho là của nợ”. 

15. Tâm lý đám đông - bằng chứng xã hội (Social-Proof Tendency)

Tâm lý đám đông

Bạn có thể xem đoạn clip vui sau đây để hiểu về tâm lý này: Tại đây

Biểu tượng: Bộ lạc - Hiệu ứng bầy đàn (Herd Behavior)

Biểu hiện: Phản ứng của một cá nhân bị chi phối bởi suy nghĩ và hành động bởi một đám đông.

Từ thời kỳ đồ đá, con người đã có xu hướng sống thành bầy đàn, mỗi cá nhân đều muốn trở thành một phần của tập thể và sợ bị loại ra khỏi bầy đàn của mình.

Nhiều người cùng tin tưởng hoặc thực hiện một việc gì đó sẽ tạo ra xu hướng khiến cho nhiều người khác bắt chước và làm theo (Ví dụ: một đám đông ngước nhìn lên trời, thì những người

Điều này phù hợp với hành vi tốt (ví dụ: lan tỏa chiến dịch quảng cáo, quyên góp từ thiện) nhưng nó đi cùng với tâm lý đố kỵ (#8) sẽ tạo ra mặt xấu (ví dụ: nổi loạn, biểu tình, chiến tranh).

Bài học: Các chuyên gia makerting thường tận dụng tâm lý này trong bán hàng, bằng cách tặng các sản phẩm cho KOL/ Celeb/ Influencer, cộng đồng người nổi tiếng này sẽ khiến cho những người khác cũng muốn sở hữu sản phẩm. Các công ty sẵn sàng chi tiền tỷ để sản phẩm siêu xe, đồng hồ, quần áo, đồ ăn… xuất hiện trong các bộ phim bom tấn, mv ca nhạc nhằm lôi kéo người xem đi theo đám đông.

Nhớ lại giai đoạn 2008, khi nhiều cty tập đoàn như SAM CII SBT mở rộng kinh doanh, chạy theo đám đông nhảy sang lĩnh vực bất động sản, đầu tư tài chính, sau đó bất động sản đóng băng, chứng khoán rớt giá và họ mắc kẹt trong đây cho đến tận năm 2017. Sang giai đoạn 2021, thì các DN như PC1, HDG, TTA, BCG,… chạy đua theo trào lưu xây dựng Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), để rồi phải gánh chịu chi phí trả lãi vay lớn, còn điện thì vẫn chưa bán được.

Giải pháp: Tư duy độc lập

  • Rèn luyện tư duy độc lập - không phải lúc nào đám đông cũng là người đúng;

  • Tìm ra lỗi sai của đám đông và đừng làm theo họ;

  • Tuân thủ bộ nguyên tắc cơ bản về đầu tư, duy trì sự kỷ luật, kiên nhẫn và tỉnh táo.

17. Tâm lý ảnh hưởng bởi áp lực (Stress-Influence Tendency)

Áp lực tạo nên kim cương

Biểu tượng: Kim cương

Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng phản ứng thái quá trong các tình huống khi chúng ta bị căng thẳng nặng nề.

Căng thẳng nhẹ (eustess) có thể cải thiện hiệu suất, nhưng căng thẳng nặng có thể gây rối loạn chức năng, trầm cảm, xuất hiện suy nghĩ tiêu cực như tự tử.

Tâm lý căng thẳng có thể khiến cho người ta mất đi lý trí trong ngắn hạn, quên mất kế hoạch và quy tắc đã đặt ra.

Một số áp lực thường thấy: áp lực tài chính, sự nghiệp, tình cảm, gia đình, học tập, cái chết,…

Bài học: Ngọc chỉ có trong đá và sen chỉ có dưới bùn. Những vĩ nhân phải trải qua những nghịch cảnh, những áp lực thì mới đạt đến sự thành công.

Trên thị trường chứng khoán cũng vậy, áp lực thua lỗ luôn luôn hiện hữu. Tôi luôn nói với những người bạn rằng một vài giao dịch thất bại sẽ dạy cho chúng ta những bài học quý giá, mặc dù học phí của nó hơi đắt.

Giải pháp: Áp lực tạo nên kim cương.

  • Hãy ý thức mình đang thực hiện một mục đích lớn lao, và những áp lực nhỏ nhoi không là gì cả.

  • Khi bị căng thẳng hãy tập trung vào việc giảm căng thẳng thay vì đưa ra quyết định ngu ngốc gì đó.

  • Nhìn lại những phương pháp làm của bản thân đã tốt hơn chưa

  • Có cách nào để khiến mình làm tốt hơn không (phương pháp kaizen)

18. Tâm lý ưu thích những thứ tiện lợi (Availability-Misweighing Tendency)

Biểu tượng: Thầy bói xem voi

Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng đánh giá quá cao những gì chúng ta dễ dàng có được và đánh giá thấp những gì khó đạt được.

Bộ não con người ưu thích những thứ dễ dàng, tiện lợi và ở gần ta. Chúng ta hay tưởng tượng ra những thứ mà chúng ta hay tiếp xúc.

Chúng ta thường tìm kiếm những dữ liệu đơn giản, sẵn có, thay vì nhọc công đi tìm sự thật.

Bài học: Trong phân tích chứng khoán, tôi hay thấy bẫy tâm lý này khá hay xảy ra. Các Analyst Research và các Broker thường lấy những dữ liệu sẵn có như BCTC, Báo cáo thường niên, Nghị quyết hay bản tin IR của doanh nghiệp (thứ mang tính chủ quan do DN cung cấp) để viết ra báo cáo phân tích hay các bài khuyến nghị cổ phiếu trên Facebook.

Thay vì chỉ phân tích trên giấy thì chúng ta nên bước ra đường, tới tận doanh nghiệp để nghiên cứu về nhà máy, quy trình sản xuất, sản phẩm, thị phần, sự yêu thích của khách hàng, đối thủ cạnh trạnh,… ý kiến của các chuyên gia trong ngành, quan điểm của nhà đầu tư khác,…

Giải pháp:

  • Phát triển và sử dụng các bộ tiêu chí (Checklist việc cần làm) để đề phòng điều này.

  • Hãy nhớ rằng những thứ người khác muốn cho chúng ta thấy, chưa chắc đã là sự thật.

20. Tâm lý ảnh hưởng bởi các chất gây nghiện (Drug-Misinfluence Tendency)

Về các chất gây nghiện

Biểu tượng: Ma túy

Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng đưa ra những quyết định phi lý khi chịu ảnh hưởng của ma túy.

“Sức mạnh hủy diệt của các chất gây nghiện đã quá phổ biến và nguy hiểm đến mức ta thấy hậu quả bị kịch mà nó tạo ra cho tư duy và cuộc đời của một người” - Charlie Munger.

Chất kích thích sẽ làm ta lưu mờ lý trí và không còn đủ minh mẫn để phân tích doanh nghiệp hay đưa ra những quyết định đầu tư.

Bài học: Một số ví dụ về Nghiện thời hiện đại: nghiện mua sắm, nghiện game, nghiện cờ bạc, nghiện ma túy, nghiện thuốc lá, nghiện mạng xã hội,…

Thói quen xấu (nghiện) thường sẽ khiến bạn tốn thời gian, tiền bạc, sức khỏe, tâm trí không minh mẫn và giảm hiệu suất làm việc.

Nếu bạn nghiện ma túy trong quá trình đầu tư, nó sẽ khiến chúng ta bán đi những tài sản quý giá như cổ phiếu để dùng tiền đó phục vụ cho những buổi bay lắc.

Giải pháp: Tránh dùng thuốc bằng mọi giá.

21. Tâm lý tụt hậu khi đến tuổi già (Senescence-Misinfluence Tendency)

Đôi bạn thân tỷ phú Warenn Buffett và Charlie Munger: Hơn cả tiền bạc, đây  mới là thứ chúng tôi tìm kiếm suốt nhiều thập kỷ qua

Biểu tượng: Tuổi già

Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng mất khả năng nhận thức khi chúng ta già đi.

Thật khó để một người ở độ tuổi 70 học được những kỹ năng mới, hay phải xử lý những vấn đề phức tạp. Trí nhớ bắt đầu giảm sút và dần bị đãng trí (mất trí nhớ).

Không giống như thể thao bị giới hạn ở độ tuổi 40, lao động ở độ tuổi 60, hay chính trị ở độ tuổi 65. Những nhà đầu tư chứng khoán càng dày dặn kinh nghiệm, tuổi đời càng cao, thì càng kiểm soát tốt cảm xúc và tận dụng được lãi kép.

Bài học: Warren Buffett và Charlie Munger là biểu tượng minh chứng cho tuổi tác không ảnh hưởng đến những quyết định đầu tư. Tuy nhiên, 2 vị cũng đã phải trao quyền quản lý lại cho Ted Weschler và Todd Combs, 2 vị Giám đốc đầu tư mới của Berkshire, nhằm giảm áp lực của tuổi già.

Giải pháp:

  • Liên tục suy nghĩ và học hỏi với niềm đam mê và vui vẻ sẽ giúp đẩy lùi việc lão hóa.

  • Chơi những trò chơi trí tuệ như cờ vua, poker, bài bridge.

22. Tâm lý bị ảnh hưởng bởi uy quyền (Authority-Misinfluence Tendency)

Liều chết" bơi cạnh cá mập, những con cá này thật ra định làm gì? | Báo Dân  trí

Biểu tượng: Cá mập

Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng đi theo những người có thẩm quyền bất kể họ đúng hay sai.

Tổ tiên chúng ta từ xưa đã có xu hướng đi theo những người lãnh đạo, có kinh nghiệm (tộc trưởng, già làng, tướng lĩnh, vua chúa) với mong muốn sẽ được bảo vệ và làm những điều được cho là đúng đắn.

Trong cuộc sống thì nếu bạn là chuyên gia trong một lĩnh vực gì đó hoặc bạn là người có kinh nghiệm hơn thì người đó sẽ nghe lời bạn.

Uy quyền còn tác động lên con người khiến họ tuân theo và làm những việc dù biết là sai trái nhưng vẫn phải làm.

Bài học: Đi theo cá mập hay các idol, quỹ đầu tư. Nhiều người dùng phương pháp “đứng trên vai người khổng lồ” bằng cách mua theo cổ phiếu mà các idol, quỹ đầu tư, nước ngoài. Nhưng không phải lúc nào điều này cũng đúng, đơn cử như quỹ ngoại PYN Elite Fund cũng từng có những thương vụ đầu tư thất bại vào KBC EIB. Hay gần đây nhất là nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu L14 DIG CEO theo thầy A7.

Môi giới - những người bạn xem là có kinh nghiệm trên thị trường, thực chất chỉ là những người xem bảng điện nhiều hơn bạn thôi. Tôi không có ý định chê trách các bạn broker, nhưng sẽ có nhiều cấp độ môi giới, một số có thâm niên, rất chuyên nghiệp, quản lý khối tài sản vài trăm tỷ nhưng một số mới vào nghề chỉ biết xem chart kỹ thuật.

Ban lãnh đạo. Một vài CEO được bầu lên chỉ để ngồi cho đủ ghế và tuân theo mệnh lệnh của giới tài phiệt đứng sau. Nếu vị CEO đó kém cỏi, nhác gan, tham lam, thiếu trung thực thì làm sao đủ năng lực để quản lý bộ máy doanh nghiệp.

Giải pháp: Hãy cẩn thận với người mà bạn trao quyền/đi theo. 

  • Cẩn thận với những người bạn cho là có kinh nghiệm. Vì kinh nghiệm cũng là thứ dễ tạo nên thành kiến, dễ lạc hậu và mắc phải sai lầm.

  • Cần đánh giá ban lãnh đạo khách quan, những người có năng lực, trung lực và không sợ uy quyền từ cấp trên. (Áp dụng thử nguyên tắc chọn lãnh đạo của Buffett hoặc 4M của Phil Town).

25. Hiệu ứng siêu kết hợp tâm lý (Lollapalooza Tendency)

Lollapalooza Chicago reportedly to return later this year

Biểu tượng: Lễ hội âm nhạc - Lollapalooza

Biểu hiện: Sự kết hợp của nhiều bẫy tâm lý lại với nhau để hướng tâm trí của bạn đến một hành động hoặc một kết quả cụ thể.

Lollapalooza cũng là tên một lễ hội âm nhạc ngoài trời được tổ chức tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới.

Khi các xu hướng kết hợp với nhau, chúng thậm chí còn mạnh hơn ⇒ tức là chúng có nhiều khả năng dẫn đến việc ra quyết định tồi tệ hơn.

Bài học: Khi cơn sóng cổ phiếu bất động sản như L14, DIG, CEO bắt đầu xuất hiện vào tháng 10/2021, nhà đầu tư nhìn bảng điện và thấy cổ phiếu tăng trần vài chục %, anh ta bắt đầu nuối tiếc và sợ bỏ mất cơ hội (#14 - mất mát). Rồi dần nhiều người xung quanh mua vào, broker gọi mua (#15 - lan truyền đám đông), anh ấy cũng thấy đố kỵ khi thấy ông hàng xóm đang có lãi (#8 - đố kỵ), cuối cùng anh ấy mua theo và bỏ qua những nghi ngờ trước đó (#4 - xóa bỏ nghi ngờ).

Mua xong thì anh ấy hi vọng cổ phiếu tăng thêm vài trăm % nữa (#13 - lạc quan thái quá). Đột nhiên, cổ phiếu định giá ngất ngưởng đó rớt mạnh 20%. Nhiều người bắt đầu chim lợn và đưa ra ý kiến trái chiều, nhưng anh ta vẫn tin tưởng vào quyết định của bản thân (#12 - tự tin thái quá), rồi từ từ bắt đầu cảm thấy không thể cắt lỗ được (#5 - nhất quán). Và khi cổ phiếu ngày càng trượt dốc, anh ta phủ nhận thực tại đau đớn (#11 - Chối bỏ), nắm giữ cổ phiếu tệ hại đó vĩnh viễn và không bao giờ gỡ lại được số tiền đã thua lỗ.

Giải pháp: Hay cẩn thận với những giả định ban đầu mà bạn đưa ra.

  • Trước khi đưa ra quyết định, hãy xem xét kỹ lưỡng đặc biệt là nhận thức của bạn. Và tránh đưa ra quyết định dựa trên thiên kiến nhận thức (cognitive bias).

  • Đừng chạy theo đám đông, thay vào đó hãy suy nghĩ cho chính mình.

  • Đừng đưa ra quyết định khi đang tức giận.

  • Hãy nhớ rằng có rất nhiều điều bạn chưa biết.