Bài viết gồm tóm tắt 25 khuynh hướng tâm lý (The Psychology of Human Misjudgement) trong cuốn Poor Charlie's Almanack (Sổ tay niên giám của Charlie), đi kèm là những ví dụ thực tiễn trên TTCK Việt Nam
Tâm lý học được tôi xem như một nhánh quan trọng trong ma trận đầu tư, kinh doanh của mình, cảm xúc (EQ) cũng quan trọng chẳng khác gì kiến thức hay kỹ năng của bạn, để trở nên thành công trong đầu tư chứng khoán bạn cũng cần làm những việc sau đây: cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm.
Nghiên cứu về nguyên lý vận hành của tâm lý và tách mình khỏi vấn đề để quan sát (Cách vật - Hiểu thấu đáo về sự vật)
Biết nhận ra những sai lầm phi lý của người khác (Trí tri - Nhận thức đúng đắn);
Am hiểu những điểm hạn chế của bản thân (Thành ý - Thành thật với bản thân);
Biết tự kiểm soát cảm xúc bản thân bằng kỷ luật (Chính tâm - Giữ lòng mình ngay thẳng);
Nếu bạn hoàn thiện được hết những nguyên tắc như trên thì tâm bạn sẽ bất biến trên thị trường chứng khoán, và bạn có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn trong quá trình đầu tư.
Còn gì tuyệt vời hơn, nếu ta có thể tiết kiệm thời gian và tránh mắc phải những sai lầm từ việc mượn trải nghiệm và kiến thức của những nhà đầu tư lão luyện đi trước.
25 xu hướng tâm lý sai lầm của con người được Charlie Munger phát biểu tại trường Harvard năm 1995, sau đó vào năm 2005 đã được ông cập nhật sâu rộng trong Chapter 4 -11- The Psychology of Human Misjudgement, trang 441 cuốn sách Poor Charlie's Almanack (Sổ tay niên giám của Charlie) - Link cuốn sách - Link bài viết.
Nếu bạn muốn nghe bài phát biểu đó, hãy truy cập vào đây:
Những ví dụ dẫn chứng về những tâm lý dưới đây là bài học của ngài Munger và của chính bản thân tôi gặp phải trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ngoài ra bạn cũng có thể áp dụng những tâm lý này vào công việc kinh doanh và quản lý doanh nghiệp.
Khi đọc nguyên bản 25 tâm lý này thì nhận thấy chúng không được sắp xếp theo trật tự logic và rất khó để nhớ, nên tôi đã phân chia chúng thành 2 nhóm: Nhóm xuất phát từ bên trong - nhóm ảnh hưởng bởi bên ngoài, đặt thêm những biểu tượng và lồng ghép một câu chuyện để mọi người có thể dễ nhớ.
Lưu ý: Thứ tự tâm lý được sắp xếp theo nguyên mẫu trong tác phẩm của Charlie Munger.
A. Nhóm xu hướng tâm lý sai lầm xuất phát từ bên trong
2. Tâm lý yêu thích - thiên kiến (Liking/Loving Tendency)
Biểu tượng: Củ ấu - Thương nhau củ ấu cũng tròn
Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng phớt lờ lỗi lầm của con người và những thứ chúng ta thích/yêu.
Chúng ta bẩm sinh đã yêu thích và có cảm tình với những sự vật xung quanh như gia đình, bạn bè, những vật chúng ta thân thuộc.
Chúng ta yêu thích việc được ngưỡng mộ ⇒ chúng ta sẽ phấn đấu suốt đời để có được sự ảnh hưởng và chấp nhận của những người xa lạ.
Mặc tiêu cực của tâm lý này:
(1) Bỏ qua lỗi lầm và tuân theo mong muốn của đối tượng mình yêu thích;
(2) Ưu thích mọi thứ về đối tượng như sản phẩm, hành động, lời nói (tâm lý này đang được các KOL và nghệ sĩ dùng để quảng cáo sản phẩm);
(3) Bóp méo các sự thật khác để thúc đẩy tình cảm.
Bài học: Một số cư dân ở nhà Vinhomes và đi xe Vinfast thì trở nên yêu thích cổ phiếu VIC - bất chấp nó đang có mức định giá đắt đỏ và mô hình kinh doanh thì đốt tiền vào các mảng bán lẻ, khu du lịch, công nghiệp ô tô điện. Một ví dụ khác là bạn thích uống sữa đậu nành Fami, tuy nhiên mảng này ở QNS chỉ chiếm 50% doanh thu và biên lợi nhuận của toàn cty thì rất thấp chỉ có 12%.
Giải pháp: Dùng lý trí để đánh giá hơn là tình cảm.
Tìm hiểu kỹ về tỷ trọng lợi nhuận của sản phẩm/ dịch vụ ta ưu thích;
Hiểu rõ và đánh giá khách quan lợi thế cạnh tranh và tình hình tài chính.
Xem xét tính chu kỳ của sản phẩm và doanh nghiệp đó.
3. Tâm lý ghét bỏ - thiên kiến ( Disliking/Hating Tendency)
Biểu tượng: Quả bồ hòn - Ghét nhau quả bồ hòn cũng méo
Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng phớt lờ những đức tính tốt đẹp ở những người và những thứ mà chúng ta không thích/ghét.
Có thể một sự kiện nào đó trong quá khứ đã làm chúng ta trở nên ghét bỏ con người hay sự vật đó.
Cũng giống như tâm lý yêu thích (#2) thì chúng ta thường bỏ qua những 10 đức tính tốt của đối phương, và ghét bỏ chỉ vì 1 điểm xấu của người khác, sau đó tẩy chay cả những sản phẩm, dịch vụ, hành động của người đó.
Bài học: Trong quá khứ tôi đã từng gặp phải tâm lý này khi rất ghét cổ phiếu ACB chỉ vì nó làm tôi thua lỗ, tôi cạch mặt nó và quyết tâm không bao giờ đụng đến cổ phiếu đó. Nhưng rồi, tôi nhận ra tôi đã sai, vì sau khi tái cấu trúc thành công nó đã trở thành một cổ phiếu tăng trưởng cực tốt, một blue-chip mới của thị trường.
Giải pháp: Dùng lý trí để đánh giá lại vấn đề
Lắng nghe ý kiến trái chiều từ những người am hiểu trong ngành, từ đối thủ cạnh tranh và từ chính khách hàng.
Xem xét những số liệu kinh doanh, thị phần và tiềm năng của doanh nghiệp đó.
5. Tâm lý ngại thay đổi - thành kiến - nhất quán trong tư duy (Commitment & Consistency Tendency)
Biểu tượng: Con ếch - Ếch ngồi đáy giếng
Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng chống lại sự thay đổi. Khi một thói quen đã được hình thành quá lâu nó sẽ khiến cho chúng ta ngại thay đổi và xem đó là một điều hiển nhiên.
Thành kiến = “Ý kiến, quan niệm” + “hình thành” trong nếp sống, thói quen do chúng ta tự xây dựng nên.
Tâm lý này giúp chúng ta an toàn, có cuộc sống ổn định và tránh xa những thói quen xấu.
Nhược điểm, tâm lý này không giúp cho xã hội phát triển, khoa học tiến bộ, mà dẫn chúng ta đi theo những lối mòn.
Bài học: Cổ phiếu tốt trong quá khứ chưa chắc là cổ phiếu tốt trong tương lai, nhiều nhà đầu tư lão luyện luôn cho rằng những cổ phiếu đã tăng tốt trong quá khứ như CTD BVH PPC VCS VNM sẽ tiếp tục tăng trong tương lai và họ đã bỏ qua việc đầu tư vào những ngành tương lai như Thương mại điện tử, xe điện, hay công nghệ. Bản thân Charles Munger và Warren Buffett cũng ngại khi đầu tư vào cổ phiếu công nghệ vì cho rằng họ chưa hiểu rõ về ngành này, để rồi chính bản thân ông cũng nói đó là sai lầm lớn nhất cuộc đời đầu tư của mình.
Giải pháp: Làm mới - Tư duy Charles Darwin
Loại bỏ thói quen xấu: thường xuyên xem bảng điện, mua/ bán liên tục, vay nợ margin, muốn làm giàu nhanh, hành động cảm tính,…
Tư duy khách quan đánh giá 2 mặt của một sự việc: luôn luôn đặt điểm yếu kế bên điểm mạnh của doanh nghiệp.
Tư duy phản biện - tìm ra những lỗ hổng hoặc rủi ro của thương vụ đó
10. Tâm lý ảnh hưởng từ liên kết quá khứ (Influence From Mere-association Tendency)
Biểu tượng: Cục xúc xắc (xí ngầu) - 99 trận thắng trả cho 1 trận thua
Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng gán giá trị cho mọi thứ ở hiện tại dựa trên sự liên tưởng quá khứ.
Giá cao hơn = chất lượng cao hơn;
Nếu bạn đi siêu xe, bạn sẽ trông ngầu hơn;
Nếu chúng tôi đã thành công trước đây, chúng tôi sẽ thành công một lần nữa;
Nếu Warren Buffet đã mua cổ phiếu đó rồi, thì nó phải tốt.
Giống như tâm lý ngại thay đổi (#5), chúng ta cũng vịn vào những liên kết đơn thuần, kinh nghiệm cũ để đưa ra quyết định cho hiện tại.
Trong đâu tư hiện nay đều dùng dữ liệu của quá khứ để dự báo về tương lai.
Bài học: 99 trận thắng trả cho 1 trận thua. Giai đoạn 2021, tôi đã chứng kiến rất nhiều trader tận dụng được margin, kho để giao dịch liên tục và trở nên giàu có, nhưng sự may mắn đó đã biến mất khi thủy triều rút, nhiều cổ phiếu giảm sàn và liên tục bị cắt margin, họ đã thua ở giao dịch cuối cùng và tán gia bại sản.
Việc này cũng thường xảy ra trong các Casino, khi mà các con bạc luôn nghĩ rằng mình có thể liên tục chiến thắng trò xúc xắc cho đến khi trở nên khánh kiệt.
Giải pháp: Đánh giá khách quan và sự may mắn có lặp lại
Nhìn lại lý do ta đạt được thành công trong quá khứ, tìm ta nguyên nhân và liệu yếu tố may mắn có lặp lại lần nữa.
Phải nhìn ra những rủi ro, những điều kiện hoàn cảnh ở thời điểm hiện tại khác gì so với quá khứ.
6. Tâm lý tò mò (Curiosity Tendency)
Biểu tượng: Chiếc ly rỗng
Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng tò mò về những điều mới. Giống như các loài động vật có vú khác, chúng ta có tính tò mò bẩm sinh.
Tò mò có tác dụng nâng cao kiến thức (phát minh ra chữ viết và khoa học) ⇒ nó giúp chúng ta ngăn ngừa những rủi ro tiềm ẩn và cải thiện cuộc sống của con người.
Tò mò vào chuyện tào lao sẽ làm tốn thời gian và mất tập trung. Trong một vài trường hợp, tò mò khiến bạn bị phân tâm và không tập trung vào yếu tố cốt lỗi trong phân tích doanh nghiệp.
Bài học: Khi đi mua sắm Iphone bạn sẽ tò mò nghiên cứu về việc buôn bán của các doanh nghiệp như MWG, FRT, DGW hoạt động bán lẻ thế nào, và liệu chúng ta có nên đầu tư vào chúng.
Nhờ tò mò, mà bản thân tôi đã nghiên cứu thành công nhiều ngành nghề kinh doanh, cũng như hiểu thêm về nhiều doanh nghiệp.
Giải pháp: Tận dụng tò mò
Dùng sự tò mò này để tìm hiểu về các doanh nghiệp, ban lãnh đạo, cũng như rủi ro.
Nghiên cứu về sự vận hành của nền kinh tế và các ngành nghề giúp ta có thêm kiến thức để phục vụ cho công cuộc đầu tư.
12. Tâm lý tự cao quá mức (Excessive Self-Regard Tendency)
Biểu tượng: Steve Jobs - Tự cao tự đại
Biểu hiện: Người ta thường “tự” đánh giá “cao” quá mức về năng lực bản thân.
Hiệu ứng sở hữu (endowment effect) = đánh giá cao quá mức đối với những đồ vật mà họ sở hữu, sẵn sàng trả giá cao hơn rất nhiều để mua lại nó nếu chẳng may nó bị thất lạc.
Nếu ta tự cao và cho rằng ý tưởng mình là nhất thì ta sẽ chịu hai hậu quả:
(1) Bỏ qua các cơ hội đầu tư tuyệt vời khác mà ta không để ý;
(2) Tâm trí ta sẽ đóng lại, và ta sẽ dính vào chiếc bẫy tâm lý ngại thay đổi - thành kiến (#5) trước đó.
Bài học: Trên Facebook, F319 hoặc các diễn đàn chứng khoán Việt Nam, luôn luôn có những nhóm người chửi bới, lăng mạ cổ phiếu lẫn nhau chỉ vì cho rằng nhận định của mình là số 1, còn quan điểm của những kẻ khác là “rác rưởi”. Tất cả những phản ứng trên đều cho xuất phát từ tâm lý tự tin quá mức.
Bản thân tôi trong cơn sóng 2021, cũng đã phớt lờ lời cảnh báo của người anh trong ngành thép, để tiếp tục nắm giữ HPG với mong muốn đạt được mức lợi nhuận cao hơn. Nhưng cuối cùng đã phải sửa sai để bảo toàn lợi nhuận.
Giải pháp: Nhìn lại chính mình
Buộc bản thân phải khách quan hơn khi nghĩ về bản thân, gia đình và bạn bè, tài sản của bạn và giá trị của hoạt động trong quá khứ và tương lai của bạn;
Từ bỏ thói biện minh và nhìn lại mình, đánh giá bản thân xem đã đúng hay chưa.
Đôi khi lắng nghe lời nguyên logic, lời cảnh báo của người khác cũng là một ý hay.
11. Tâm lý chối bỏ - phủ nhận thực tại đau đớn (Simple, Pain-Avoiding Psychological Denial)
Biểu tượng: Căn bệnh ung thư
Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng tránh những tình huống đau đớn bằng cách tự động phủ nhận thực tế.
Thực tế quá đau đớn để chịu đựng, dẫn đến não ta hay bóp méo nó, và thời gian qua đi sẽ khiến ta làm quen với nó.
Bài học:
Khi nghe bác sĩ báo tin bị ung thư, thông thường chúng ta sẽ hốt hoảng và gào khóc, thể hiện rõ “tâm lý chối bỏ thực tại”. Nhưng vài tuần sau, chúng ta sẽ học cách chấp nhận được sự thật mình đã bị ung thư. Chúng ta sẽ dùng những phương thuốc thích hợp để chữa trị lâu dài và sống chung với căn bệnh đó.
Khi mắc phải những sai lầm đầu tư mà không thể gỡ gạc được trong ngắn hạn, nhiều nhà đầu tư cá nhân có xu hướng nắm giữ thay vì cắt lỗ, phủ nhận rằng mình không sai.
Tôi biết một anh từng thua lỗ hàng tỷ vào giai đoạn 2008, tới mức tết năm đó anh ấy không dám về quê ăn tết. Nhưng rồi thời gian qua đi và sau 10 năm anh ấy không những gây dựng lại được, mà còn kiếm được nhiều gấp 2 lần số tiền bị mất năm 2008.
Giải pháp: Can đảm nhìn vào những khó khăn.
Chấp nhận những yếu điểm của mình, chấp nhận những điều không may mắn xảy ra.
Đưa ra những phương án sửa sai khi còn có thể, như hạ tỷ trọng hoặc cắt lỗ đúng lúc.
13. Tâm lý lạc quan thái quá (Overoptimism Tendency)
Biểu tượng: Hoa Tulip
Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng tin rằng tương lai sẽ tốt hơn hiện tại và đưa ra quyết định dựa trên điều này.
Lạc quan thái quá sẽ làm chúng ta bỏ qua những rủi ro và dễ dàng bị cuốn theo lòng tham và tự cao thái quá (#12)
Bài học: Cơn sốt hoa Tulip, Cơn sốt bất động sản 2008, Cơn sốt bitcoin và gần đây nhất là con sốt bất động sản Thủ Thiêm 2021. Những nhà đầu tư đếm m2 đất Thủ Thiêm, Phú Quốc để định giá doanh nghiệp đã phải gánh chịu sự thất bại nặng nề khi giá cổ phiếu bất động sản giảm 50-70%.
Giải pháp: Hệ tư duy xác suất của Fermat và Pascal, hay tỷ lệ Risk/Reward
Loại bỏ yếu tố chu kỳ đột biến trong lợi nhuận, luôn nhìn lợi nhuận ở trạng thái bình thường hóa;
Định giá với tiêu chuẩn khắt khe, so với lãi suất tiết kiệm hay lợi suất của các thị trường tài sản khác như một thước đo;
Luôn nghĩ rằng: “Trường hợp xấu nhất tôi có thể mất bao nhiêu? Và nếu tôi đúng, tôi sẽ được bao nhiêu?”
Chậm lại một chút và tách mình khỏi đám đông.
14. Tâm lý phản ứng mạnh khi bị tước đoạt (Deprival-Superreaction Tendency)
Biểu tượng: Con chó và cục xương
Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng phản ứng mạnh khi bị mất hoặc có nguy cơ mất đi những thứ giá trị (Vd: tài sản, tình yêu, lãnh thổ, cơ hội, địa vị,...).
Thông thường thì khi chúng ta mất 100$ sẽ đau khổ hơn là chúng ta kiếm được 100$.
Tâm lý này chia làm 2 dạng:
Mất vật đang sở hữu (loss of possessed): con người thường hay đau khổ và suy nghĩ nông cạn khi bị mất một cái gì đó mà đang sở hữu.
Có xu hướng so sánh những thứ ở gần, đơn giản thay vì những thứ thực sự ảnh hưởng đến chúng ta.
Mất vật suýt nữa thì được sở hữu (loss of almost-possessed): tâm lý “xém chút nữa” (near misses) thường khiến cho mọi người bị thu hút và tăng khả năng chơi tiếp.
Ngoài ra, khi kết hợp với tâm lý lan truyền đám đông (#15) + tâm lý loại bỏ nghi ngờ (# 4) + tâm lý bị tước đoạt (#14) nó còn khiến cho mọi người fomo và đẩy giá lên cao.
Bài học:
Mất vật đang sở hữu: Những tay chơi lão luyện trên thị trường sẽ luôn biết cách làm cho bạn sợ hãi và bán mất hàng (bear trap), sau đó khiến cho bạn sợ bị mất và phải fomo mua lại chính cổ phiếu vừa bán.
Tâm lý này cũng đúng với những chú chó khi bạn cố lấy miếng xương mà chúng đang sở hữu, thay vì vẫy đuôi mừng rỡ thì chúng sẽ quay lại cắn bạn.
Mất vật suýt nữa thì được sở hữu: Tâm lý này thường xuất hiện tại các Casino và gần đây là các game gây ức chế như Angry Bird, Alt F4. Những trò chơi đã được thiết kế để 80% người chơi bỏ lỡ cơ hội và sẽ tiếp tục tham gia để vượt qua thử thách.
Bản thân tôi sau như cơn sóng 2017, 2021 thì cũng rút ra được những kinh nghiệm sâu sắc là nên tránh xa những con sóng đầu cơ và những cổ phiếu được gán mác là “tái cấu trúc” + “xác chết sống dậy” như TTF HAG SCR ITA, mặc kệ chúng có tăng trần bao nhiêu phiên đi nữa.
Giải pháp: Kỹ năng chơi bài Poker và Chấp nhận thất bại
Trong Poker, việc cắt lỗ sớm giúp hạn chế mức lỗ lớn hơn bằng việc quyết định ngừng chơi;
Hiểu về giá trị của chi phí chìm (sunk cost) và chi phí cơ hội (opportunity cost) khi đối mặt với tình huống sai lầm;
Học cách chấp nhận thất bại và sai lầm của bản thân, xem nó như một bài học hay một quy luật tất yếu của cuộc sống;
Kỉ luật với bản thân, không bao giờ tham gia vào các cổ phiếu đầu cơ, tăng trần liên tục khiến chúng ta fomo và có cảm giác bỏ lỡ điều gì đó.
16. Tâm lý nhận thức sai với sự tương phản (Contrast-Misreaction Tendency).
Biểu tượng: Đôi giày sale 50%
Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng phản ứng thái quá với độ tương phản cao và phản ứng kém với độ tương phản thấp.
Nói dễ hiểu thì não bộ chúng ta không đo lường mọi vật bằng thông số tuyệt đối nên dựa vào một thứ so sánh tương đối đơn giản hơn.
Chúng ta sẽ có xu hướng lấy một vật khác làm tham chiếu để so sánh với vật hiện tại. Mặc dù, cả 2 vật không có độ tương thích (tương phản) với nhau.
Ví dụ:
Khi bạn mua một chiếc xe, nhân viên sẽ khuyến khích bạn mua thêm các phụ kiện trị giá 20 triệu, nhưng bạn sẽ thấy không đắt vì bạn cái xe của bạn trị giá tới 1 tỷ.
Nhân viên môi giới sẽ dẫn bạn đến một căn nhà tệ giá cao, sau đó dẫn bạn đến một căn nhà tệ nhưng giá thấp hơn. Và bạn sẽ quyết định mua căn nhà tệ thứ 2.
Lễ hội Black Friday thường sẽ sale 20-50%, nhưng thực chất thì các nhãn hàng nâng giá cao hơn từ lúc bán, sau đó hạ giá để bạn cảm thấy hấp dẫn.
Bài học: Những nhà đầu tư mới vào thị trường sẽ hay mắc phải lỗi này khi so sánh cổ phiếu PNJ giá 100.000 với cổ phiếu HAG giá 5.000 và cho rằng HAG rẻ hơn PNJ và chúng ta có thể mua được nhiều cổ phiếu hơn. Nhiều nhà đầu tư hay chọn những cổ phiếu giá nhỏ dưới 20.000 để đầu tư vì nghĩ rằng nó sẽ tăng nhiều % hơn so với cổ phiếu FPT 80.000. [cười]
Trong con sóng downtrend 2022, thì nhiều nhà đầu tư bắt đáy và cho rằng NVL 70.000 giảm về 10.000, giá đã giảm 85% rồi tại sao không bắt đáy. Họ đã bỏ qua về phân tích doanh nghiệp, tình hình tài chính, triển vọng tương lai để bay thẳng tới giá bán.
Giải pháp: Tư duy bằng con số định giá tương đối (relative figures)
Hãy dùng những chỉ số như P/E, P/B, EV/EBITDA, P/FCF, E/P … để so sánh với lãi suất tiền gửi trung bình tại các ngân hàng.
So sánh với thị trường lân cận như Thái Lan, Singapore, Hongkong, Hàn Quốc thì mới chính xác.
19. Tâm lý sử dụng hoặc mất đi các kỹ năng (Use-It-or-Lose-It Tendency)
Biểu tượng: Người chơi Violin
Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng đánh mất các kỹ năng khi không sử dụng chúng.
Lưu ý: Các kỹ năng mà chúng ta trở nên thông thạo sẽ mất dần chậm hơn và quay trở lại nhanh hơn khi luyện tập.
Vì vậy, việc chúng ta cần làm là luyện tập để kỹ năng này đạt đến trình độ nhuần nhuyễn (fluent) và tạo nên sự vĩnh viễn.
Bài học: Các nhà tâm lý phân những người chơi violin trong trường ra thành ba nhóm.
Nhóm 1: Những sinh viên có tiềm năng trở thành nghệ sĩ solo đẳng cấp thế giới;
Nhóm 2: Các sinh viên ở mức “tốt”;
Nhóm 3: Các sinh viên có vẻ sẽ không bao giờ chơi nhạc chuyên nghiệp và những người có ý định trở thành giáo viên âm nhạc trong hệ thống trường công.
Tất cả sinh viên sau đó đều được hỏi một câu hệt nhau: xuyên suốt quá trình rèn luyện trong toàn bộ sự nghiệp của mình, kể từ lần đầu tiên cầm cây vĩ cầm, bạn đã luyện tập bao nhiêu giờ đồng hồ? Bất ngờ là nhóm 1 họ luyện tập nhiều hơn nhóm khác, khi bước vào tuổi 20 họ đã đạt được 10.000 giờ. Trong khi nhóm 2 chỉ có 8.000 và nhóm 3 chỉ có hơn 4.000 giờ.
Trong thị trường chứng khoán cũng vậy, việc bạn đọc sách, nghiên cứu, luyện tập phân tích doanh nghiệp, thực hành trading, trải qua 2-3 chu kỳ thì đầu tư sẽ thành công hơn là những nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường được 1-2 tháng.
Giải pháp: Văn ôn võ luyện - Luyện tập duy trì kỹ năng.
Học theo các phi công rèn luyện kỹ năng lái máy bay dựa trên các chương trình mô phòng (simulator). Bạn cũng có thể luyện tập khả năng trading bằng “Paper Trading” trên trang web tradingview.
Hãy áp dụng “nguyên tắc 10.000 giờ” của Malcolm Gladwell được nhắc đến trong cuốn sách “Những Kẻ Xuất Chúng”. Hằng tuần hãy dành thời gian đều đặn để phân tích doanh nghiệp, đọc sách, đọc báo cáo, đọc tạp chí, nghiền ngẫm hệ thống phương pháp đầu tư, rồi sẽ đến một ngày bạn đạt được cột mốc 10.000 giờ và trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Lập danh sách các kỹ năng bạn muốn duy trì và checklist để xem mình đạt đến đâu rồi.
23. Tâm lý không nghiêm túc - nói điều nhảm nhí (Twaddle Tendency)
Biểu tượng: Đống rác nhảm nhí
Biểu hiện: chúng ta có xu hướng nói chỉ để thỏa mãn hoặc vì chúng ta nghĩ rằng mình biết điều gì đó, trong khi thực tế thì không.
“Twaddle” = nhảm nhí, linh tinh.
Tâm lý này phổ biến trong các buổi họp, diễn đàn nơi mà thời gian bị phí phạm vào những chủ đề không đâu vào đâu.
Bài học: Truyền thông trên thị trường chứng khoán là một ví dụ điển hình. Chúng sinh ra với những ngôn từ đẹp, hợp logic nguỵ trang dưới lớp mặt nạ các báo cáo phân tích, tin hot, tin nội bộ, các câu chuyện triển vọng,… để thu hút sự chú ý của chúng ta nhằm phục vụ lợi ích cá nhân hoặc câu view. Tất cả tin tức trên nếu chúng ta không biết chọn lọc thì sẽ trở thành những thông tin vớ vẩn gây mất thời gian và ảnh hưởng đến sự tập trung.
Tiktok cũng đang dùng tâm lý này để cuốn hút vào bạn những video ngắn đang xen giữa câu chuyện cuộc sống và câu chuyện nhảm nhí.
Giải pháp: Không nói và nghe những điều nhảm nhí.
Hãy trung thực với bản thân về những điều bạn biết/không biết…. đừng ngại nói, “Tôi không biết.” ⇒ Nếu bạn không biết, hãy im lặng.
Lựa chọn những thông tin, lời đồn đại (scuttlebutt) quan trọng với doanh nghiệp/ lãnh đạo hoặc bạn cho là trọng yếu để sử dụng.
24. Tâm lý tôn trọng logic và lý luận (Reason-Respecting Tendency)
Biểu tượng: Nhà khoa học hay hỏi “Tại sao”
Biểu hiện: Chúng ta có xu hướng nắm lấy những thứ có lý do và tránh những thứ không có lý do.
Con người trong xã hội văn minh sử dụng logic để đưa ra quyết định hành động hơn là dùng “cảm tính”.
Bài học: Trong TTCK có nhiều người đầu tư nhưng không biết “lý do” mua cổ phiếu đó là gì? Không biết vì sao KQKD tốt mà giá cổ phiếu giảm. Không hiểu sự vận hành của thị trường và dòng tiền. Không biết tại sao Broker, CTCK lại hô hào mua cổ phiếu đó? Bản thân những nhà đầu tư này sẽ trở thành số đông nhà đầu tư thất bại.
Bản thân tôi đã được trò chuyện với đủ các thể loại nhà đầu tư, trader trên thị trường, bản thân họ luôn có một “bộ quy tắc” đầu tư của riêng mình. “Bộ quy tắc” này cực kỳ khoa học, logic, quy trình rõ ràng và đề cao tính kỷ luật.
Giải pháp: Xác thực các lý do trước khi đưa ra quyết định.
Thường xuyên đặt các câu hỏi nghi vấn “ Tại sao”.
Tự xây dựng một bộ tiêu chí đầu tư khoa học và logic.
No comments:
Post a Comment