Chiều đến, Hàn Tín lên ngựa, đi dạo xem phong cảnh Hán Trung . Cửa Kiếm các uy nghi hướng về phương Nam, đường Sạn đạo bắt sàn, uốn khúc quanh co như khúc ruột trước mặt là Ðại Giang, mông mênh sóng vỗ, đàng sau là núi Cẩm Bình, Nga Mi sừng sững như tháp Quan âm, bao bọc vùng Châu Kỳ, Châu Tương, đồng rộng ước hai ngàn dặm. Lại thêm ngọn núi Nam Mai trắng tợ tuyết, ngọn suối Bộc Bố chảy ngoằn ngoèo, có ổ Bàn Vân có lầu Thiên Hán có nhà Thạch trụ, có dinh Tứ Chiến, cảnh vật muôn màu tươi thắm, tô điểm cho giải non sông ấy một sắc thái hùng khí thiên nhiên.
Hàn Tín xem mãi không chán mắt, giục ngựa thẳng đến một tòa nha môn kia, ngoài cổng có treo tám biển đề ba chữ "Chiêu hiền quán" hai bên lại có treo hai tấm yết thị rất lớn, viết như sau :
1) Am hiểu lược thao, tinh thông binh pháp sẽ được chọn làm chức Nguyên nhung
2) Dũng cảm hơn người đủ sức phá thành chém tướng, sẽ chọn làm Tiên phong
3) Tài hay khinh khiển, võ nghệ siêu quần, sẽ được chọn vào chức Tán kỵ
4) Thông hiểu thiên văn, thạo việc phong vũ, sẽ chọn làm chức Tân hoạch.
5) Tinh tường địa đạo, thấu triết địa dư sẽ được chọn làm chức Hướng đạo.
6) Mực thước công bằng, tánh tình ngay thẳng, sẽ chọn làm chức Kỹ lục .
7) Cư biến tài tình, động việc khéo lo, sẽ chọn làm chức Nghị quân.
8) Nói năng hoạt bát, ứng đối nhanh lẹ, sẽ chọn trào chức Thuyết khách
9) Tính toán tinh tường, một mảy không lộn, sẽ chọn làm chức Thượng thư .
1 0) Sách vở xem rộng, hỏi đâu biết đấy, sẽ chọn làm chức Bác sĩ.
11) Chuyên tập sách thuốc, mạch lục tinh thông, sẽ chọn vào chức Quốc thủ.
12) Giỏi nghề len lỏi, thạo việc rình mò, sẽ chọn làm Thám tử.
13) Chưởng quản tiền lương, tiêu pha có độ, sẽ chọn làm chức Quân xướng.
Trong 13 khoản này, ai giỏi về khoản nào cứ tới Quán Chiêu Hiền kê khai tên họ, trình quan khảo thí. Nếu thực tài sẽ được trọng dụng ngay không phân quý tiện. Hễ hết lòng vì nước tất đoạt bước thang mây.
Cáo thị Quốc dân.
Hàn Tín đọc xong bản chiêu hiền, liền hỏi thăm dân chúng, ai là chủ tòa nha môn ấy.
Dân chúng đáp :
Ðằng công tên là Hạ Hầu Anh được Hán vương phong làm Nhữ Nam Hầu, lo việc chiêu hiền đãi sĩ đó.
Hàn Tín nghĩ thầm :
- Nếu mình mang ngay cái giốc thư của Trương Lương đến trình với Tiêu Hà xin tiến cử thì ra mình hèn quá ! Tại sao ta không thi thố tài năng theo hệ thống khảo thí như mọi người, đế tỏ tài học của mình ?
Liền biên tên họ, quán chỉ, nạp vào nha môn, xin yết kiến Ðằng công.
Ðằng công nghĩ thầm :
- Người này ta nghe tiếng đã lâu, vả lại, từ ngàn dặm, bỏ Sở mang đây hẳn có chí lớn .
Bèn cho quân mời Hán Tín vào, hỏi :
- Hiền sĩ đang phò Sở, vì sao lại dong ruổi đến đây ?
Hàn Tín thưa :
- Hạng vương không dùng, nên tôi bỏ chỗ tối tìm đến chỗ sáng.
Ðằng công hỏi :
- Ðường Sạn đạo bị đốt, núi rừng hiểm trở, hiền sĩ làm sao đến đây được ?
Hàn Tín đáp :
- Bẩm Ðại nhân, đường sá dẫu hiểm trở đến đâu cũng không cản được chí hướng con người.
Ðằng công khen :
- Thế thì hiền sĩ quả là người có chí ? Vậy hiền sĩ đã xem bản văn chưa ?
- Thưa đã.
- Theo các khoản ấy hiền sĩ giỏi về khoản nào ?
Hàn Tín do dự một lúc rồi đáp :
- Mười ba khoản ấy vẫn chưa đủ.
Ðằng công ngạc nhiên hỏi :
- Còn thiếu khoản gì, theo ý hiền sĩ ?
Hàn Tín thưa :
- Còn thiếu một khoản : "văn võ song toàn, thông hiểu vũ trụ, ra tướng vũ, vào tướng văn, trăm trận trăm thắng, lấy thiên hạ như trở bàn tay, đũ sức làm Phá Sở Nguyên Nhung. . . ! " . Nếu Ðại nhân muốn sát hạch Tín thì phải thêm khoản ấy, còn như mười ba khoản kia chỉ là tài mọn riêng tay, dành cho những người thường, có gì đáng kể.
Ðằng công nghe nói giật nẩy người, mời Tín an tọa, và hỏi :
- Lâu nay nghe tiếng ngài, nay mới hân hạnh được hội kiến, quả thật lời đồn chẳng sai. Ngài đến đây không những do hồng phúc của chúa công tôi, mà còn đem lại hạnh phúc cho thiên hạ nữa. Vậy xin ngài vui lòng chỉ giáo .
Hàn Tín khiêm nhượng đáp :
- Ðại nhân đã rộng lượng, Tín này mới dám tỏ lời :
- Ðời nay làm tướng chỉ học thuộc lòng binh pháp mà không biết sử dụng thích đáng binh pháp . Như vậy dẫu có học thuộc hết Tôn, Ngô nhớ kỹ thao lược cũng vô ích ! Làm tướng giỏi phải biết học và biết dùng.
Ðằng công hỏi :
- Thế nào là biết dùng ?
Hàn Tín đáp :
- Tôi xin đan cử việc này : "Xưa, nước Tống có anh chàng học được môn thuốc gia truyền gọi là Quy thủ dược.
Phương thuốc đó chữa chứng cóng tay về mùa đông giá :rét hiệu nghiệm như thần. Hễ xoa vào tay thì không còn biết rét là gì nữa. Nhà anh ta ở gần sông, làm nghề thợ giặt , dẫu trời lạnh đến đâu anh cũng không sợ, và lấy cái nghề ấy làm kế sinh nhai, cha truyền con nối. Một hôm, có người khách mang một trăm nén vàng đến mua phương thuốc ấy. Anh ta suy hơn tính thiệt rồi nói với bọn gia nhân , làm nghề giặt chẳng qua kiếm gạo hàng bữa, chứ khi nào giàu được, chi bằng ta bán quách phương thuốc cho người này, lấy một trăm nén vàng, sống phong lưu suốt đời " . Bàn xong, anh ta nhận lấy vàng, đem phương thuốc trao cho khách. Người khách được phương thuốc, trở về nước Ngô, gặp lúc Ngô, Việt đang đánh nhau, trời đông rét mướt quân Ngô cóng tay không thể nào cầm vũ khí được Người khách đem thuốc vào yết kiến vua Ngô, thoa thuốc vào tay quân sĩ, tức thì không ai còn biết rét nữa, tung vũ khí đánh quân Việt chạy tán loạn" , ấy vậy, cùng một thứ thuốc mà người Tống dùng chỉ để làm nghề thợ giặt, còn người Ngô dùng lại dẹp được giặc, đem lại quốc hùng, dân an.
Ðằng công nghe xong, nói :
- Hiền sĩ quả là một thiên tài. Nhưng tại sao nớc Sở lại không dùng ?
Hàn Tín nói :
- Thưa ngài, Bá Lý Hề ở nước Ngu, nước Ngu bị mất, sang nước Tần, nước Tần được xưng vương. Như vậy đâu phải Bá Lý Hề ngụ tại nước Ngu, mà trí ở nước Tần ?
Người tài bao giờ cũng có ích cho nước nhà, chỉ khác ở chỗ biết dùng hoặc không biết dùng mà thôi. Tín tôi ở Sở đã lâu dâng sớ tỏ bày hơn thiệt, thế mà Hạng Vũ không dùng, nên Tín tôi mới bỏ Sở đến đây.
Ðằng công hỏi :
- Nếu Hán vương dùng ngài, ngài sẽ làm gì để thỏa mãn chí hướng ?
Hàn Tín nói :
- Tôi có thể giúp Hán vương tính thiên hạ. Trước hết lấy Tam Tần, sau đánh chư hầu, cắt hết vây cánh của Hạng vương rồi mới diệt Sở. Sở đã diệt, tất gồm thâu thiên hạ. Tôi chỉ sợ ngài tiến cử tôi không nổi, và Hán vương không biết dùng tôi mà thôi.
Ðằng công lắc đầu nói :
- Ngài nói quá lắm, tôi e việc làm không kịp lời nói chăng ? Vả như Hạng Vũ sức địch muôn người, binh hùng tướng mạnh, chỉ trong ba năm trời dựng nên nghiệp cả, bốn bể quy hàng, tự cổ kim chưa ai hơn đặng, hiền sĩ dám khinh thường sao ?
Hàn Tín nói :
- Không phải Tín tôi dám khoe, nếu nói mà không làm được còn gì thẹn hơn đối với lòng mình. Người Hán cho Hạng vương là vô địch, song với Tín tôi, tôi coi Hạng vương chỉ là một tuồng trẻ mi, không có gì đáng sợ.
Ðằng công nói :
- Thế thì thao lược hiền sĩ chắc có lẽ giỏi lắm nhỉ ?
Hàn Tín nói :
- Cái lối làm tướng phải học nhiều sách. vở, biết lẽ được thua, trên thông thiên văn, dưới hiểu địa lý, còn như giỏi thao lược cũng chưa đủ.
Ðằng công liền đem sách Lục thao, Tam lược đưa cho Hàn Tín xem. Hàn Tín không cần nhìn vào sách, ngồi đọc một lượt, từ đầu đến cuối không sai chữ nào. Lại đem nhâm, cầm, độn, giáp ra nói, miệng như nước chảy mây trôi, chẳng bao giờ dứt.
Ðằng công ngồi nghe Hàn Tín ứng đối từ sớm đến chiều vẫn chưa hết. Ðằng công nói :
- Cứ như tài học của hiền sĩ, không ai bỏ rơi được.
Ngày mai tôi xin vào tâu với Hán vương.
Hàn Tín nói :
- Xin đại nhân thư thả, để cho tôi có dịp vào yết kiến Tiêu Thừa Tướng đã, rồi hai ngài cùng tiến cử, thì Hán vương mới trọng, và Tín tôi mới có danh.
Ðằng công nói :
- Hiền sĩ nói phải lắm, chiều hôm nay tôi xin vào hầu Thừa Tướng trước, rồi hiền sĩ sẽ vào sau. Thế nào Thừa Tướng cũng vui lòng cùng hiền sĩ hội kiến.
Hàn Tín cáo từ trở về quán trọ.
Chiều hôm ấy, Ðằng công sang Tiêu Hà, thuật chuyện Hàn Tín bỏ Sở về Hán, và đã đem tài năng cầu tiến thân.
Tiêu Hà nói :
- Tôi nghe tiếng người ấy đã lâu, trước kia sống trong cơ hàn, lấy nghề câu cá nuôi thân, thường xin cơm Phiếu mẫu, lại chịu nhục luồn trôn Ðỗ Trung giữa chợ, thiên hạ đều chê cười cho là thằng nhát, sau chống gươm về Sở Hạng vương phong hàm Chấp kích lang. Phạm Tăng tiến cử nhiều lần, nhưng Hạng vương nhất quyết không dùng. Dĩ vãng người ấy như thế chưa chắc Hán vương đã chịu dụng.
Ðằng công nói :
- Tiếc thay một nhân tài như vậy mà không có dịp để thi thố tài năng. Tôi chắc người này nếu được trọng dụng hẳn làm nên việc cả.
Tiêu Hà nói :
- Thế thì mai ngài mời Hàn Tín đến đây chơi, xem thế nào ?
Hôm sau, Ðằng công sai quân đến nhà trọ, mời Hàn Tín đến yết kiến Tiêu Hà.
Ðến nơi, cổng kín tường cao, thâm nghiêm vô hạn, phải nhờ quan Tư hậu vào bẩm trước.
Qua một lúc, có tên Thơ lại bước ra nói :
- Xin mời hiền sĩ vào.
Hàn Tín vội theo chân vào phủ Thừa Tướng. Vào đến nơi, Hàn Tín đứng dưới thềm làm lễ, Tiêu Hà mời vào công đường, nói :
- Tôi vừa nghe Ðằng công khen hiền sĩ là bậc anh tài, nay lại hạ cố đến đây, tôi lấy làm vạn hạnh. .
Hàn Tín nói :
- Tín tôi ở Sở, nghe Hán vương là bậc minh quân, Thừa Tướng là người hiền đạt, nên từ nghìn dặm đến đây.
Trước tiếp Ðằng công lấy làm phật ý, nay gặp Thừa Tướng bỗng nhiên muốn về điền lý tiêu dao, không thích đem thân chịu nhục.
Tiêu Hà nói :
- Hiền sĩ đến đây cốt đem chí bình sinh, cứu dân giúp nước, cớ sao chưa gì đã thoái bộ ?
Hàn Tín nói :
- Tôi vào tiếp Thừa Tướng với ý nghĩa cao xa, chứ đâu phải vì bả vinh hoa, đem thân quy lụy ? Xưa vua nước Tề muốn nghe gảy đàn sắt, nước Tần có người gảy đàn hay, vua Tề hai ba lần sai người đến triệu. Một hôm, người ấy đến nước Tề, vua Tề ngồi trong cung, đòi người ấy vào gảy đàn, người ấy không bằng lòng gảy, nói : "Nếu vua không thích, tôi không bước chân đến sân nhà vua. Nếu vua thích thì phải bày đàn, đốt hương, hết lòng kính cẩn, tôi mới đem hết tài ra làm thỏa ý nhà vua. Nay vua ngồi, tôi đứng, đãi tôi như kẻ hầu, hà tất tôi phải chiều ý vua làm chi !" ấy, người gảy đàn còn giữ tư cách của mình, huống hồ một kẻ hào kiệt nhất đời. Thừa tướng đang lúc vì nước cầu hiền, lẽ phải bắt chước Chu cũng, đang ăn cũng phải nhả cơm, đang gội đầu cũng phải vẩy tóc nghênh tiếp hiền sĩ thì mới thu phục được anh tài hết lòng giúp sức. Tín tôi đến đây, Thừa tướng tiếp đãi một cách ngạo mạn, nên không muốn ở đây một giờ nào nữa.
Tiêu Hà vội vàng đứng dậy mời Hàn Tín vào nhà trong, dắt lên thượng tọa, chắp tay nói :
- Hà tôi thất lễ với hiền sĩ, xin hiền sĩ hỷ xả cho, và xin vui lòng chỉ giáo.
Hàn Tín nói :
- Ngài vì nước cầu hiền, tôi vì nghĩa vụ đến đây, chúng ta đều là kẻ đứng ngoài quan niệm tư kỷ. Ðã hiểu nhau rồi, việc lễ nghĩa đâu còn trọng nữa ! Thừa tướng muốn nghị luận việc gì trước ?
Tiêu Hà nói :
- Xin hiền sĩ cho biết việc trị loạn trong thiên hạ, và cái thế nguy, an của quốc gia :
Hàn Tín trầm tĩnh đáp :
- Bẩm Thừa Tướng, cái thế tranh thiên hạ cốt ở ba điều : "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa " . Quan Trung là nơi Thiên phủ, núi non hùng vĩ, đồng ruộng phì nhiêu, dân cư đông đúc, từ xưa, các bậc đế vương lấy đó làm nơi kiến đô, lập ấp nay Hạng vương không ở, thiên đô về Bành thành, thực không biết gì về địa lợi. Hạng vương đến đâu, thiên hạ cho là vô địch, nhưng chẳng qua kính trọng bề ngoài, còn bên trong đã nhuốm mầm phản loạn, dân chúng lại không phục, thế là mất hẳn điểm nhân hòa. Hạng vương giết vua Nghĩa Ðế giữa dòng Ðại giang thật vô đạo, lòng trời không dung được hành động dã man như vậy. Thế thì Hạng vương đâu phải là người đáng sợ như thiên hạ lầm .
Tiêu Hà hỏi :
- Còn Hán vương thì thào ?
Hàn Tín nói :
- Hán trước vào Hàm Dương lấy ba điều ước pháp ban bố cho dân, khiến dân mến đức, tiếng tốt đồn khắp xa gần. Nay tuy bị dồn vào Hán Trung, nhưng Hán Trung là nơi thuận tiện có thể dưỡng uy sức nhuệ, củng cố thực lực mình được. Bọn Chương Hàm trấn ở Tam Tần, dân chúng oán vọng, mong Hán vương trở lại làm vua Quan Trung, nếu ta đem quân ra phương Ðông, chắc trăm họ vì ta mà trợ chiến, chỉ một tiếng trống cũng đủ hạ Tam Tần, lấy Hàm Dương rồi. Nếu đã lấy được Hàm Dương thì cái thế thiên hạ sẽ về ta vậy.
Tiêu Hà hỏi :
- Theo ý hiền sĩ, lúc nào mới là dịp ra quân ?
Hàn Tín nói :
- Hạng vương thiên đô, chư hầu ly loạn, trăm họ đang nhao nhao chờ một minh quân làm chủ Tam Tần .
Nếu trễ nải, trong bốn nước chư hầu Tề, Ngụy, Triệu, Yên, có nước nào thu dụng được kẻ trí đem quân vào hướng Tây, trước lấy Hàm Dương sau lấy Tam Tần chẹn nơi hiểm yếu, thì quân Hán phải chết già trong đất Bao Trung này, khi nào ra khỏi được.
Tiêu Hà nghe đến câu ấy, ghé vào tai Hàn Tín nói nhỏ :
- Sạn đạo đã đốt rồi, làm thế nào mà xuất quân gấp được ?
Hàn Tín mỉm cười đáp :
- Ðốt Sạn đạo, Tử Phòng cốt làm mưu cho quân Sở không để ý đến Bao Trung mà thôi, hẳn Tử Phòng đã tìm được con đường khác thay cho Sạn đạo rồi ! Việc ấy làm sao bịt mắt được kẻ thức giả ?
Tiêu Hà nghe Hàn Tín nói thất kinh, chắp tay nói :
- Từ khi tôi đến Bao Tnmg chưa được nghe ai bày tỏ kiến thức sâu rộng như thế, hiền sĩ thực là kẻ anh tài.
Nói xong, gọi quân thắng ngựa, đưa Hàn Tín về tư dinh đàm đạo. Hai ngựa song kề, tâm hồn hoan hỉ.
Ðến nơi, yến tiệc đã bày sẵn chủ khách nâng ly, và khởi đầu câu chuyện hàn huyên.
Tiêu Hà hỏi :
- Nước nhà an nguy, quân cơ lợi hại đều do người làm tướng cả, vậy hiền sĩ cho biết đạo làm tướng phải thế nào .
- Bẩm Thừa Tướng, đạo làm tướng trước nhất phải có ,"năm tài" và tránh "mười lỗi". Năm tài là : Trí, nhân, tín dũng, trung. Trí thì biết cẩn thận, nhân thì biết thương người, tín thì không sai hẹn, dũng thì không ai dám phạm, trung thì không ở hai lòng. Còn mười điều lỗi : một là cậy vào cái dũng khinh thân mình, hai là gặp việc gấp thì nóng nảy, thiếu cẩn thận, ba là gặp lợi thì ham, bốn là vì lòng nhân không dám giết người , năm là ỷ lại vào sức mình không biết lo xa, sáu là tin mà không phòng, bảy là không chịu thu thập ý kiến mọi người, tám là việc đáng làm gấp mà do dự, chín là thiên vị, thiếu công bằng, mười là lười biếng, chỉ muốn sai người. Nếu có đủ "năm tài" và tránh được "mười lỗi" ấy, tất là tướng giỏi.
Tiêu Hà hỏi :
- Hiền sĩ xem các tướng bây giờ thế nào ?
Hàn Tín đáp :
- Trong thiên hạ kẻ có dũng lại vô mưu, kẻ có mưu lại thiếu dũng, đó là chưa nói đến những cá tánh bất lợi như : tự đắc, tự mãn, khoe khoang, kiêu ngạo. Có những cá tánh ấy không thành lương tướng được.
Tiêu Hà hỏi :
- Nếu hiền sĩ làm tướng thì thế nào ?
Hàn Tín đáp :
- Nếu Tín tôi làm tướng thì khác hẳn với tướng thời bây giờ. Tất cả đều theo như binh pháp, lấy văn mà dùng, lấy vũ mà định, động thì phát, tĩnh thì giữ. Lúc binh chưa ra thì tĩnh trông như núi Thái Sơn, lúc binh đã ra thì cuồn cuộn như nước sông Hoàng Hà, biến hóa như trời đất, hiệu lệnh như lôi đình. Mất có thể làm còn, yếu có thể làm mạnh; nguy có thể làm an được, cơ biến không biết đâu mà lường, quyết thắng từ ngoài nghìn dặm, binh uy không để một kẻ nào dòm ngó nổi, muôn vạn quân, trăm nghìn tướng không chỗ nào sai lầm. Lấy nhân mà dùng, lấy lễ mà dạy, lấy dũng mà khiến, lấy tín mà thờ. Cái lối làm tướng như thế, Thừa Tướng bằng lòng chăng ?
Tiêu Hà thấy Hàn Tín ứng đối như nước chảy , trí tuệ thông suốt, tấm tắc khen thầm, và tự nghĩ :
- Hán vương được người này thật là phúc lớn. Cái chức Phá Sở Ðại Nguyên soái trừ Tín ra không còn ai hơn nữa ?
Từ đây, Tiêu Hà giữ Hàn Tín nơi tư dinh, khiến quân hầu hạ, tiếp đãi như các bậc thượng khách.
Mặc dầu vậy, Hàn Tín vẫn giấu kỹ cái giốc thư của Trương Lương, không chịu đưa ra, chỉ dùng tài của mình để tiến thân mà thôi.
Còn Tiêu Hà từ khi gặp được Hàn Tín, lòng rất hoan hỉ, ngày đêm chuyện vãn, quên ngủ quên ăn.
Thật là :
Anh hùng rõ mặt anh hùng
Biết người giữa chốn bụi hồng mới cao
No comments:
Post a Comment