Mình là một người rất nóng tính...nên rất dễ nổi giận và điên máu... Theo khoa học, sự giận dữ sẽ sinh ra một loại chất cực độc có thể gây chết người. Người giận dữ quá nhiều và quá lâu sẽ biểu hiện ra bằng sự cằn cõi và khắc khổ 1 cách rõ nét trên khuôn mặt. Và mình không muốn sự giận dữ ảnh hưởng đến khuôn mặt đẹp trai của mình tí nào nên hôm nay mình sẽ đối diện với sự giận dữ bên trong bản thân mình và trò chuyện cùng nó để có thể thấu hiểu và điều khiển được nó.
Giận dữ là một trạng thái cảm xúc tiêu cực đến từ sự không hài lòng do ngoại cảnh tác động đến cái tôi cá nhân. Như vậy ở đây, chúng ta chia ra nguyên nhân và đối tượng bị tác động dẫn đến sự giận dữ. Nguyên nhân đa phần là đến từ yếu tố bên ngoài như một lời nói, một hành động,.. của một người nào đó, hoặc của chính bản thân chúng ta, chúng tác động và làm tổn thương đến cái tôi và lòng tự trọng của chúng ta. Con người, ai cũng có sự kiêu hãnh và lòng tự tôn riêng của mõi người. Ai cũng có sự hiếu thắng và nông nỗi của tuổi trẻ. Và chính sự nông nổi này, chính cái tôi non trẻ này là đối tượng bị công kích và dẫn đến nảy sinh những cảm xúc tiêu cực tác động trở lại đến yếu tố ngoại cảnh thông qua hành vi phi lý trí của chúng ta.
Chúng ta hãy lấy một ví dụ để làm rõ hơn nguồn gốc và những diễn biến của sự giận dữ này. Giả sử chúng ta đang ở trong tình huống, bị một người mà mình đánh giá thấp hơn mình, chỉ trích và phê phán mình chỉ là một kẻ vô dụng và ngu dốt. Điều gì sẽ xảy ra khi nghe những lời xúc phạm đó, từ những người như vậy? Đầu tiên, chúng ta đã có định kiến và ý kiến chủ quan của mình về 1 người nào đó, cái tôi của chúng ta luôn xem mình hơn người đó, từ đó nảy sinh 1 cảm giác xem thường người đó. Và khi nghe những lời xúc phạm và phê phán từ người đó đối với mình. Cái tôi của mình sẽ là người đầu tiên lên tiếng phản đối, tìm cách phản đối và phản bác lại những lời nói đó. Cái tôi của chúng ta quá lớn để chấp nhận lời chê bai từ một người không có quyền và tư cách chê bai mình. Nhưng liệu điều đó có hợp lý và chấp nhận được. Chúng ta dựa vào đâu mà xem thường người khác? Chúng ta dựa vào đâu mà nhận định ý kiến người khác là sai, là xúc phạm, là sỉ nhục,... Có chăng, chúng ta đang mong chờ sự khen người và công nhận từ người đó, công nhận là họ thua kém mình, công nhận mình là một người thông mình?
Phải chăng là cái tôi của chúng ta quá hẹp hòi và hạn hẹp để không chấp nhận nổi những lời sỉ nhục như thế? Phải chăng lòng rộng lượng của chúng ta không có hay không đủ lớn? Phải chăng chúng ta quá háo danh? Quá hiếu thắng? Quá nông cạn?
Với mình, sở dĩ mình nóng giận vì cái tôi của mình quá lớn, mình quá nông cạn, hẹp hòi và hiếu thắng, háo danh. Đó là những kẻ thù trong quá trình học hỏi và bồi dưỡng tính cách điềm đạm ở chúng ta.
Như vậy, làm sao để không nóng giận và không quan tâm đến nó? Thiết nghĩ chúng ta hãy bắt đầu bằng những điều rất nhỏ làm chúng ta tức giận. Khi tức giận, chúng ta hãy quan sát bản thân, những cảm xúc gì đang nảy sinh? Những câu nói phi lý trí nào chúng ta đã nói và muốn nói? Hãy độc thoại với chúng, xem chúng như kẻ thù để trừ khử... Chúng ta nên tập trung vào hơi thể mà quên đi điều làm mình tổn thương. Hay tích cực hơn, chúng ta hãy chấp nhận và nhượng bộ đối với người sỉ nhục mình. Những kẻ ngu mà tỏ ra nguy hiểm, sớm muộn gì mặt mày cũng trở nên khắc khổ và xấu xí...
Hãy xem lời thiên hạ như một cơn gió hè khó chịu, hãy bồi dưỡng tâm bình an như một cơn gió mát cho cuộc đời của mõi người....
No comments:
Post a Comment