Trong 15 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã 23 lần giảm lãi suất điều hành, thị trường chứng khoán thường ghi nhận đà tăng mạnh sau những lần này. Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất điều hành đã được điều chỉnh giảm 4 lần liên tiếp, liệu thị trường chứng khoán chuẩn bị bước vào một đợt tăng mới hay chưa?
Lãi suất và thị trường chứng khoán nhìn chung có tương quan chặt chẽ. Lãi suất giảm thúc đẩy dòng tiền sang các kênh đầu tư, trong đó bao gồm thị trường chứng khoán và ngược lại, lãi suất tăng hấp dẫn dòng tiền dịch chuyển từ đầu tư sang tiết kiệm như kênh tiền gửi.
Lãi suất thị trường chịu sự chi phối bởi lãi suất điều hành. Nói cách khác, thông qua lãi suất điều hành, Nhà điều hành tác động tới mặt bằng lãi suất ngắn hạn, qua đó tạo ảnh hưởng tới lãi suất trung – dài hạn, nhằm đạt được các mục tiêu của Chính sách tiền tệ. Vì vậy, ảnh hưởng từ sự thay đổi lãi suất điều hành tới đà tăng trưởng thị trường chứng khoán là hiện hữu.
Mục tiêu chính của Chính sách tiền tệ Việt Nam là ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, bên cạnh đó linh hoạt trong điều hành đảm bảo các cân đối lớn vĩ mô, trong đó có tỷ giá.
Trong môi trường lạm phát vừa phải, chính sách tiền tệ có thể nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng, phát triển kinh tế. Như vậy, chính sách tiền tệ nhìn chung phản ánh tổng thể cán cân vĩ mô. Thông qua lãi suất điều hành và cung tiền, Ngân hàng Nhà nước tác động tới lãi suất và thanh khoản thị trường, qua đó thực hiện các mục tiêu đề ra. Vì vậy, sự thay đổi trong lãi suất điều hành thể hiện ý chí và mục tiêu của Nhà điều hành trong từng giai đoạn, cũng như phản ánh thực trạng nền kinh tế bao gồm lạm phát, tỷ giá và tăng trưởng GDP.
Nhìn lại quá khứ, trong giai đoạn 15 năm qua, kể từ thời điểm tháng 6/2008 đến 11/06/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 23 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Phản ứng trước những lần giảm lãi suất này, chỉ số VN-Index vào thời điểm phiên giao dịch đầu tiên sau khi có thông báo, ghi nhận số lần tăng điểm chiếm phần hơn, với 12 phiên tăng.
Theo VietinBank Securities, sau giai đoạn Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành thường chứng kiến đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán. Điển hình, giai đoạn tháng 10/2008 - tháng 5/2009, Ngân hàng Nhà nước giảm 8% lãi suất điều hành (tương ứng 7 lần giảm liên tiếp) thì chỉ số VN-Index đã ghi nhận đà tăng mạnh tới 78,36% trong cùng giai đoạn.
Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước thông báo điều chỉnh giảm loạt lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 19/06/2023. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành. Tương ứng, trong giai đoạn này, chỉ số VN-Index đã tăng 6,8%.
Mối tương quan giữa thị trường chứng khoán và lãi suất huy động qua các giai đoạn
Giai đoạn 2008 – 2011: Thị trường chứng khoán trải qua giai đoạn rất khó khăn. Năm 2008, lạm phát của Việt Nam đã ở mức rất cao, 19,89%, buộc Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Lãi suất điều hành tăng mạnh trong năm 2008, từ mức 7,5% thời điểm cuối tháng 3 lên tới 15% vào tháng 6 và duy trì đến tháng 10, lãi suất huy động trong cùng giai đoạn cũng nâng lên ngưỡng rất cao, phổ biến trong khoảng 17,5 – 18,5%/năm, trước khi dần được điều chỉnh giảm về mức dưới 9%/năm vào thời điểm cuối năm 2008.
Bước sang năm 2009, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chinh chính toàn cầu, kinh tế trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, khiến cho Ngân hàng Nhà nước phải dần nới lỏng trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Trong năm 2009, lãi suất huy động được duy trì ở mức 9 – 9,5%/năm kỳ hạn 1 năm. Năm 2010, lạm phát quay trở lại mức cao 11,75% và tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do cao hơn tỷ giá chính thức. Năm 2011, lạm phát tăng 18,13% và chính sách tiền tệ tiếp tục được thắt chặt.
Trước diễn biến căng thẳng của các yếu tố vĩ mô, thị trường chứng khoán cũng chứng kiến biến động mạnh trong các năm, bắt đầu với việc chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm 65,73% năm 2008, tăng 160% trong giai đoạn từ 2/2009 - 10/2009, sau đó điều chỉnh giảm 30% và kết thúc ở mức 450-500 điểm vào năm 2010, cuối cùng lao dốc xuống 351 điểm vào năm 2011.
Có thể thấy, giai đoạn 2008-2011, lãi suất điều hành biến động tương đối lớn, nhìn chung gây bất ổn cho mặt bằng lãi suất thương mại, rủi ro chính sách tăng cao khiến thị trường chứng khoán tăng giảm thất thường. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận đà tăng mạnh trong các khoảng thời gian Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành và ngược lại, thị trường giảm sâu tại các giai đoạn lãi suất điều hành tăng.
Giai đoạn 2012 - 2014: Lạm phát ở Việt Nam giảm dần tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước nới lỏng tiền tệ. Nhà điều hành đã thực hiện giảm mạnh 8,5% lãi suất tái cấp vốn về mức 6,5%/năm, kéo theo đà giảm tương tự của mặt bằng lãi suất thương mại. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm đã giảm từ 14% đầu năm 2012 về mức 6,8% cuối năm 2014, tương ứng mức giảm khoảng 7,2%/năm; cùng với đó là lãi suất cho vay ngắn hạn cũng giảm đáng kể 7,5 - 9%/năm, từ mức 17 -19%/năm đầu năm 2012 về 9,5 - 10%/năm vào cuối năm 2014.
Thị trường chứng khoán đã chứng kiến đà phục hồi và tăng trưởng trong giai đoạn này, với việc chỉ số VN-Index tăng 41,27% trong năm 2012; 20,62% vào năm 2013 và lập đỉnh tại 640,75 điểm vào năm 2014.
Ở giai đoạn này, mối liên hệ giữa các chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước và thị trường chứng khoán đã bắt đầu rõ nét hơn khi Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm và duy trì ổn định lãi suất điều hành trong giai đoạn kéo dài. Chỉ số VN-Index đã có những bước tăng hết sức ấn tượng trong khoảng 150 phiên (tương ứng với 7 tháng) sau các quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Giai đoạn 2015 – 2018: Ngân hàng Nhà nước đã giảm thêm 0,25% lãi suất tái cấp vốn về mức 6,25%/năm trong năm 2017 và duy trì đến hết năm 2018. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm cũng ghi nhận giảm tương ứng, từ 6,8%/năm đầu năm 2015 về mức 6,5%/năm cuối năm 2018, nhìn chung giảm và ổn định trong phần lớn thời gian.
Thị trường chứng khoán giai đoạn này tăng giảm đan xen trong khoảng thời gian từ đầu năm 2015 - đầu năm 2016 và tăng mạnh trong giai đoạn 2017-2018, chỉ số VN-Index lập đỉnh ở mức 1.204,33 điểm thiết lập vào tháng 4/2018, sau đó quay đầu giảm mạnh trong phần còn lại của năm, trước sự ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.
Nhìn chung, thị trường giai đoạn này chịu tác động mạnh bởi các yếu tố nằm ngoài chính sách tiền tệ Việt Nam, như FED tăng lãi suất trở lại sau giai đoạn kéo dài duy trì chính sách “lãi suất zero” hay chiến tranh thương mại.
Trước áp lực từ thị trường tài chính quốc tế, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục giảm lãi suất điều hành, tuy không nhiều song duy trì ổn định trong khoảng thời gian kéo dài, cũng tạo động lực cho thị trường chứng khoán tăng trưởng trong từng giai đoạn, đặc biệt từ năm 2017 đến tháng 4/2018, chỉ số VN-Index liên tục tăng tới 79,28%.
Trong giai đoạn này, lãi suất điều hành giảm nhẹ và duy trì ổn định trong phần lớn thời gian. Thị trường chứng khoán chịu sự chi phối từ yếu tố tài chính quốc tế, làm giảm tính tương quan giữa lãi suất điều hành và thị trường chứng khoán. Song với sự ổn định của lãi suất điều hành, góp phần lớn giúp mặt bằng lãi suất thương mại được giữ ở mức thấp trong thời gian kéo dài, tạo động lực cho thị trường chứng khoán tăng điểm trong từng giai đoạn, đặc biệt trong khoảng năm 2017- tháng 4/2018.
Giai đoạn 2019 – 2021: Gắn liền với chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc và đại dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng. Chính sách tiền tệ ở hầu hết quốc gia đều nới lỏng, thông qua bơm tiền và cắt giảm lãi suất để kích thích tổng cầu. Việt Nam cũng giảm mạnh lãi suất điều hành.
Theo đó, lãi suất tái cấp vốn đã giảm từ mức 6,25%/năm đầu năm 2019 về mức 4,00%/năm vào cuối năm 2021. Lãi suất thương mại cũng giảm mạnh. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm từ mức 6,5%/năm về mức 5,7%/năm trong cùng giai đoạn. Đặc biệt lãi suất trên thị trường Liên ngân hàng có nhiều thời điểm giảm về cận 0%, cho thấy thanh khoản dư thừa, tăng trưởng tín dụng sụt giảm đáng kể.
Thị trường chứng khoán ghi nhận đà tăng kỷ lục giai đoạn này, đặc biệt từ cuối tháng 03/2020 đến hết năm 2021, với mức tăng khoảng 226,4%, thị trường lập đỉnh 1.500 điểm, cao nhất mọi thời đại.
Tác động từ lãi suất điều hành lên thị trường chứng khoán được thể hiện rất rõ nét trong giai đoạn này. Việc Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất và bơm tiền dẫn tới mặt bằng lãi suất thương mại giảm mạnh và duy trì ở mức thấp trong hầu hết thời gian. Lãi suất thấp là nguyên nhân chính dẫn tới dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Chỉ số VN-Index tăng ngoạn mục, vượt mốc lịch sử 1.500 điểm trong trong năm 2021.
Giai đoạn 2022: Kinh tế thế giới mở cửa trở lại làm gia tăng nhu cầu về hàng hóa, cộng hưởng cùng xung đột Nga-Ukraine nổ ra và chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy lạm phát toàn cầu tăng cao.
Chính sách tiền tệ trên thế giới đảo chiều thắt chặt. Hoa Kỳ đi đầu trong làn sóng tăng lãi suất điều hành, với mức tăng kỷ lục 4,25% trong năm 2022, tạo áp lực lớn lên tỷ giá USD/VND, buộc Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất tiền đồng tương ứng.
Tỷ giá VND/USD có lúc tăng lên trên 8% trong năm 2022, trở thành trọng tâm điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hai lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, trong đó điều chỉnh tăng một loạt lãi suất điều hành với biên độ tổng cộng 0,8 – 2,0%/năm tùy loại lãi suất, sử dụng dự trữ ngoại hối, phát hành tín phiếu và hút ròng đồng VND trên thị trường Mở, kéo lãi suất VND tăng cao, cân xứng với đà tăng của lãi suất USD.
Lãi suất tăng mạnh kéo dòng tiền rút giảm từ thị trường chứng khoán sang kênh tiết kiệm. Trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường giảm mạnh nhất thế giới. Chỉ số VN-Index đã để mất 32,2%, trở về sát ngưỡng tâm lý 1.000 điểm. Thanh khoản thị trường cũng giảm sút tới 20% so với bình quân năm 2021.
Tương quan giữa lãi suất điều hành và thị trường chứng khoán trong năm 2022 tương đối chặt chẽ. Đà tăng lãi suất điều hành đi kèm các động thái hút tiền liên tục từ Ngân hàng Nhà nước đã kéo mặt bằng lãi suất thương mại tăng rất mạnh. Lãi suất tăng hấp dẫn dòng tiền từ các kênh đầu tư sang tiết kiệm. Dòng tiền rút khỏi thị trường chứng khoán và chỉ số VN-Index giảm kỷ lục trong năm.
VietinBank Securities nhận định, có thể nhận thấy, trong suốt giai đoạn 15 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, lãi suất điều hành giảm và duy trì trong thời gian đủ lớn thì thị trường chứng khoán thường tăng mạnh và ngược lại giảm khi lãi suất điều hành tăng hoặc thiếu tính ổn định.
Duy Quang
No comments:
Post a Comment