;
BACK
>

Tuesday, December 24, 2013

Ba bước đơn giản để có 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, hàng năm nước ta có thêm hàng chục nghìn doanh nghiệp cùng hàng chục nghìn tỷ đồng vốn mới được các nhà đầu tư bỏ ra để thành lập các doanh nghiệp này. Nguồn vốn ấy đã góp phần không nhỏ trong việc tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn lao động, đóng góp cho ngân sách và tạo ra nhiều của cải cho xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải tất cả số vốn góp để thành lập doanh nghiệp đều là tiền hay tài sản và được đánh giá đúng với giá trị thật của nó. Trong nhiều trường hợp, tài sản và vốn của các công ty được nhà đầu tư nâng lên nhiều lần và không phản ánh đúng tình hình tài chính của đơn vị.
Quả thực, không khó để có một công ty với 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Có thể xem xét một vài bước đơn giản như sau:
Bước 1a: Đăng ký nhưng không góp vốn
Ba bước đơn giản để có 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ (1)
Ông Lê Việt Hùng - Giám đốc bộ phận Kiểm toán, KPMG Việt Nam
Đăng ký thành lập Công ty TNHH ẢO có vốn điều lệ đã góp trên báo cáo tài chính từ nhà đầu tư X là 2.000 tỷ đồng nhưng lại hạch toán một khoản phải thu về góp vốn là 1.000 tỷ đồng từ chính nhà đầu tư này.
Hạch toán như vậy làm tài sản và vốn chủ sở hữu của công ty được ghi khống lên 1.000 tỷ đồng.
Dù được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam nhưng đây là cách hạch toán hoàn toàn sai do Chế độ Kế toán Việt Nam quy định vốn góp bằng tiền chỉ được ghi nhận khi công ty nhận được tiền góp vốn.
Tuy vậy, nếu sử dụng cách “ghi khống” sau thì lại hoàn toàn hợp lệ theo Chế độ Kế toán Việt Nam
Bước 1b: Góp vốn bằng cách nhận trả hộ một khoản nợ với một công ty khác của nhà đầu tư
Cho Công ty ẢO vay 1.000 tỷ đồng từ công ty C (cũng thuộc sở hữu của nhà đầu tư X). Tiếp đó, X góp vốn bằng cách nhận thanh toán hộ Công ty ẢO khoản vay từ công ty C kể trên. Như vậy, Công ty ẢO sẽ ghi tăng vốn góp và giảm phải trả cho công ty C, còn công ty C sẽ chuyển khoản phải thu từ Công ty ẢO sang phải thu nhà đầu tư X, cũng chính là chủ sở hữu của mình.
Hình thức góp vốn này tương đối phổ biến trong các tập đoàn kinh tế tư nhân khi mà mối quan hệ về kinh doanh và sở hữu khá phức tạp. Xét về bản chất thì tình huống 2 cũng giống tình huống 1 khi nhà đầu tư X tăng vốn góp của mình tại Công ty ẢO khi chưa bỏ ra một đồng tiền nào cả.
Tuy nhiên, đây lại là việc làm hợp lệ do Công ty ẢO tuy chưa nhận tiền mặt nhưng lại đã giảm được một khoản nghĩa vụ nợ của mình (tương đương với nhận tiền góp vốn và thanh toán nợ phải trả).
Như vậy, sau bước đầu tiên (một trong hai cách 1a hoặc 1b ở trên), vốn điều lệ của Công ty Ảo đã tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng
Bước 2: Kê khống giá trị tài sản góp vốn
Việc làm này tuy không hợp lý nhưng lại được pháp luật cho phép.
Hai nhà đầu tư Y và Z tiếp tục góp vốn vào Công ty ẢO, trong đó Y sẽ góp vốn bằng cổ phiếu của một công ty chưa niêm yết và Z góp vốn bằng một mảnh đất, giả dụ đều có giá trị thị trường là 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên khi góp vốn, hai nhà đầu tư đều đồng ý sẽ định giá cổ phiếu và đất lên 5 lần so với giá trị thị trường của chúng. Điều này làm cho Công ty ẢO sẽ ghi nhận tài sản và vốn lên 5 lần so với giá trị thực góp thêm. Như thế, bây giờ Công ty ẢO đã có thêm 2 x 100 tỷ đồng x 5 lần = 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ từ những tài sản kém thanh khoản và không rõ giá trị.
Việc làm này tuy không hợp lý nhưng lại được pháp luật cho phép. Luật doanh nghiệp có quy định rằng trong trường hợp góp vốn khi thành lập doanh nghiệp thì tài sản góp vốn không phải bằng tiền sẽ được ghi nhận trên cơ sở giá trị được nhất trí bởi các thành viên, cổ đông sáng lập. Về mặt kế toán, tài sản được ghi nhận hơn 10 lần so với giá trị thị trường của chúng.
Mặt khác Việt Nam lại chưa có hướng dẫn về lập dự phòng cho khoản đầu tư góp vốn hoặc đầu tư vào các cổ phiếu không có giao dịch trên thị trường nếu như đơn vị nhận đầu tư / đơn vị phát hành các cổ phiếu này không bị lỗ cũng như không có chuẩn mực kế toán về ghi nhận tổn thất tài sản nên cổ phiếu và đất vẫn được hạch toán trên cơ sở giá trị xác định để góp vốn.
Sau bước này, vốn điều lệ của Công ty Ảo sẽ tăng thêm 1.000 tỷ đồng nữa, và đạt con số 3.000 tỷ đồng như yêu cầu. Câu hỏi đặt ra là xử lý thế nào với 1.000 tỷ đồng vốn góp ban đầu?
Bước 3: Góp vốn xong, “vay” lại khoản đã góp
Tài sản và vốn góp của nhiều công ty đang được ghi nhận cao hơn nhiều lần so với giá trị thực của chúng.
Công ty ẢO đã thực nhận vốn góp từ nhà đầu tư X là 1.000 tỷ đồng. Bây giờ X chỉ cần đứng ra vay lại, hoặc sắp xếp cho một công ty E (cũng của X) vay lại, từ Công ty ẢO toàn bộ số tiền 1.000 tỷ đồng kể trên. Cách làm tương tự cũng có thể áp dụng với số tiền 1.000 tỷ đồng đã vay từ Công ty C nếu dùng bước 1b.
Như vậy, tiền thật đã lại về tay X, nhà đầu tư này không mất đồng nào nhưng đã có một công ty với 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ.
Nghiệp vụ vay lại khoản vốn đã góp này tuy không có gì sai về mặt pháp lý nhưng về bản chất, nó cũng chẳng khác gì Công ty ẢO đang ghi nhận một khoản phải thu vốn góp từ nhà đầu tư giống như bước 1a.
***
Như vậy, nếu ở bước 1a, đơn vị hạch toán sai thì ở bước 1b, 2, và 3 lại là các tình huống hợp lệ và phổ biến trên thực tế. Tài sản và vốn góp của nhiều công ty đang được ghi nhận cao hơn nhiều lần so với giá trị thực của chúng. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà đầu tư cần phải chú ý hơn về các nghiệp vụ này.
Các nghiệp vụ góp vốn không bằng tiền và các giao dịch quan trọng với nhà đầu tư và các bên liên quan đều phải được thuyết minh trong báo cáo tài chính của các công ty theo quy định của Chuẩn mực Kế toán Việt Nam.
Người sử dụng báo cáo tài chính cần đặc biệt chú ý đến thông tin liên quan đến các bên liên quan và các giao dịch phi tiền tệ khi phân tích báo cáo tài chính của các đơn vị mình quan tâm.
Lê Việt Hùng

No comments:

Post a Comment