;
BACK
>

Friday, December 20, 2013

Học các tỷ phú bí quyết đầu tư thời khủng hoảng


Năm 2010, vượt lên Bill Gates, Caros Slim trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới với tổng tài sản 53,5 tỷ đô la Mỹ, và cũng là người Mỹ la tinh duy nhất trong danh sách top 10 theo xếp hạng của Forbes. “Có thể vượt qua nghèo đói bằng sự trợ giúp của giáo dục và công việc. Nhưng không cần thiết phải dạy con người cách câu cá. Thay vì đưa cho họ con cá một cách đơn giản hay dạy họ cách câu cá thì cần dạy cho họ làm thế nào để bán con cá, để họ có tiền mua những thứ khác”, Slim chia sẻ.
Nguyên tắc hành xử trên thương trường của Carlos Slim là, mua tất cả những cái gì có thể mua được để giành lấy thế độc quyền trong bất cứ một lĩnh vực hứa hẹn sinh lời nào. Điều quan trọng ở đây là không được lầm lẫn khi lựa chọn cổ phiếu.

Carlos Slim Helu: Đừng chỉ dạy câu cá thôi, hãy dạy làm thế nào để bán được cá

Đồng thời, một bí quyết giúp ông thành công nữa đó là tạo dựng các mối quan hệ tốt và luôn nhạy bén với bất kỳ biến động nhỏ của thị trường. Caros Slim nhạy bén đến mức mà người ta cho rằng ông “sờ vào cái gì là cái đó biến thành vàng”.
Carlos Slim Helu.
“Sau khi đã có cơ sở vững vàng rồi, hãy tìm mọi cách để mở rộng mạng lưới kinh doanh của mình”, đó là bài học thứ 3 mà tỷ phú gốc Mexico muốn chia sẻ. Cùng với đó là lối sống giản dị, tiết kiệm và tinh thần làm việc hết mình đã giúp ông thành công. “Hãy loại bỏ những sự dư thừa ngay cả trong những lúc dễ dàng nhất của cuộc đời mình, vì điều này sẽ giúp ta ổn định trong những giai đoạn gặp nhiều khó khăn lớn nhất”, ông nói.

Sheldon Adelson – Cơ hội kinh doanh như những chuyến xe bus

Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố làm nghề lái taxi, mẹ ở nhà dệt len, tuổi thơ của Sheldon vất vả hơn rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Học hành dở dang, hơn 10 tuổi, cậu bé nghèo chọn nghề bán báo dạo làm kế sinh nhai. Ngoài ra, cậu còn nhận làm đủ mọi nghề khác nhau để kiếm sống. Khi thì bán bánh kẹo, khi thì phát tờ rơi.
Tỷ phú Sheldon Adelson.
Ông vươn lên vị trí người giàu thứ ba thế giới vào năm 2006, 2007 và 2008 với gia sản 26 tỷ USD và biệt danh "vua sòng bạc". Vào thời điểm hoàng kim này, mỗi giờ ông thu về lợi nhuận gần một triệu đô la Mỹ nhờ hệ thống casino sang trọng trải từ Las Vegas (Mỹ) đến Macau (Châu Á). Tốc độ làm giàu này chưa tỷ phú nào đạt được. Theo các nhà nghiên cứu khởi nghiệp, con đường đến với thành công của Sheldon Adelson có thể được đúc kết qua các bài học dưới đây.
Luôn tin vào cơ hội mới: Cơ hội kinh doanh như những chuyến xe bus đến và đi. Nếu không lên kịp chuyến thứ nhất, hãy đợi chừng mười phút để đón chuyến thứ hai hoặc thứ ba… Cơ hội kinh doanh chẳng bao giờ hết cả.
Làm kinh doanh phải chặt chẽ: Khi kinh doanh phải nghiêm khắc và chặt chẽ, chúng ta phải kiểm tra và siết chặt từng con ốc thì cỗ máy doanh nghiệp mới vận hành tốt được.
Tập phát triển tầm nhìn: Tầm nhìn của các doanh nhân không phải tự nhiên có mà mỗi người phải học cách phát triển nó bằng cách quan sát, phân tích và dự đoán tương lai của doanh nghiệp mình, sau đó so sánh kết quả và tự hỏi bản thân có thể làm tốt hơn không.
Sẵn sàng đối mặt rủi ro: Nếu không có rủi ro thì sẽ không bao giờ có lợi nhuận cao.

Warren Buffet: Đừng bao giờ cho hết tất cả số trứng vào một rổ

Được xem là nhà đầu tư thành công nhất thế giới, cổ đông lớn nhất kiêm giám đốc hãng Berkshire Hathaway, tỷ phú Warren Buffet cũng luôn coi “tận dụng cơ hội và đi tắt đón đầu” là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh doanh của ông. Trong thời kỳ kinh tế thế giới khủng hoảng, tỷ phú Warren Buffett đã thực hiện nhiều đợt mua cổ phiếu lớn, qua đó hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp. 5 năm sau, giá trị của các khoản đầu tư này đã lên tới 10 tỷ USD và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây là một minh chứng cho châm ngôn kiếm tiền ưa thích của vị tỷ phú 83 tuổi: "Sợ hãi khi người ta tham lam nhưng hãy trở nên tham lam khi kẻ khác sợ hãi".
Mạnh dạn đầu tư vào các công ty đang gặp khó khăn giúp Warren Buffett thu về hàng tỷ USD mỗi năm.
Những nguyên tắc đầu tư mà Warren Buffet luôn nhấn mạnh. Nguyên tắc số 1: Đừng bao giờ để mất tiền. Nguyên tắc thứ 2: đừng quên nguyên tắc số 1.
Nguyên tắc kiếm tiền: Đừng bao giờ phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất. Hãy đầu tư để tạo ra nguồn thứ hai. Nguyên tắc tiêu tiền: Nếu bạn cứ mua những thứ bạn không cần thì sớm muộn gì bạn cũng phải bán những thứ mình cần. Nguyên tắc tiết kiệm tiền: Không nên tiết kiệm những khoản còn lại sau chi tiêu, mà hãy tiêu những khoản còn lại sau khi tiết kiệm.
Nguyên tắc mạo hiểm: Đừng bao giờ thử độ sâu của dòng sông bằng cả hai chân. Nguyên tắc đầu tư: Đừng bao giờ cho hết tất cả số trứng vào một rổ.

Micheal Dell: Hãy bán cho khách hàng cái mà họ cần, chứ không phải cái doanh nghiệp sản xuất được.

Từ một nhân viên rửa bát thuê với mức lương 2,3 USD/giờ, ông trùm thế giới máy tính - Micheal Dell đã vươn lên trở thành 1 trong những tỷ phú hàng đầu thế giới trong nhiều năm qua. "Ngay từ khi khởi nghiệp, toàn bộ quá trình kinh doanh của chúng tôi - từ khâu thiết kế, sản xuất đến khâu bán hàng đều được định hướng quanh việc lắng nghe ý kiến của khách hàng, trả lời khách hàng và cung cấp cho khách hàng những gì họ muốn", Michael Dell cho biết.
Hướng tới khách hàng luôn là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của Micheal Dell.
Cung cấp tận tay khách hàng chính xác những gì họ muốn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của Dell. Ngoài ra, giá cả cũng là một nhân tố cần chú ý. Thành công của Dell không chỉ xuất phát từ việc đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng bằng những sản phẩm có chất lượng tốt nhất mà còn với mức giá hợp lý nhất. "Chúng tôi bắt đầu công việc kinh doanh bằng việc sản xuất theo đơn đặt hàng của khách hàng. Có điều khá thú vị là chúng tôi đã không tiến hành sản xuất hàng loạt vì chúng tôi thấy trước mình sẽ trở thành một khối cồng kềnh và nặng nề trong tương lai, nhưng cơ bản là chúng tôi không có một chút vốn nào để sản xuất hàng loạt", Dell tiết lộ.
“Cố gắng đừng bao giờ tỏ ra là người thông minh nhất trong phòng. Và cho dù bạn là người thông minh nhất đi chăng nữa thì tôi cũng khuyên bạn nên tìm kiếm người thông minh hơn, hoặc chuyển sang một phòng khác. Trong giới chuyên môn, việc này được gọi là xây dựng mạng lưới làm việc. Trong các tổ chức, đó là xây dựng đội ngũ. Và trong cuộc sống, nó chính là tạo dựng các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè, và cộng đồng. Chúng ta đều là những món quà dành cho nhau, và trong suốt quá trình phấn đấu trở thành một nhà lãnh đạo, tôi đã hiểu ra một điều quan trọng rằng những kinh nghiệm quý báu nhất đều xuất phát từ các mối quan hệ của tôi" – Michael Dell chia sẻ với các sinh viên tại lễ tốt nghiệp Đại học Texas năm 2003.
Theo Khám phá

No comments:

Post a Comment