Các thế lực tâm lý hùng mạnh đang đe dọa sự phồn vinh của nhiều quốc gia cùng nhiều dân tộc, và loài người có thể sẽ còn phải đối mặt với những cơn ác mộng còn tồi tệ hơn cuộc Đại khủng hoảng 1929.
Thông tin:
Tên sách: Tinh thần động vật và Tâm lý bầy đàn Tác giả: George A. Akerlof và Roberrt J.Shiller Biên dịch: Thanh Vân, Bùi Lan (Micronet) Giới thiệu nội dung: Các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã minh chứng một sự thật xương máu rằng Từ niềm tin mù quáng về sự gia tăng vô tận của thị trường bất động sản cho tới sự sụt giảm về niềm tin vào thị trường tư bản, “Tâm lý bầy đàn” đang từng bước nắm quyền thao túng mọi sự kiện tài chính toàn cầu. Bằng việc cho ra đời tác phẩm Tinh thần động vật & Tâm lý bầy đàn, hai nhà kinh tế học Geogre A. Akerlof và Robert J. Shiller đã lên tiếng thách thức những kiến thức kinh tế truyền thống đang đẩy loài người vào vòng tròn hỗn loạn của thị trường tài chính, cũng như tuyên bố một cái nhìn táo bạo mới góp phần làm thay đổi bộ mặt các nền kinh tế và phục hồi sự thịnh vượng. Bên cạnh đó, Akerlof và Shiller một lần nữa tái khẳng định vai trò cần thiết của một chính phủ năng động trong việc hoạch định chính sách thông qua phương thức kiểm soát “Tâm lý bầy đàn”, một thuật ngữ được giáo sư John Maynard Keynes sử dụng để mô tả bầu không khí u ám và ảm đạm đã sản sinh ra Cơn Ác mộng 1929. Thông qua học thuyết của Keynes, Akerlof và Shiller đã giúp bạn đọc hiểu tường tận hơn điều gì đã góp phần tạo nên cái gọi là “Tâm lý bầy đàn” - sự tự tin, sợ hãi, lừa dối, tham nhũng, niềm tin vào công lý - cùng những câu chuyện chúng ta vẫn thường kể cho nhau nghe về sự thịnh vượng của nền kinh tế. Tác phẩm cũng đồng thời là lời biện giải chân thực cho sự thất bại của những học thuyết kinh tế hiện đại như Học thuyết Reagan và Thatcher. Hãy cùng nhau tìm hiểu xem bằng cách nào mà các nhà lãnh đạo thế giới có thể thao túng được những đám đông đang điên cuồng – những thế lực tâm lý hùng mạnh đang sục sôi trong thế giới hiện đại. Một số trích đoạn: Cuộc sống đôi khi có những khoảnh khắc thật kỳ diệu. Trong cuốn Chiếc bát vàng (The Golden Bowl) của Henry James, khoảnh khắc đó chỉ là một ánh mắt thoáng qua - rồi sau đó, người đàn bà thừa kế người Mỹ biết rằng những ngờ vực của mình là chính xác: Chồng mình và vợ của cha mình thậm thụt với nhau. Đối với nền kinh tế thế giới thì ngày 29 tháng 9 năm 2008 là một khoảnh khắc như thế. Quốc hội Mỹ đã từ chối (mặc dù sau này họ đã thay đổi quyết định) thông qua kế hoạch giải cứu trị giá 700 tỉ đô la của Bộ trưởng Bộ Tài chính Henry Paulson đề xuất. Chỉ số thị trường chứng khoán Dow Jones sụt mất 778 điểm. Các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới sụp đổ. Thật ngạc nhiên, những gì tưởng chừng như chỉ là một viễn cảnh xa vời - sự lặp lại của cuộc Đại Suy thoái - giờ lại trở thành một khả năng thực sự. Vào giai đoạn giữa của cuộc Đại Suy thoái, John Maynard Keynes đã xuất bản cuốn Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ (The General Theory of Employment, Interest and Money). Trong kiệt tác được xuất bản vào năm 1936 này, Keynes đã cho thấy làm thế nào mà các Chính phủ tín dụng đáng tin như Hoa Kỳ và Anh có thể vay và chi, nhờ đó mang lại công ăn việc làm cho người thất nghiệp. Đơn thuốc này đã không được áp dụng một cách có hệ thống trong suốt thời kỳ Suy thoái. Chỉ đến lúc cuộc Đại Suy thoái qua đi, các nhà kinh tế mới bắt đầu đưa ra định hướng rõ ràng cho các chính trị gia. Thế nên các nhà lãnh đạo mới lúng túng như gà mắc tóc. Cho đến khi việc vay và chi theo đúng tinh thần của Keynes rốt cuộc cũng diễn ra để chống lại chiến tranh thì tình trạng thất nghiệp biến mất. Đến thập niên 1940, đơn thuốc của Keynes đã trở nên chuẩn mực đến mức nó được áp dụng ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới, và thậm chí còn được trân trọng đưa vào luật. Ở Hoa Kỳ, Đạo luật Việc làm (Employment Act) năm 1946 quy định việc giải quyết công ăn việc làm đầy đủ là trách nhiệm của liên bang. Đúng vậy, cuộc đời có những lúc thăng trầm. Đã có những bước nhảy vọt lớn, chẳng hạn như nước Nhật vào thập niên 1990, Indonesia sau năm 1998, và Argentina sau 2001. Thế nhưng cái nhìn toàn cảnh về nền kinh tế thế giới cho thấy rằng toàn bộ thời kỳ hậu chiến đã, đang và sẽ tiếp tục là một thành công. George W. Bush đã có nhận xét sắc sảo về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời như sau: “Phố Wall say mất rồi.” Nhưng lời giải thích vì sao Phố Wall say, vì sao Chính phủ tạo ra những tiền đề cho phép nó say để rồi ngồi ngẩn ra trong khi nó tự tung tự tác, thì lại phải xuất phát từ một học thuyết về nền kinh tế và cách vận hành của nó. Nó hình thành từ sự cắt xén đều đặn Lý thuyết tổng quát của Keynes, bắt đầu ngay sau khi nó được xuất bản lần thứ nhất và rồi trở nên có tác động mạnh mẽ hơn vào thập niên 1960 và 1970. Trong quan điểm mà hiện nay đã trở thành ngành kinh tế học vĩ mô hiện đại này, họ cho rằng các nhà kinh tế học hoàn toàn không nên để mắt tới tinh thần động vật. Và thế là các nhà kinh tế học cổ điển theo trường phái tiền Keynes với quan điểm không tồn tại tình trạng thất nghiệp phi tự nguyện lại được vực dậy, không phải là không có ít mỉa mai. Tinh thần động vật đã bị quẳng vào chiếc sọt rác của lịch sử tri thức. Cuốn sách vốn được lấy ý tưởng về một lĩnh vực mới nổi có tên gọi là kinh tế học hành vi (behavioral economics) này mô tả về cách thức vận hành thực sự của nền kinh tế. Nó mô tả hoạt động của nền kinh tế khi người ta thực sự là con người, với đầy đủ phần con và phần người. Và nó cũng giải thích tại sao việc phớt lờ nhận thức về cách thức vận hành thực sự của nền kinh tế đã dẫn tới tình trạng hiện nay của nền kinh tế thế giới, với sự sụp đổ của các thị trường tín dụng và nguy cơ sẵn sàng sụp đổ của nền kinh tế thực tại. Học thuyết này là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh suy thoái hiện nay. Trên hết, các nhà hoạch định chính sách cần phải biết làm những gì. Và học thuyết này cũng rất cần thiết cho những người đã có những trực giác đúng đắn, chẳng hạn như Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang, Ben Bernanke. Chỉ khi nhận thức rõ ràng những gì mà học thuyết này cung cấp thì họ mới có đủ sự tự tin cũng như trí tuệ đúng đắn để theo đuổi khát vọng của mình về những biện pháp thực sự cứng rắn cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Theo Alphabooks
|
No comments:
Post a Comment