Nhẫn nhẫn nhẫn. Trái chủ oan gia tùng thử tận. (Thân nhẫn, miệng nhẫn, tâm nhẫn. Thì những điều trái chủ oan gia từ đây dứt hết).
Thư pháp Thiền là nơi hội tụ của nghệ thuật và trí tuệ giác ngộ (Stephen Addis). Vì vậy ngôn ngữ của thư pháp là cái đã đi qua văn tự để đến chỗ siêu việt văn tự; từ đó giúp chúng ta ngộ được nhiều điều trong cuộc sống. Như chữ “Nhẫn” chẳng hạn, chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của chữ “Nhẫn” trên các tác phẩm thư pháp.
Theo thiển ý của tôi, viết lên chữ “Nhẫn” để gởi đến mọi người mà chỉ làm cho họ hiểu được nhẫn tức là nhẫn nhịn, nhẫn nhục, kiên nhẫn thì chưa phải là cao tay. Hãy thể hiện những gì biểu hiện lên nó, toát lên nó. Chữ nhẫn không phải đơn giản là bốn chữ cái ghép lại mà hãy tưởng tượng ra những gì tác dụng từ nó và ý nghĩa nhân sinh hàm chứa. Rồi nung nấu để khi bức tranh chữ “Nhẫn” được đặt ở vị trí, môi trường nào người ta sẽ nhận thức được ý nghĩa, giá trị của nó phù hợp với vị trí, môi trường ấy. Đó là điều thâm sâu trong thư pháp.
NHẪN TRONG ĐẠO VÀ ĐỜI.
Chữ “Nhẫn” đứng đầu trên muôn hạnh, là đạo đức cần thiết của con người. Nhất là người tu đạo. Cách đây ngót hai ngàn năm, sách Gia Huấn của Liễu Tần người đời Đường đã dạy chúng ta: “Tu dưỡng mình thì phải lấy sự nhẫn làm chính, lấy hiếu làm nền tảng, lấy sự kính cẩn làm cội gốc, lấy sự lo sợ làm lẽ thường và lấy cần kiệm làm khuôn phép. Phàm cư xử với người nhà thì trước hết phải lấy sự hòa thuận và nhẫn nhịn. Phàm giao du với người ngoài thì luôn phải biết giữ sự giản dị và cung kính. Phàm làm việc ghi chép thì bút phải luôn tay như thể không làm kịp việc. Phàm là danh lợi thì chỉ coi như việc thoáng qua. Làm quan thì phải thanh liêm, có thế mới mong nói chuyện gia giáo được. Xưa nay, những danh gia vọng tộc hưởng phước ngắn dài, vận mệnh dày dặn hay bạc bẽo chẳng cần dùng mu rùa để bói, cũng chẳng cần xem tướng số ở đâu, chỉ cần tự xét lòng mình, tự coi là cách tu dưỡng của mình mà thôi. Những nhà có đại phúc, không ai là không do đức nhẫn, đức trung hiếu và cần kiệm của cha ông gầy dựng nên. Những nhà tự chuốc lấy đại họa, không nhà nào là không do con cháu vô đạo, kiêu sa và chấp nhất gây ra”. Đạo sư Shantidira đã nói:
Mọi hạnh phúc trên đời
Đến từ lòng vị tha
Và tất cả khổ nạn
Đến từ lòng vị kỷ
Thật vậy, bạn muốn tương lai bạn ra sao thì phần lớn nó sẽ ra như vậy. Có người cho rằng cuộc đời tốt, xấu là do số mệnh “bôn ba không qua thời vận”. Chúng ta không hoàn toàn phủ nhận điều này. Song, số mệnh của con người ra sao thì không biết, nhưng đã có không ít những con người nhờ lòng kiên nhẫn, ý chí vượt khó đã có tác dụng chi phối cuộc sống. Đất nước cũng như gia đình nào cũng vậy, phồn vinh giàu có đều do những người tài ba mẫn cán tạo dựng. Số mệnh cả một dân tộc cũng vậy đều do những bộ óc siêu việt đổi đời. Bởi vì, ở đời chỉ có người tài mới dùng được những người tài, chỉ có những người kiên nhẫn thành tâm mới có được tất cả. Hiện nay chúng ta, tuy sinh ra giữa thời đại văn minh hiện đại nhưng vẫn còn đầy dẫy những khó khăn, phức tạp. Do đó mà tuổi trẻ, một số dễ dàng mất niềm tin vào cuộc sống từ những hiện tượng xã hội, từ những thoái hóa của lương tâm con người. Thế là có một số nhảy từ nền nếp gia phong sang một thái cực khác, mà hầu hết các giá trị coi là đảo lộn. Người ta gọi đó là những “con thiêu thân”. Nó đã đưa không ít cuộc đời đến chỗ cùng đường trong sự lười biếng trụy lạc. Từ đó dẫn đến bại hoại gia đình và suy đồi dân tộc. Nếu có dịp đi qua một số nơi triển lãm tranh thư pháp, chí ít bạn sẽ thấy một bức chữ “nhẫn” thật to người ta treo ở đó. Chữ nhẫn còn, nghĩa là chân lý xưa vẫn duy trì trong xã hội. Nó không những không ràng buộc sự tiến lên của con người, mà còn là cái thắng để hãm đà tuột dốc của đạo đức xã hội. Nhẫn là nhẫn nhịn, còn có nghĩa là chịu đựng, là nhẫn nại bền gan bền chí trước mọi nghịch cảnh. Giáo lý nhà Phật đã chỉ ra pháp môn tu rất hay, đó là “Nhẫn nhục Ba la mật”. Pháp ấy giảng rằng: Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai” (một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn muôn ức cửa nghiệp chướng đều mở ra). Thật vậy, lắm người vì một phút không dằn được cơn tức giận, mà đánh đập vợ con đến tàn tật, đốt phá của cải quý báu của ông cha để lại, rồi phải ân hận suốt đời. Lắm lúc, vì không làm chủ được tánh nóng nảy mà tình cốt nhục phải chia ly, nghĩa vợ chồng phải phân rẽ, bạn chí thân trở thành kẻ oán thù...
Người học đạo cũng vậy, nếu gặp nghịch cảnh không nhẫn nhịn được, thối chí nản lòng, đôi khi phải bị đọa đày. Như ông Độc Giác Tiên Nhân, vì một niệm sân hận không nhẫn được, mà phải bị mất cả năm pháp thần thông. Ông Uất Đầu Lam Phất, vì sân hận mà phải đọa làm loài phi ly trùng (chồn bay). Nên sách có nói: “Nhất sân chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn” (nghĩa là một đóm lửa sân, có thể đốt tan muôn mẫu rừng công đức).
Thành phần của nhẫn nhục Ba la mật.
1. Thân nhẫn: Đối với nghịch cảnh như nắng mưa, nóng lạnh, đói khát, đau ốm, hoặc bị người đánh đập, hành hạ, làm bức não nơi thân, mình cũng cam chịu, không phàn nàn hay chống cự lại. Đây là sự chịu đựng về phần thể xác.
2. Khẩu nhẫn: Thân đã nhẫn chịu không chống lại người mà miệng cũng không thốt ra những lời nguyền rủa độc ác, trước những lời mạ nhục chua cay, mắng nhiếc tồi tệ hay đánh đập tàn nhẫn.
3. Ý nhẫn: Nhẫn nhục cả trong tâm, không căm hờn, không oán giận, không nổi lên ý phản đối, những tư tưởng hắc ám để trả thù.
Trong ba thứ nhẫn này, “ý nhẫn” là khó nhất và quan trọng nhất. Có nhiều khi thân có thể chịu đựng được cực hình, nhưng miệng vẫn lẩm bẩm nguyền rủa. Thêm một từng nữa, miệng tuy không thốt ra những lời phản đối, nguyền rủa, nhưng ý vẫn ngấm ngầm phản đối, và tức giận vẫn đốt cháy tim gan. Đến khi “tâm ý” cũng không ngấm ngầm nổi dậy phản đối, sự tức giận lắng xuống tận đáy lòng; đứng trước mọi nghịch cảnh, lòng vẫn phẳng lặng như không, thì nhẫn nhục mới thật hoàn toàn. Nếu bên trong mà chưa nhẫn được, thì thế nào giận dữ cũng có ngày xuất hiện ra trong lời nói và hành động.
1. Nhẫn nhục có chấp tướng: Nhẫn nhục vì sợ quyền thế; nhẫn nhục vì đang nằm trong hoàn cảnh bất lợi chưa thể trả thù được; nhẫn nhục để mong cầu được người khen, hay được chức trọng; quyền cao; nhẫn nhục vì khinh bỉ đối thủ, hay tự cho mình cao hơn người, không thèm chấp nê, phản đối. Nhẫn nhục như thế là nhẫn nhục chấp tướng vì còn do dục vọng tham, sân, si, mạn thúc đẩy, chưa phải là nhẫn nhục Ba la mật.
2. Nhẫn nhục không chấp tướng: Người tu hạnh nhẫn nhục Ba la mật, trước hết phải do ý muốn diệt trừ lòng sân hận, kiêu mạn, tật đố, tự ái, tham lam... Nếu có người chửi mắng, mình phải bình tĩnh tự nghĩ rằng: “Ta có làm điều gì sái quấy không? Nếu có, thì ta bị sỉ nhục là phải, ta nên cảm ơn người. Nếu ta trong trắng, thì những lời sỉ nhục ấy có dính líu gì đến ta đâu, mà phải khổ tâm nghĩ đến?”. Hơn nữa, người tu nhẫn nhục còn nhắm mục đích trau dồi lòng từ bi và hỷ xả, ta nhẫn nhục không oán giận, không trả thù là ta thương người, ta muốn xem mọi người như thân thuộc anh em. Ta nhẫn nhục vì ta không muốn cuộc đời là một đấu trường, một bãi chiến, một lò lửa của sân hận, đốt thiêu tất cả. Chúng ta hãy tập cho được nhẫn nhục như ông Punna trong câu chuyện sau đây: “Khi Phật còn tại thế, một đệ tử của Phật, ông Punna xin Phật đi qua truyền đạo tại xứ Sunàparanta, là một xứ có tiếng rất hung ác. Phật hỏi ông Punna:
- Ông đã phát nguyện đem đạo pháp của ta đến truyền bá cho dân xứ ấy, nhưng nếu họ không nghe, lại còn dùng lời hung ác mắng chửi ông, thì ông nghĩ sao?
- Bạch Thế tôn, con nghĩ: Họ là người tốt, vì họ không dùng cây đánh đập con, hay lấy đá ném con.
Phật hỏi tiếp: - Nếu họ lấy cây đánh ông, hay dùng đá ném ông, thì ông nghĩ sao?
- Bạch Thế tôn, con nghĩ : Họ vẫn còn lòng nhân, vì họ không chém giết hay đập con đến chết.
Phật lại hỏi: - Nếu họ chém giết hoặc đánh chết ông thì ông nghĩ sao?
- Bạch Thế tôn, con nghĩ : Họ là ân nhân của con, vì nhờ họ mà con thoát được thân đau khổ, bỏ được bọc thúi tha, từ biệt đời sống khốn nạn này.
Đức Phật khen: - Hay lắm! Ông nhẫn nhục được như vậy thì mới có thể qua xứ ấy truyền đạo được!
Ông Punna qua xứ Sunàparanta truyền đạo không bao lâu, dân chúng xứ ấy đều quy đầu Phật pháp cả. Nhẫn nhục như ông Punna mới thật đúng là nhẫn nhục Ba la mật, nghĩa là nhẫn từ ngoài thân đến trong tâm, nhẫn mà không thấy mình nhẫn và cảnh nhục để nhẫn. Chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa giá trị và công đức lớn lao, quý báu của nhẫn. Một mình một cõi trên giấy nhưng biết bao ý nghĩa.
Nếu trong cuộc sống hàng ngày, không thể thực hiện những điều tốt, thì xin bạn cũng đừng bao giờ làm quen với cái xấu. Từ lời nói đến việc làm, nếu không có cơ hội làm vui lòng kẻ khác thì chí ít bạn cũng đừng làm điều gì tổn hại đến họ. Đối với cái sai của người cho dù lỗi lớn đến đâu, xin bạn trước hãy suy xét lấy mình, vì có thể, bạn chính là nguyên nhân gây ra cái xấu của họ. Cho nên ở mọi hoàn cảnh bạn hãy mở cửa lòng từ để tha thứ cho mọi người, nhất là khi bạn đứng ở vai trò là kẻ trên. Nếu không, bạn cứ chuyên tâm báo oán thì làm sao có thể gia ân cho trăm họ? Đức nhỏ mà ở ngôi cao không khỏi tai họa đó, thưa bạn! Xưa nay, hầu hết sự dày vò lương tâm, cuộc sống đầy tai nạn bất trắc đều phần nhiều là không hành thiện “gieo nhân nào sẽ gặp qua nấy”. Người luôn nghĩ đến điều thiện, người ấy có thể rất cơ hàn, không có vị trí cao trong xã hội nhưng chắc chắn là có tâm hồn thanh thản. Điều đó chính là chân hạnh phúc rồi phải không bạn? Nó sẽ giúp bạn một cuộc sống đầy ý nghĩa hơn. Còn đối với những kẻ sĩ có chút danh vọng ở đời lại là những người, mà khi chết đi, đền thờ khói hương nghi ngút chính là cách tưởng nhớ đầy vẻ tôn nghiêm của hậu thế đối với những bậc giàu công đức. Người bất diệt là người luôn sống nhẫn nhục, hết lòng vì mọi người. Họ chỉ tồn tại có một đời nhưng sống đến muôn đời là vậy.
Cổ nhân ta ngày xưa, ông Bạch Liêu sinh ra trong một gia đình rất nghèo. Mới lên bảy tám tuổi, Bạch Liêu đã phải đi ở chăn trâu cho người để kiếm cái ăn qua ngày. Tuy bần hàn lam lũ nhưng Bạch Liêu lại rất hiếu học. Không có điều kiện để có thể tới trường, ông học lỏm qua con chủ nhà. Đời truyền rằng, để được người con của chủ nhà cho mượn sách, Bạch Liêu phải làm lụng thêm không biết bao nhiêu là việc. Đêm nào cũng vậy, phải đến tận khuya rồi Bạch Liêu mới được nghỉ và... bắt đầu học. Không có đèn để xem sách, ông lấy chân nhang viết xuống nền đất, đợi sáng ra kiểm tra lại xem đúng sai thế nào. Cứ thế, vất vả và nhịn nhục, Bạch Liêu bền chí học mãi. Dân đương thời thấy ông giỏi quá, liền truyền cho nhau rằng Bạch Liêu có đôi mắt thần, ban đêm không đèn vẫn có thể đọc được sách, ban ngày nhìn chữ có thể thấu qua đến ba trang giấy, và hễ ông nhìn ai là người đó sẽ bị thôi miên, bảo gì làm nấy, không sao cưỡng lại nổi. Theo các thư tịch cổ thì vào khoa Bính Dần (1266), vinh quang tột bậc đã đến với Bạch Liêu. Khoa ấy, vua Trần Thánh Tông (1258-1287) lấy Trần Cố (người làng Phạm Triền, huyện Thanh Miện, nay là thôn Phạm Lý, xã Ngô Quyền, huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Dương) đỗ Kinh Trạng Nguyên, còn Bạch Liêu thì đỗ Trại Trạng Nguyên. Trước khi đỗ đạt, nhờ có tiếng học giỏi, cho nên Bạch Liêu được Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải (1241-1294) nuôi trong phủ đệ của mình, coi là gia khách. Sau khi Bạch Liêu đỗ đạt, vua Trần Thánh Tông muốn ban chức tước cho ông, nhưng ông từ chối, chỉ xin được mãi mãi làm một gia khách bình thường của Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải mà thôi.
Dân gian kể rằng, có kẻ háo sự, tìm đến gặp ông và hỏi: - Đã dốc chí đèn sách một thời lại chiếm được bảng khôi nguyên, tại sao không chịu ra làm quan để hưởng vinh hoa phú quý cho bõ những ngày hàn vi đi chăn trâu thuở nào?
Bạch Liêu điềm tĩnh đáp: - Triều đình thêm một người làm quan là dân gian thêm một người đi ở. Đức lớn của các bậc thánh hiền còn ngời ngợi trong sách vở, ta đọc sách mà lòng những sợ, không dám lạm nhận áo mũ cân đai. Vả chăng, ai mà chẳng thích được sống theo sở nguyện tao nhã của mình? Ta may mắn mà được như thế này, còn rũ bỏ để bước vào hoạn lộ làm gì nữa? Mới hay, không có lòng kiên nhẫn, ý chí vượt khó, sẽ chẳng có tài năng nào cả. Chớ bảo nơi hang sâu cùng cốc là không có người tài, bởi chí tiến thủ đâu phải chỉ có mặt ở chốn phồn hoa? Nó ở ngay trong mỗi chúng ta. Xã hội ai cũng muốn vươn lên, cũng muốn nổi danh, khác chăng thì chỉ là nổi danh như thế nào mà thôi. Nếu bạn cho tôi biết cách bạn muốn nổi danh, tôi sẽ nói ngay rằng bạn thuộc hạng người nào. Qua gương trạng nguyên Bạch Liêu bạn đã thấy được khí tiết của người xưa rồi phải không? Thật là đáng khâm phục và cũng lạ, kẻ tìm đủ mọi cách để tìm kiếm lợi danh thì chẳng được, người chỉ để tâm luyện tài tích đức, hững hờ với lợi danh thì lợi danh lại đến. Nếu ai cũng đều được như Bạch Liêu thì chẳng phải lo đất nước không thanh bình và xã hội thiếu mất những người hiền! Vậy thì thưa bạn, xin bạn hãy bền gan bền chí làm việc kể cả khi thất chí nhất. Bạn không nên lùi bước trong mọi hoàn cảnh dù không thể tiến lên, có thế bạn mới có cơ may sống vui và tồn tại được. Mà sống không phải chỉ để sống một cách vô dụng vô ích, khi nghĩ làm việc để cầm chừng. Hăng say làm việc và nhẫn nhịn là hai yếu tố tối quan trọng nhất trong cuộc sống. Đạo đức luôn đi đôi với sự lao động, có tác dụng đổi đời, và đổi chính bạn. Không thể có đạo đức trong những con người lười biếng. Bạn biết không, nuôi dưỡng và tiếp tay cho những sợi dây leo đó đeo bám xã hội cũng là hành ác đấy, bạn ạ!
Tất nhiên, không phải lúc nào ta cũng tìm ra được trong cuộc sống những lời giải đáp có sẵn, những mô hình đã trở thành mẫu mực. Bạn muốn leo lên ngọn núi cao phải bắt đầu từ dưới chân núi. Cổ nhân đã dạy “Muốn có cả một thành trì, trước hết phải biết cần mẫn xây từng viên gạch nhỏ, muốn có trí tuệ lớn, trước phải biết miệt mài lượm lặt từng hiểu biết đơn giản đầu tiên”. Kẻ sĩ chân chính của đông tây kim cổ, do đức “nhẫn” đã để lại cho đời những di sản phong phú khác nhau. Như Lão Tử, di sản đáng quý mà ông để lại chính là sự nhẫn nại vượt khó nuôi chí đọc sách mà phát minh tâm địa. Có phải ngẫu nhiên mà “Đạo Đức Kinh” của ông mãi được hậu thế lưu truyền đâu? Mặt khác, về mặt xử thế cũng vậy, người xưa đã cho chúng ta một triết lý: “chấp nhận”. Ý tưởng ấy hơi giống triết lý của Lão, Trang phát nguồn từ Kinh Dịch cho rằng trong trời đất hễ nói “Âm” là nói “Dương”, nói “Tịnh” là nói “Động”, nói “Yên” là nói “Loạn”. Vì ý thức mâu thuẫn căn bản ấy từ của trời đất đến các xã hội nên Khổng Tử khuyên: “Thông minh duệ trí thủ chi dĩ ngu, Dũng lực chấn thế thủ chi dĩ khiếp”. Làm ngược lại là chuốc vạ vào thân. Người ta nói “Nhẫn” hay đi đôi với nhục “Nhẫn nhục”, lẽ tất nhiên nhẫn là phải chịu nhục, Hán Cao Tổ mà không nhờ Trương Lương bấm chân dạy cho chữ “Nhẫn” để dùng Hàn Tín thì đại sự coi như bất thành. Cho nên, nhẫn là kềm chế vọng tâm, dứt trừ tham, sân, si, ngã mạn. Lại nhẫn là mềm mại (nhu nhược) như “Thiệt nhu thường tồn, xỉ cang tất chiết” (Lưỡi mềm thường còn, răng cứng ắt gãy). Nhưng không phải nhẫn nhục là hèn hạ, thất bại bởi “Nhu thắng cương, nhược thắng cường”. Đừng lo đương đầu với biển nổi lôi đình mà hãy cho ghe tàu vào vịnh núp. Sức mạnh của “nhu” bao giờ cũng tác dụng hơn “cương”. Lùi một bước để tiến lên ba bước. Bạn đừng bao giờ thắc mắc “không làm gì mà bị nhiều người ghét. Có đấy bạn. Ánh sáng tài to, đức lớn của bạn tấn công bóng tối bất tài, thiểu đức của nhiều người. Mà như vậy đã đủ bạn bị bôi lọ rồi, không cần phải hành ác và hại đến ai!”. Cho nên, thượng sách vẫn là “Bá hạnh nhẫn chi vi thượng” (Trăm hạnh, nhẫn là hơn hết). Và cao hơn, bạn sẽ nhẫn đến mức không còn biết mình đang nhẫn nữa.
Vì vậy, nói như René Crouard “Hầu hết những bộ óc làm nên nghiệp cả xưa nay đều tối thiểu chịu khó đi một số “ngõ hẹp” của đời sống đại khái như tự chế, nỗ lực, hy sinh và triền miên làm việc”. Với sự kiên nhẫn như vậy, là những người hiền, khi trút bỏ xác phàm cũng có nghĩa là họ bắt đầu sống vĩnh cửu trong ký ức bất diệt của nhiều thế hệ sau đó. Thưa các bạn!
Thư pháp Hoa Nghiêm - Khắc gỗ Trần Quốc Âu.
NHẪN TRONG THƯ PHÁP.
Hầu hết các nhà thư pháp đều là những người đã trải nghiệm và thông hiểu qua nguyên lý của đạo và đời (ngộ). Nhẫn chính là con đường đi từ thiền đến giác ngộ và vẫn duy trì ngay sau khi đã ngộ và thư pháp cũng không nằm ngoài con đường đó. Do vậy, sự thành tựu trong nghệ thuật thư pháp ngoài nhờ năng lực bẩm sinh, các thư gia không thể thiếu sự “nhẫn” trong quá trình công phu rèn luyện. Trong các danh bút của Trung Quốc, Vương Hy Chi (321 - 379) - nhà thư pháp kiệt xuất đời Đông Tấn, được xem như có ảnh hưởng sâu đậm đến các lớp hậu tấn, ông từng được tôn là “Thảo thánh” và “Đệ nhất hành thư”. Nói đến Vương Hy Chi, người ta đã kể lại nhiều giai thoại khá hấp dẫn. Học thư pháp của Vệ Thước lúc mới lên 7 tuổi. Không quá 3 năm, bút lực của Vương đã thấm mạnh khiến Vệ phu nhân phải thốt lên: “Ta tuy là thầy nhưng chẳng bao lâu, Vương sẽ vượt xa ta”. Năm 12 tuổi, Vương phát hiện trong tủ sách của cha mình có sách bàn về thư pháp của các danh gia thuở trước. Vương lén lấy ra đọc. Cha biết được, quở: “Con tuổi còn nhỏ, sao đã trộm đọc sách cổ nhân?” Vương đáp: “Thưa cha, học chẳng đợi tuổi, ví như người ta chạy trên đường dài mỗi ngày đều phải gắng sức”... Người ta còn kể lại một giai thoại khác về Vương: Vương Hy Chi luyện chữ ngày đêm đến nỗi ao quanh nhà trở nên đen thẫm do Vương rửa bút, rửa nghiên. Đến nay, người địa phương còn gọi ao ấy là “Tẩy nghiên trì”, cạnh đó người ta đã dựng một ngôi đình nhỏ khắc ba chữ “Mặc hoa đình”. Công phu khổ luyện của Vương Hy Chi được đúc kết: “Dụng tâm thập ngũ niên, thủy công nhất vĩnh tự”. Nghĩa là 15 năm kiên nhẫn luyện thư pháp, khởi đầu chỉ viết nhiều lần một chữ vĩnh. Vương Hy Chi nổi tiếng nhất với bài tựa một tập thơ viết ở Lan Đình. Bài tựa tập thơ này do Vương Hy Chi viết gọi là “Lan Đình tự”. Chữ của họ Vương viết ở Lan Đình tự gọi là “Lan đình thiếp”. Và là tác phẩm tâm đắc nhất của ông. Danh tác này đã đi vào thư pháp sử. Thời Đông Hán, Trương Chi cũng là một cây bút trở thành bậc thảo thánh. Suốt mấy chục năm ròng rã ngày đêm, Trương Chi miệt mài luyện bút. Sau những lần viết ấy, ông đem bút ra ao cạnh nhà để rửa. Lâu dần, nước ao đã trở nên đen ngòm vì mực! Vì thế có câu “Lâm trì học thư, trì thủy tận mặc”. Và chữ Lâm trì người ta đã dùng để chỉ công phu khổ luyện thư pháp. Đời Tùy, Thiền Sư Thích Trí Vĩnh do sẵn có công năng thiền định ông đã dễ dàng nổi tiếng trong lãnh vực thư pháp với công phu luyện tập: “đăng lâu bất hạ tứ thập niên”. Nghĩa là ông lên lầu chùa Vĩnh Hân, ở luôn trên đó triền miên 40 năm, kiên nhẫn luyện bút. Bút cùn, vứt cạnh lầu, lâu dần xếp lên thành “thoải bút trủng” (gò bút cùn). Từ đó người ta cũng dùng chữ bút trủng để chỉ công phu khổ luyện thư pháp. Còn nhiều gương khổ luyện của các thư gia nữa nhưng không thể liệt kê ra hết ở đây, xin hẹn bạn đọc vào dịp sau.
Nói về sự “nhẫn” trong thư pháp thì bất cứ thư gia nào cũng phải trải qua; khác chăng là sự công phu nhiều hay ít. Nhưng nhiều hay ít cũng là sự khổ công để đạt cho được sở nguyện tao nhã của họ và đem lại cho đời sự đổi thay. Chắc chắn cái đổi thay đó chính là tâm của ta. Như thế cái thiện cao tột vượt qua thiện và ác, cái đẹp tối thượng vượt cả hai xấu và đẹp. Cái thực tại vĩ đại vượt khỏi huyễn và thực. Hạnh phúc tối cao thoát ngoài đau khổ và vui sướng. Thực tại, và thành tựu đến khi chính nơi đây đã trở thành “tùy kỳ tâm thanh tịnh tức quốc độ tịnh” (nếu tâm ta tịnh thì cõi thế sẽ thanh tịnh) - yếu chỉ của thư pháp.
Vũ Thụy Đăng Lan
No comments:
Post a Comment