;
BACK
>

Monday, April 28, 2014

Bài học từ chữ Nhẫn của Đại tướng

Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp MS365: "Bài học từ chữ Nhẫn của Đại tướng" của tác giả Dương Phương Anh (Thanh Trì, Hà Nội).


Bài học từ chữ Nhẫn của Đại tướng


“Có khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để tìm đường tiến thân
Có khi nhẫn để chuyển vần
Thiên thời, địa lợi, nhân tâm hiệp hòa
Có khi nhẫn để vị tha
Có khi nhẫn để thêm ta bớt thù…”

Không ít người khi đọc những dòng thơ trên đã nghĩ tác giả của nó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bởi cả cuộc đời Đại tướng là một tấm gương sáng về nhiều mặt, trong đó nổi bật là tấm gương về chữ Nhẫn mà rất nhiều bạn trẻ ngày nay ngưỡng mộ.
TẤM GƯƠNG HIẾU HỌC
Sinh ra tại vùng quê có truyền thống yêu nước, người thanh niên Võ Nguyên Giáp sớm giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia phong trào của các nhóm học sinh yêu nước. Bên cạnh đó, Võ Giáp không bỏ qua cơ hội được tiếp thu lịch sử, truyền thống văn hóa nước nhà cũng như những kiến thức tân tiến thế giới. Anh say mê các môn lịch sử, địa lý, vật lý và chỉ rời sách vở khi bận đến dự những cuộc thảo luận sôi nổi về các đề tài liên quan đến lịch sử nước nhà.
Trong một vụ ẩu đả với người Pháp tại Huế, Võ Nguyên Giáp bị bắt. Sau khi được thả tự do, anh được tạo điều kiện cho học thành tài với ý đồ thu phục. Sau khi đỗ tú tài triết học, Võ Nguyên Giáp ghi tên vào học trường luật. Tại đây, anh đã nhanh chóng trở thành sinh viên xuất sắc, được một giáo sư người Pháp ngỏ ý xin một suất học bổng đi du học cho anh. Tuy nhiên, anh đã trả lời “ma confiction est faite” (Tôi đã lựa chọn con đường của mình). Có thể nói, Võ Nguyên Giáp là một trong số ít những nhà lãnh đạo của cách mạng Việt Nam học đến bậc đại học, tích lũy cho mình những kiến thức khoa học xã hội tiến bộ và sâu sắc. Sau này, khi đi theo con đường đã chọn, con đường cách mạng, Giáp vẫn không ngừng học tập, nghiên cứu. Chính những kiến thức này đã góp phần không nhỏ cho việc hình thành nên một tài năng quân sự kiệt xuất, một bản lĩnh cách mạng tuyệt vời và một phẩm chất sáng ngời, Người là một tấm gương sáng cho các bạn trẻ ngày nay về tinh thần say mê học tập, nghiên cứu, tích lũy kiến thức. Học từ những cái cơ bản nhất đến những tri thức cao cấp. Và chính con đường học tập là con đường ngắn nhất để đi đến thành công lâu dài.
QUYẾT ĐỊNH KHÓ KHĂN
Chắc hẳn ai cũng biết đến chiến công lẫy lừng nhất trong cuộc đời Đại tướng, chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiến dịch khởi đầu với phương châm “Đánh nhanh thắng nhanh”. Khi đó, Việt Minh gặp nhiều khó khăn về lực lượng, trang bị quân sự và hậu cần. Đặc biệt, việc mang pháo lớn vào lòng chảo Điện Biên được phía Pháp đánh giá là không thể bởi không có xe cơ giới. Nhưng với lòng quyết tâm cao và sự linh hoạt, thông minh trong chiến đấu, Việt Minh đã làm được những việc phi thường: Sáng kiến xe đạp thồ thô sơ với năng suất 200-300 kg, khôn khéo tháo rời các khẩu pháo rồi dùng sức người kéo lên các sườn núi. Việc kéo pháo lên núi đã tốn rất nhiều mồ hôi công sức của các chiến sỹ ta. Chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” được sự nhất trí cao của Bộ tổng tham mưu và cố vấn quân sự bởi suy nghĩ: đánh sớm khi Pháp chưa tập trung đủ lực lượng và củng cố công sự thì có nhiều khả năng giành chiến thắng.
Tuy nhiên, ngay sát thời điểm bắt đầu chiến dịch, tướng Giáp cho rằng phương án "Đánh nhanh thắng nhanh" mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên, không thể đảm bảo chắc thắng. Ông đã có một quyết vô cùng khó khăn nhưng cực kỳ quan trọng, mang tính mấu chốt để dẫn tới chiến thắng của quân ta, đó là chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đánh dài ngày theo kiểu "bóc vỏ" dần tập đoàn cứ điểm. Cùng với đó là quyết định kéo pháo ra. Quyết định này đồng nghĩa với việc bỏ đi nỗ lực kéo pháo vào đầy gian khổ của quân dân ta. Đồng thời, ngay bản thân việc kéo pháo ra cũng là một việc vô cùng khó khăn, và thực tế đã chứng minh bằng sự hy sinh anh dũng của anh hùng - liệt sỹ Tô Vĩnh Diện, lấy thân cứu pháo. 
Quyết định dũng cảm và sáng suốt này của Đại tướng là sự thể hiện rõ nét nhất của chữ Nhẫn, không nóng vội, vượt qua khó khăn để đạt được thành công.
Các bạn trẻ ngày nay, không ít bạn mong muốn thành công một cách nhanh chóng, không những bỏ qua cả giai đoạn học tập mà còn muốn bỏ qua cả việc cố gắng nỗ lực rèn luyện. Những thành công nóng vội có thể đến rất nhanh, nhưng sẽ ra đi rất nhanh nếu không có một sự chuẩn bị chu đáo và một khả năng thực sự. Kiên trì, không nóng vội, tích cực rèn luyện đến khi chin muồi và nắm bắt cơ hội là bài học mà Đại tướng đã để lại cho các thế hệ sau này.
DĨ CÔNG VI THƯỢNG
Từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, và cả sau này, khi đất nước thống nhất, lịch sử dường như rất ít nhắc đến Đại tướng trong các bước chuyển mình của dân tộc Việt Nam. Những thông tin phản động có thể thêu dệt rất nhiều về sự vắng bóng của Đại tướng trong chính trường chính trị. Tuy nhiên, một lần nữa, chữ Nhẫn đã giúp Đại tướng giữ nguyên hình ảnh một người hùng Điện Biên, một người anh cả của quân đội Việt Nam, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ để đóng góp cho đất nước.
Những gì Đại tướng làm đã luôn thực hiện theo lời Bác Hồ căn dặn “Dĩ công vi thượng”, là minh chứng hùng hồn cho câu nói của Đại tướng “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. Để khi một phóng viên người Mỹ hỏi “Nếu Ngài có thể quay ngược trở lại, thì Ngài sẽ không lặp lại điều gì Ngài đã làm?”, Người đã trả lời “Tôi đã cống hiến cả cuộc đời mình, từng ngày từng giờ từng phút để phục vụ Đảng và nhân dân Việt Nam. Tôi chẳng hối tiếc gì cả”.
Cả cuộc đời Đại tướng là một tấm gương sáng, một nhân cách lớn cho mọi thế hệ sau noi theo. Những chiến công và những phẩm chất quý báu của Người sẽ luôn được lịch sử ghi nhận và trên hết là được ghi tạc trong lòng mỗi người dân Việt Nam bây giờ và mãi mãi về sau.

Tác giả: Dương Phương Anh 

No comments:

Post a Comment