;
BACK
>

Sunday, March 9, 2014

7 thông tin kinh tế nổi bật tuần từ 03/03 - 07/03

Theo báo cáo của ngân hàng ANZ duy trì dự báo GDP Việt Nam 2014 ở 5,6%, Nhật Bản tiếp tục tài trợ 25 tỷ yen vốn ODA cho Việt Nam... là những thông tin nổi bật tuần qua

Bộ Tài chính yêu cầu DN không tăng giá xăng, sử dụng quỹ bình ổn 300 đồng/lít
Do giá xăng dầu thế giới gần đây tăng, các doanh nghiệp đầu mối đã xin tăng giá xăng nhưng không được chấp thuận.
Bộ Tài chính vừa có công văn số 2836/BTC-QLG ngày 6/3 về điều hành kinh doanh xăng dầu
Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ vào các văn bản hiện hành về kinh doanh xăng dầu; diễn biến giá xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây và đăng ký giá của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.
Trên cơ sở nguyên tắc tính toán giá cơ sở theo các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, Thông tư số 234/2009/TT-BTC thì chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở bình quân 30 ngày từ ngày 04/02/2014 đến ngày 05/3/2014 các mặt hàng xăng dầu như sau:
Giá xăng Ron92 đang thấp hơn giá cơ sở 519 đồng/lít; giá dầu diesel thấp hơn 173 đồng/lít; giá dầu hỏa thấp hơn 336 đồng/lít và giá dầu mazut cao hơn giá cơ sở 33 đồng/kg.
Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chưa tính đủ lợi nhuận định mức trong giá cơ sở đối với mặt hàng xăng, dầu hỏa (tạm tính 100 đồng/lít).
Về Quỹ Bình ổn giá: cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp mức chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành.  Cụ thể, mặt hàng xăng được sử dụng: 300 đồng/lít.; mặt hàng dầu điêzen được sử dụng: 170 đồng/lít; mặt hàng dầu hỏa được sử dụng: 110 đồng/lít.
Việt Nam thuộc top 5 nước xuất khẩu tôm lớn nhất vào Mỹ
Theo số liệu của Cục Hải quan Mỹ cho thấy, Việt Nam xuất khẩu được 59.534 tấn tôm sang Mỹ trong năm 2013, tăng 46% so với năm 2012. Với khối lượng xuất khẩu này, Việt Nam chiếm 11,7% thị phần nhập khẩu tôm của Mỹ năm 2013 và đứng vị trí thứ 5 trong số các quốc gia xuất khẩu tôm nhiều nhất vào Mỹ, bằng với vị trí của năm trước đó.
Ấn Độ đã vươn từ vị trí thứ 4 trong năm 2012 lên vị trí thứ nhất trong số các nước xuất khẩu tôm vào Mỹ năm 2013. Trong khi đó, xuất khẩu tôm của Thái Lan giảm mạnh 38% xuống gần 84.000 tấn, nên nước này lùi xuống vị trí thứ 2. Indonesia chuyển từ vị trí thứ 4 lên vị trí thứ 3 với khối lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ đạt hơn 81.000 tấn, tăng 9% so với năm 2012.
Tính chung cả năm 2013, Mỹ nhập khẩu tổng cộng 57.383 tấn tôm, giảm 4,9% so với năm 2012.
Ngân hàng ANZ duy trì dự báo GDP Việt Nam 2014 ở 5,6%
Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam của Ngân hàng ANZ nhận định, Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu bên ngoài, dù tiêu dùng nội địa thấp.
Ngân hàng ANZ duy trì dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2014 là 5,6% và năm 2015 là 5,8% nhờ sự cải thiện chậm nhưng ổn định. ANZ điều chỉnh giảm dự báo lạm phát 2014 xuống mức trung bình 7,0 - 7,5%.
Theo ANZ, vị thế bên ngoài của Việt Nam vẫn mạnh mẽ trong tháng 2. FDI tiếp tục là chỗ dựa vững chắc của nền kinh tế. Trong năm tính tới ngày 20/2, đã có 122 dự án mới cấp phép với tổng giá trị 830,9 triệu USD vốn đăng ký. Ngoài ra, 41 dự án đang triển khai nhận được thêm 708,8 triệu USD vốn, nâng tổng vốn FDI hút về lên 1.539,7 triệu USD. FDI thực hiện tăng 6,67% theo năm lên 1.120 triệu USD.
Lĩnh vực sản xuất vẫn là đối tượng thụ hưởng chính với 625 triệu USD. Các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn là nguồn FDI hàng đầu, hỗ trợ quan điểm của ANZ cho rằng sản xuất liên quan tới xuất khẩu vẫn mạnh mẽ trong trung hạn. Lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai với 156 triệu USD. Mức thâm hụt thương mại quốc tế giảm 244 triệu USD.
Nhật Bản tiếp tục tài trợ 25 tỷ yen vốn ODA cho Việt Nam
Ngày 5/3/2014 vừa qua, Việt Nam chính thức nhận khoản ODA vốn vay tài khóa 2013 trị giá 25 tỷ yên (tương đương khoảng 5.075 tỷ đồng).
Cụ thể, khoản ODA vốn vay nói trên được cung cấp để giúp Chính phủ Việt Nam triển khai 2 chương trình trọng điểm, bao gồm Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) chu kỳ IV với số vốn 10 tỷ yen, Chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh 2 (EMCC 2) với số vốn 15 tỷ yen.
Ông Hiroshi Fukada cho biết, khoản vốn ODA này nằm trong chương trình hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, thông qua khoản ODA vốn vay nêu trên, Chính phủ Nhật Bản cũng cung cấp ODA vốn vay hỗ trợ ngân sách cho Chính phủ Việt Nam nhằm nâng cao quản lý và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo.
PMI tháng 2 giảm nhẹ, đạt 51 điểm
Theo Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam phối hợp cùng với công ty Markit Economics công bố Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 2/2014.
Theo đó, chỉ số PMI toàn phần được điều chỉnh theo mùa - một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất tháng 2 đã giảm nhẹ từ 52,1(tháng 1) xuống còn đạt 51 điểm. Tuy nhiên, kết quả này vẫn cho thấy một sự cải tiến các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực này.
Tốc độ tăng trưởng trong sản xuất tiếp tục được duy trì, nhưng tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 10/2013. Sản lượng tăng vì số lượng đơn đặt hàng mới tăng.
Đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ 5 trong vòng 6 tháng qua. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết nhu cầu của khách hàng đã tăng lên. Tuy nhiên, đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm trong tháng, sau khi tăng khiêm tốn trong tháng 1/2014.
Việc làm mới tăng chậm hơn. Lượng công việc tồn đọng đã giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2013. Hoạt động giao hàng hoá cho khách hàng đã làm giảm đáng kể tồn kho hàng hóa sau sản xuất tại các công ty sản xuất của Việt Nam. Tốc độ giảm hàng tồn kho là nhanh nhất kể từ tháng 4/2011.
Trong tháng 2, chi phí đầu vào cũng đã tăng lên do thiếu hụt nguồn cung, tuy nhiên, giá đầu ra vẫn được giữ ổn định.
Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đó, Chính phủ giao các bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty các doanh nghiệp Nhà nước quán triệt và làm tốt công tác tư tưởng theo các nghị quyết, kết luận của Đảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.
Bên cạnh đó, căn cứ Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý xây dựng kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa (bao gồm cả mốc thời gian cho từng bước công việc) trình cơ quan quyết định cổ phần hóa phê duyệt để thực hiện; xây dựng kế hoạch, tiến độ thoái vốn đã đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính (trừ những trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.
Kiên quyết thay thế lãnh đạo DN thực hiện cổ phần hóa DNNN không có kết quả
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi phụ trách. 
Kiên quyết thay thế, điều chuyển lãnh đạo doanh nghiệp chần chừ, không nghiêm túc thực hiện, thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và nhiệm vụ chủ sở hữu giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Hồng Vân
Theo Trí Thức Trẻ

No comments:

Post a Comment