Những đợt sóng “ngầm” trên thị trường chứng khoán tuần qua xuất hiện nhiều trong nhóm các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hoặc siêu nhỏ, thanh khoản thấp.
Trong khi đó các cổ phiếu vốn hóa lớn, được xem là dẫn dắt lại có mức tăng giá khá trì trệ và phần lớn là giảm.
Hiện tượng này có thể làm thất vọng những nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu blue-chips và đang mong đợi một sóng tăng mới. Thực ra sự thay đổi trong lớp cổ phiếu tăng giá như vậy phản ánh một quy luật xưa cũ trên thị trường: Ở chu kỳ tăng giá đã đến giai đoạn thoái trào, khi dòng vốn lớn nghỉ ngơi, dòng tiền năng động và mang tính ngắn hạn bắt đầu có đất “diễn”.
Sức mạnh của một cổ phiếu hay một nhóm cổ phiếu được nhìn nhận dưới hai góc độ: Mức tăng giá và quy mô dòng tiền tham gia giao dịch. Xu hướng tăng sẽ rất chắc chắn nếu hai yếu tố này phù hợp với nhau: Dòng tiền vào giao dịch mạnh đẩy giá tăng tốt và khi giá tăng, cổ phiếu lại thu hút được thêm nhiều tiền hơn nữa.
Từ góc độ này, một hệ quả không mấy tích cực đang diễn ra trên thị trường: Dòng tiền lớn bắt đầu suy yếu hoặc ít nhất là do dự, ngại vận động sau một “bữa tiệc no” và dòng tiền đầu cơ đang tạo nên cơ hội lớn lẫn rủi ro lớn ở những cổ phiếu nhỏ.
Một điều dễ gây nhầm lẫn khi đánh giá sức mạnh của xu hướng, là căn cứ vào khối lượng cổ phiếu chuyển nhượng hàng ngày, thay vì nhìn vào quy mô giá trị giao dịch hàng ngày. Khối lượng giao dịch cũng như số lượng một món đồ mà ta có thể mua. Số lượng lớn trong nhiều trường hợp không phản ánh đúng việc ta có nhiều tiền hay không vì yếu tố quan trọng nhất là giá đã bị bỏ qua.
Rất đơn giản: Có thể mua hàng trăm mớ rau không có nghĩa là bạn đủ tiền mua một cái TV!
Vì thế, thị trường chứng khoán đang có nhiều biểu hiện của sự suy yếu về động lượng. Trước hết là giá trị khớp lệnh hàng ngày trên toàn thị trường đang giảm đi. Bình quân tuần này, mỗi ngày các nhà đầu từ bỏ ra khoảng 2.674 tỷ đồng giao dịch. Tuần trước con số này là 3.290 tỷ đồng đồng và tuần trước nữa tới 3.569 tỷ đồng.
Tiếp đến, giá trị giao dịch ở nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn, thị giá cao cũng đang giảm đi. Các cổ phiếu thị giá rất cao như MSN hay PVD, VNM cũng giá trị như những cái TV vậy, thường chỉ là địa hạt giao dịch của những nhà đầu tư nhiều tiền. Nhìn vào nhóm cổ phiếu VN30 thì tuần này mỗi ngày giá trị khớp lệnh là 965,5 tỷ đồng. Tuần trước là 1.311,4 tỷ đồng và tuần trước nữa khoảng 1.241,1 tỷ đồng.
Tương ứng với biến động giảm của dòng tiền nói trên, là giá đã đạt đỉnh và đang suy yếu. VN-Index tuần trước đạt mức cao nhất 596,4 điểm và đến phiên cuối tuần này chỉ còn 579,75 điểm. Chỉ số của rổ VN30 đỉnh cao tuần trước nằm tại ngưỡng 677,66 điểm, cuối tuần chỉ còn 651,46 điểm.
Vì sao quy mô giao dịch lại sụt giảm, kéo theo sự suy yếu của giá? Khó có thể kết luận chắc chắn rằng dòng tiền đã rút ra khỏi thị trường, mà chỉ có thể suy đoán rằng một phần của dòng tiền lớn đang tạm nghỉ.
Điều này là rất có thể, khi mà các cổ phiếu lớn đã có sóng tăng khá dài suốt từ tháng 12 năm ngoái tới tận tuần trước. Dòng tiền lớn chốt lời thường trên cơ sở đạt kỳ vọng về tăng giá cũng như khi cảm nhận dòng tiền đã đạt sức mạnh tối đa và không thể mạnh thêm nữa. Cuối cùng thì lượng tiền trong tài khoản của các nhà đầu tư cũng phải có một con số tối đa nào đó, không thể tăng mãi.
Dòng tiền đã chốt lời sẽ cần có một lý do nào đó thuyết phục để quay lại mua. Đó có thể là một mức điều chỉnh giá phù hợp, hoặc một nền tảng cơ bản mới tạo nên các kỳ vọng giá cao hơn.
Khi ngày càng có nhiều người chốt lời, chấp nhận hài lòng với cuộc chơi và đứng ngoài thì dòng tiền quay lại thị trường càng giảm đi, và biểu hiện ra là những gì đang thấy: Quy mô giao dịch hàng ngày đang giảm như đã nói ở trên. Thiếu lực đẩy của dòng tiền vốn đang giảm đi trong khi giá cổ phiếu vẫn ở mức cao, thị trường rơi vào trạng thái lình xình yếu dần.
Cơ hội bắt đầu nổi lên mạnh hơn ở những cổ phiếu đầu cơ nhỏ nhờ chính đặc điểm tương phản của nó với các cổ phiếu lớn: Khối lượng lưu hành thấp, thị giá thấp. Đặc điểm này giúp cho dòng tiền nhỏ cũng có thể “làm mưa làm gió” được. Đó là chưa kể đến biến động giá ở những mã dạng này không tác động gì tới xu thế thị trường, vốn chịu ảnh hưởng nhiều hơn của các cổ phiếu lớn.
Một nhà đầu tư lớn cũng có thể tham gia “cuộc chơi lẻ” ở những cổ phiếu nhỏ. Nhưng bạn không thể bỏ hết tiền đủ mua một cái TV để mua rau, vì nếu làm như vậy, bạn sẽ vét sạch lượng rau sẵn có trong chợ. Chỉ có một phần tiền được nhà đầu tư lớn bỏ vào giao dịch tại các cổ phiếu “rau dưa” theo một tỷ lệ an toàn nào đó trên cơ sở mức thanh khoản bình quân hàng ngày. Vì thế quy mô dòng tiền tổng thể toàn thị trường khó tăng được mặc dù dòng tiền ở các cổ phiếu nhỏ có thể tăng cao.
Đó cũng là những gì đang diễn ra: Giá trị giao dịch ở nhóm cổ phiếu blue-chips đang yếu đi trong khi giá trị giao dịch ở nhóm thị giá thấp đang tăng lên.
Khi dòng tiền chảy vào các mã nhỏ đủ lớn, giá có thể tăng bất chấp các yếu tố cơ bản vì lúc này, cung cầu có ý nghĩa quyết định. Cơ hội và rủi ro chính là ở chỗ này. Hãy nhìn vào KMT, tuần rồi tăng tới 55%. Thị giá 6.200 đồng, lượng giao dịch cao nhất 3.000 cổ phiếu. Nghĩa là chỉ cần hơn 18 triệu đồng cũng đẩy giá trần liên tục được. Việc lợi nhuận 2013 của KMT giảm 40% so với 2012 cũng không được quan tâm. PXA tuần rồi cũng tăng trên 38%, gấp nhiều lần SSI, IJC, VND, CII, HSG… giá trị khớp lệnh bình quân 1,5 tỷ đồng/phiên, bất chấp năm 2013 vẫn lỗ ròng 44 tỷ đồng.
Với dòng vốn đầu cơ ngắn hạn, cổ phiếu tốt là cổ phiếu tăng giá thì cũng đồng thời phải nhìn nhận lợi nhuận đạt được là khi tiền đã nằm trong tài khoản.
Theo Người quan sát
No comments:
Post a Comment