Nửa đầu tháng 3 Việt Nam chính thức nhập siêu 279 triệu USD, xăng tăng giá thêm 180 đồng mỗi lít, Amway đầu tư thêm 25 triệu USD vào thị trường Việt Nam.. là những thông tin nổi bật trong tuần qua
Xăng tăng giá thêm 180 đồng mỗi lít
Kể từ 12h00 ngày (19/3), giá xăng RON 92 trên toàn hệ thống Petrolimex đã tăng thêm 180 đồng/lít.
Như vậy, mức giá mới với xăng RON 92 là 24.690 đồng/lít. Cũng theo Petrolimex, mức tăng 180 đồng/lít cũng đã được áp dụng đối với xăng RON 95 nâng giá loại nguyên liệu này sau điều chỉnh lên 25.190 đồng/lít.
Với dầu diesel, Petrolimex sẽ đồng loạt tăng 70 đồng/lít, trong đó dầu diesel 0,05S có giá mới là 22.840 đồng/lít.
Mức điều chỉnh này nằm trong phương án điều hành được Bộ Tài chính công bố trưa nay. Theo cơ quan quản lý, bình quân 30 ngày từ ngày 17/02/2014 đến 18/3/2014 của giá xăng RON 92 trên thị trường đã ở mức trên 117 USD/thùng.
Do đó, cơ quan điều hành quyết định tăng giá tối đa từ là 71 - 189 đồng/lít với mặt hàng dầu diesel và xăng.
PCI 2013, Đà Nẵng trở lại vị trí số 1
Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013, được công bố sáng ngày 20/3, một lần nữa lại ghi nhận những sự thay đổi đáng kể về vị trí của các tỉnh thành tại Việt Nam.
Sau một thời gian tụt hạng, Đà Nẵng đã trở lại vị trí số 1 trên bảng xếp hạng. Với điểm số PCI trên 65, Đà Nẵng cùng Thừa Thiên - Huế đã có thành tích xuất sắc, vượt trội so với các tỉnh khác ngay trong nhóm có chất lượng điều hành "Rất tốt".
Hai gương mặt này không quá xa lạ trong nhóm dẫn đầu. Trước thời điểm 2011, Đà Nẵng từng liên tục giành vị trí thứ nhất hoặc thứ hai trong bảng xếp hạng PCI hàng năm. Sau khi rớt xuống vị trí thấp nhất trong lịch sử PCI của mình, xếp thứ 12/63 vào năm 2012, nay thì Đà Nẵng đã vươn trở lại dẫn đầu bảng xếp hạng.
Trong khi đó, Thừa Thiên - Huế cũng ghi dấu ấn lớn với PCI năm nay. Kể từ 2007, chỉ duy nhất một lần tỉnh này rơi khỏi nhóm 25 tỉnh có điểm số cao nhất và nằm trong nhóm "Tốt". Năm 2008 và 2009, thứ hạng của Thừa Thiên - Huế lần lượt là 10 và 14.
Nhóm nghiên cứu PCI cho hay trong thời gian qua, Thừa Thiên - Huế đã có những cam kết mạnh mẽ nhất về việc cải thiện điểm số PCI và đã cụ thể hóa các cam kết này bằng nhiều văn bản chính thức.
Hà Nội quý 1 đạt tăng trưởng GRDP 6,6% và TP.HCM tăng 7,7%
Cục Thống kê TP. Hà Nội – PSO Hà Nội và TP.HCM vừa ra Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2014.
Hà Nội quý I/2014, những khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, thị trường bất động sản chưa phục hồi… đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của kinh tế của Hà Nội. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,6%, trong đó ngành dịch vụ - ngành đóng góp tỷ trọng lớn nhất vào GRDP của Hà Nội chỉ tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Khó khăn kinh tế đã khiến sức mua của người dân ở Hà Nội tăng ở mức rất thấp so với cùng kỳ các năm trước. Tháng 3/2014, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 1,4% so tháng trước và tăng 9,6% so cùng kỳ năm trước; trong đó bán lẻ tăng 1,6% so với tháng 2 và tăng 9,3% so với tháng 3/2013.
Dự kiến quý I/2014, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 10,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó, bán lẻ tăng 9,2%.
Tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM (GRDP) quý I/2014 theo giá thực tế đạt 184.277 tỷ đồng, tăng 7,7% so với quý I/2013.
Khu vực dịch vụ tăng 8,8%, đóng góp 5,16 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,1%, đóng góp 2,51 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung; khu vực nông lâm thủy sản tăng 5%.
Còn quá sớm để nói khu vực dịch vụ của TP.HCM “đã trở lại”, nhưng tăng trưởng của khu vực này càng được củng cố khi chỉ tiêu tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố trong tháng 3 ước đạt 49.778 tỷ đồng, tăng 15,2% so với tháng trước, tăng 12,6% so với cùng kỳ.
Ước tính quý I/2014, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 152.656 tỷ đồng, tăng 12,1% so với quý I/2013.Nếu loại trừ yếu tố biến động giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I/2014 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
CPI Hà Nội tháng 3 giảm 0,15% và TP.HCM giảm 0,46% so với tháng trước
Cục thống kê TP.HCM và TP. Hà Nội vừa công bố tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Hà Nội tháng 3 năm 2014 giảm 0,15% so với tháng trước và tăng 5,99% so cùng kỳ.
Sự sụt giảm trong tháng 3 có nhiều nguyên nhân như giá gas giảm 31.000 đồng/bình 12 kg từ 1/3/2014. Ngoài ra, theo quy luật thì tháng sau tết Nguyên đán thì mọi tiêu dùng của người dân chững lại và giảm khiến nhóm hàng thực phẩm giảm.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5/2013 chỉ số giá tiêu dùng của Thành phố Hà Nội có mức giảm. Hồi năm 2013, Thành phố Hà Nội đã chứng kiến 3 tháng liên tiếp là tháng 3, 4,5 chỉ số giá tiêu dùng sụt giảm so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) TP.HCM tháng 3 giảm 0,46% so với tháng trước, trong đó có 6/ 11 nhóm hàng giảm
4 nhóm tăng giá là đồ uống và thuốc lá (+0,17), may mặc mũ nón giày dép (+0,02), thiết bị đồ dùng gia đình (+0,22) và hàng hóa dịch vụ khác (+0,37), nhóm dược phẩm và dịch vụ y tế không có biến động.
Sau tết nguyên đán, giá lương thực, thực phẩm giảm so tháng trước sau hai tháng tăng nhẹ liên tục. Nguyên nhân chính là nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm bớt.
So với tháng 12/2013, chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 0,18%. Chỉ số giá bình quân 3 tháng đầu năm 2014 tăng 4,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2013.
Trước thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội cũng vừa công bố CPI tháng 3 trên địa bàn tỉnh giảm 0,15%.
Nửa đầu tháng 3 Việt Nam chính thức nhập siêu 279 triệu USD
Tổng Cục Hải quan Việt Nam đã công bố kết quả xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 3/2014. Theo đó, tổng giá trị xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 3 đạt 11,66 tỷ USD, tăng 4,4% so với nửa cuối tháng 2/2014.
Trong đó, xuất khẩu đạt 5,7 tỷ USD, giảm 3,9%; nhập khẩu đạt gần 6 tỷ USD, tăng 13,7% so với nửa cuối tháng 2/2014.
Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/03/2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 52,94 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt gần 26,98 tỷ USD, nhập khẩu đạt hơn 25,96 tỷ USD.
Với kết quả này, nửa đầu tháng 3 đã nhập siêu 279 triệu USD, trong đó khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 120 triệu USD – nhập siêu 120 triệu USD.
Tuy nhiên, nhờ kết quả ngoạn mục trong tháng 1, cán cân thương mại của cả nước từ đầu năm đến ngày 15/3 vẫn thặng dư hơn 1 tỷ USD, trong đó khu vực FDI góp 1,67 tỷ USD – xuất siêu 1,67 tỷ USD.
Amway đầu tư thêm 25 triệu USD vào thị trường Việt Nam
Ngày 21/3 vừa qua, Công ty TNHH Amway Việt Nam chính thức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thứ 2 tại Việt Nam với tổng đầu tư hơn 25 triệu USD tại KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) II, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Nhà máy có tổng diện tích 54.675 m2, lớn gấp 7 lần nhà máy sản xuất thứ 1 của Amway ở KCN Amata (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Dự kiến, nhà máy thứ 2 này sẽ chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm 2015 với 3 dây chuyền sản xuất đạt công suất hơn 23 triệu sản phẩm – tương đương trị giá 200 triệu USD/năm, tạo ra hơn 170 việc làm cho lao động địa phương.
Trong năm 2013 doanh số của Amway tăng trưởng vượt bậc đạt hơn 90 triệu USD, tăng hơn 30% so với năm 2012. Chiếm thị phần 37%, Amway cũng là đơn vị dẫn đầu thị trường về bán hàng đa cấp tại Việt Nam.
Petro Lào muốn đầu tư 200 triệu USD vào Quảng Bình
Đó là thông tin được chính ông Lê Đức Tuấn, Giám đốc Petro Lào tiết lộ trong buổi gặp mặt trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình.
Theo đó, Petro Lào dự định đầu tư dự án xây dựng Cảng Hòn La, Khu kinh tế Hòn La cho tàu 5 vạn tấn ra vào, kho ngoại quan và hệ thống đường ống dẫn dầu sang Lào.
Quy mô diện tích đất sử dụng của dự án khoảng 37,45ha bao gồm hệ thống cầu cảng cho tàu từ 5 vạn tấn trở lên cập cảng.
Xây dựng đường ống dẫn dầu từ cảng Hòn La sang Khammoun (Lào) từ 130-150 km cộng với 4 trạm bơm và kho trung gian. Kho ngoại quan tại Cảng Hòn La có sức chứa 300.000 – 500.000m3.
Tổng vốn dự kiến đầu tư vào dự án tối thiểu khoảng 200 triệu USD.
Hồng Vân
Theo Trí Thức Trẻ
No comments:
Post a Comment