;
BACK
>

Sunday, August 12, 2018

Câu chuyện của những con số (Phần 2)

Trong phần trước, chúng ta đã thấy mối quan hệ giữa khoản mục “Tiền gửi ngân hàng” trong bảng cân đối kế toán với khoản mục chi tiết “lãi tiền gửi” nằm trong “doanh thu tài chính” ở bảng cân đối kết quả hoạt động kinh doanh có mối quan hệ với nhau. Qua đó phần nào giúp chúng ta có một nhận định nhanh về tính trung thực của một doanh nghiệp, từ đó lọc bớt được các doanh nghiệp có thể đang có vấn đề.
Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp khoản mục thứ 2 trong bảng cân đối kế toán, khoản mục có mức độ thanh khoản chỉ đứng sau khoản mục “Tiền và tương đương tiền”. Chắc mọi người cũng đã biết, đó là các khoản mục về “Đầu tư tài chính”. Nói về các khoản mục này, nếu tổng hợp, nó sẽ bao gồm 2 thành tố:
  • Đầu tư tài chính ngắn hạn (các tài khoản kí hiệu 12x trong kế toán): Chỉ các khoản đầu tư có thời gian từ 3 tháng đến dưới 1 năm, các khoản đầu tư này có thể là đầu tư chứng khoán, hối phiếu, hay đơn thuần là tiền gửi ngân hàng có thời gian từ 3 tháng à 12 tháng (điều này để phân biệt với khoản mục tương đương tiền (thông thường là các khoản tiền gửi ngân hàng có thời hạn dưới 3 tháng).
  • Đầu tư tài chính dài hạn (các tài khoản kí hiệu 22x trong kế toán): Chỉ các khoản đầu tư có thời gian trên 1 năm, và giống như trên là các khoản đầu tư vào chứng khoán, trái phiếu hay các khoản tiền gửi ngân hàng có thời gian trên 12 tháng.
Về bản chất, khi công ty mua cổ phiếu và nắm giữ dưới một năm rồi tiến hành bán lại ngay khi có lời thì khoản đầu tư này được ghi nhận vào đầu từ tài chính ngắn hạn và không quan tâm tỷ lệ nắm giữ bao nhiêu. Tuy nhiên, khi công ty mua cổ phiếu và nắm giữ với mục tiêu dài hạn thì khoản đầu tư sẽ chuyển sang thành đầu tư tài chính dài hạn. Lúc này chúng ta cần xem xét tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu để tiến hành phân rõ hình thức của khoản đầu tư. Ở đây chúng ta sẽ có 3 hình thức:
  • Đầu tư dài hạn khác: Khi tỷ lệ nắm giữ dưới 20% và không nắm quyền kiểm soát.
  • Đầu tư vào công ty liên kết: Khi tỷ lệ nắm giữ từ 20% đến dưới 50% và công ty có quyền đồng kiểm soát công ty liên kết.
  • Đầu tư vào công ty con: Khi tỷ lệ nắm giữ trên 50% và nắm quyền kiểm soát công ty con.
Từ đây chúng ta thấy có một vấn đề xuất hiện và gây ảnh hưởng trực tiếp lên báo cáo tài chính, vấn đề này là sự khác biệt của việc ghi nhận khoản đầu tư là đầu tư vào công ty liên kết hay công ty con, khi yếu tố “KIỂM SOÁT” rất khó để kiểm tra trong khi tỷ lệ 49%, 50% hay 51% thật ra chỉ là con số.
Tuy nhiên, các con số này khiến công ty mẹ sẽ ghi nhận khoản đầu tư vào công ty con sẽ nằm trong khoản mục “Đầu tư tài chính dài hạn” hay sẽ hợp nhất báo cáo tài chính và từ đó tạo ra những khoản “lợi nhuận tài chính” thông qua việc định giá lại khoản đầu tư vào công ty con.
Và trong bài trước, tôi cũng đã đề cập đến vấn đề này thông qua câu chuyện của một cổ phiếu cũng đang rất “hot” và gây lùm xùm trong thời gian qua. Câu chuyện về cổ phiếu DN A.
Trong quý 1/2017, DN A nổi lên như một hiện tượng khi là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế cao nhất với 1.222 tỷ đồng, qua đó đưa EPS pha loãng 4 quý gần nhất lên mức 8.310 đồng/cổ phiếu và kéo mức P/E xuống dưới 5 lần. Điều này vô hình chung tạo cho DN A một số liệu tài chính mắt và dễ dàng gây thiện cảm cho các nhà đầu tư không hiểu rõ lắm về các số liệu tài chính. Tuy nhiên, khi nhìn lại con số lợi nhuận này chúng ta thấy có 2 vấn đề cần lưu ý:
  • Hoạt động kinh doanh chính của DN A thua lỗ (-38 tỷ đồng).
  • Khoản lợi nhuận 1.222 tỷ đồng sau thuế bắt nguồn chủ yếu từ khoản lơi nhuận tài chính 1.234 tỷ, trong đó việc đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào công ty con đã là 1.221 tỷ đông (chiếm 99% khoản lợi nhuận tài chính kia).
Khoản lợi nhuận từ việc đánh giá lại này phần lớn đến từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào công ty X sau khi DN A tiến hành nâng tỷ lệ sở hữu của X từ 49% lên 54,31% và qua đó biến X từ công ty liên doanh, liên kết trở thành công ty con.



Nguồn: Báo cáo tài chính quý 1/2017 của công ty A.

Tât nhiên, khoản lợi nhuận này dù được DN A thanh minh là được định giá bằng 3 nguồn độc lập, thì bản chất vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào biến động của thị giá DN X trên thị trường (một công ty hầu như không có thanh khoản dù có số lượng cổ phiếu lưu hành lên đến 192,8 triệu). Điều này đã được thể hiện khi giá cổ phiếu X biến động tăng mạnh trong giai đoạn DN A mua cho đến hết quý 1/2017 trước khi sụt giảm và về mức còn thấp hơn so với trước giai đoạn A thu gom.
Như vậy, với thủ thuật này, DN A đã xoay chuyển tình thế khi biến việc kinh doanh thua lỗ từ mảng hoạt động chính sang lợi nhuận khủng trong quý 1/2017, qua đó hoàn thành gần 86% kế hoạch đặt ra trong năm 2017 trong khi chẳng có dòng tiền nào trở về công ty công ty mẹ cũng như khoản lợi nhuận này không thể được sử dụng để chi trả cổ tức.
Trong quý 2/2017, DN A công bố mức lợi nhuận sau thuế đạt 337 tỷ đồng, qua đó lũy kế 6 tháng đạt mức 1.550 tỷ và hoàn thành 108,39% kế hoạch năm. Dù chưa có báo cáo chính thức song nhiều khả năng đây vẫn là một quý mà DN A sử dụng phương thức hoạch toán tương tự quý 1/2017 khi tiến hành gia tăng tỷ lệ sở hữu đối với DN Y từ 49% lên 51%, qua đó hợp nhất báo cáo với công ty con này, khi cùng kỳ năm ngoái, hoạt động kinh doanh của DN A chỉ mang lại khoản lợi nhuận 50 tỷ đồng.
Tổng kết, việc sử dụng các thủ thuật tài chính trong việc tăng giảm tỷ lệ sở hữu đối với các công ty con (công ty liên kết) khiến xuất hiện lợi nhuận sau khi định giá lại tài sản là một hình thức phổ biến hiện tại trên thị trường, phương thức hoạch toán này trên danh nghĩa không vi phạm việc hoạch toán kế toán song về bản chất thì không phù hợp khi các công ty con – công ty liên kết trên dù cho tỷ lệ sở hữu có là 49 hay 51% thì đều đang chịu sự “KIỂM SOÁT” của công ty mẹ, và do đó việc định giá các tài sản sau khi hoạch toán hợp nhất báo cáo dường như không còn sự chuẩn xác vốn có của nó. Ngoài DN A, một số các doanh nghiệp khác cũng đang sử dụng hình thức này, tuy nhiên, với một hình thái có thể khác và tinh vi hơn.
Qua thời gian, việc tìm kiếm các doanh nghiệp tốt chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi và luôn minh bạch cũng như trung thực dần trở nên khó khăn hơn. Các doanh nghiệp hiện tại phần lớn lại hướng vào lợi ích ngắn hạn thông qua việc làm “đẹp” các số liệu tài chính, qua đó gây sai lệch trong việc ra quyết định của nhà đầu tư. Việc chọn lọc và loại bỏ ngay các doanh nghiệp này có thể nói là điều kiện tiên quyết vì nếu chỉ cần một lần ra quyết định sai lầm, chúng ta có thể mất tất cả thành quả.
Bài viết từ tháng 7/2017 và thể hiện quan điểm chủ quan của tác giả. Tác giả không nắm bất kỳ cổ phiếu nào của công ty A khi thực hiện bài này.

No comments:

Post a Comment