Kẻ thù lớn nhất của mỗi người là chính bản thân anh ta. Có ít nhất 2 con người trong mỗi chúng ta; đó là những phiên bản đối lập giữa các mâu thuẫn, tồn tại song song trong chính bản thân chúng ta: kiêu ngạo và khiêm tốn, siêng năng và lười biếng, rộng lượng và ích kỷ, giản dị và xa hoa, tiết kiệm và phung phí, yên tĩnh và náo động,...
Ai cũng biết, muốn thành công thì cách học nhanh nhất là học từ người thành công. Nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Mỗi người đều có hoàn cảnh, tính cách, kiến thức, tâm lý,.. hoàn toàn khác nhau nên không thể áp dụng một cách máy móc. Áp dụng nhưng cần phải có sự hòa hợp với bản thân, nếu không thì nó sẽ là cưỡng bức và bóc lột bản thân, khó có thể đi tới đích cuối cùng. Thế giới hơn 7 tỷ người nhưng nó khắc nghiệt đến nỗi không có công thức thành công chung nào có thể áp dụng cho mọi người.
Ai cũng biết, muốn thành công thì phải xây dựng những đức tính tốt, thói quen tốt và dần loại bỏ những đức tính và thói quen xấu. Nhưng không nhiều người ngồi lại để xem xét bản thân, để phân tích chính bản thân, để mổ xẻ và hiểu thấu bản thân. Để rồi lập kế hoạch hành động và giữ sự kỷ luật cao độ để đi tới thành công. Hôm nay mình đọc được một bài báo khá hay, không phải sự thông minh hay chỉ số IQ, EQ cao là con đường dẫn tới thành công mà chính là sự kỷ luật. Thế giới này, người thông minh và thiên tài nhiều vô số, người có nghị lực chí lớn cũng nhiều,... nhưng phần lớn đều không thể đi tới đích cuối cùng như họ mong muốn. Phần lớn vì sự thiếu kỹ luật, phần vì tính cách kiêu ngạo tự phụ,...
Trong cuốn sách "Từ tốt đến vĩ đại", tác giả đã nghiên cứu và tổng kết nên những công ty vĩ đại đều có những đặc điểm chung: Nhà lãnh đạo cấp độ 5, tìm những người phù hợp trước rồi mới nghĩ tới tầm nhìn..., chiến lược con nhím, văn hóa kỷ luật và hành động kỷ luật.
Những đặc tính ấy, hoàn toàn có thể áp dụng lên mỗi cá nhân con người, có thể giúp con người trở nên từ tốt đến vĩ đại.
Nhà lãnh đạo cấp độ 5 là nhà lãnh đạo bề ngoài nhìn vào có vẻ nhu nhược yếu đuối nhưng nội tâm kiên định sắc đá, có thể hành động tới cùng. Đó là một nhà lãnh đạo không đề cao cái tôi của bản thân, mà luôn nghĩ đến lợi ích của công ty và tập thể trước; là một nhà lãnh đạo luôn đặt sự khiêm tốn và luôn học hỏi lên hàng đầu; là một nhà lãnh đạo không thích sự hư danh ồn ào mà chỉ mưu cầu sự đơn giản và hiệu quả. Tại sao các công ty vĩ đại đều có những nhà lãnh đạo với những đức tính này? Vì những nhà lãnh đạo với đức tính này, sẽ gắn lợi ích bản thân với lợi ích công ty mà tránh đi mâu thuẫn thường có giữa người quản lý và người chủ; sẽ tránh để cái tôi của bản thân che mờ lý trí và tiếp thu ý kiến từ người khác; sẽ có ý chí sắc đá giúp chèo lái con thuyền đi qua giông bão khó khăn; sẽ giúp bản thân tránh những ồn ào không đáng có mà tập trung suy nghĩ thông suốt vì lợi ích của công ty,... Đây là kiểu lãnh đạo mà các nhà đầu tư giá trị như Warren Buffett muốn tìm kiếm trước khi bỏ tiền vào.
Con người đi trước, công việc theo sau: Tìm những con người giỏi và phù hợp vào bộ máy trước, sau đó cho họ tranh luận và tìm ra con đường tốt nhất cho công ty. Khi tuyển được những người phù hợp thì lúc khó khăn hay thay đổi chiến lược, họ sẽ cùng đi với mình. Chỉ cần không để họ cảm thấy nhàm chán và nản lòng. Mà việc quan trọng nhất để họ không cảm thấy nản lòng là lãnh đạo phải đối mặt và chấp nhận sự thật, dù sự thật có khó khăn và tàn nhẫn tới mức nào.
Chiến lược con nhím: Con cáo rất ma lanh nhưng không bao h thắng được con nhím. Chiến lược con nhím là tìm ra được con đường mình có thể giỏi nhất, yêu thích và tạo ra lợi nhuận cho công ty. Rồi duy trì nó với sự đơn giản và nhất quán. Đây là kiểu công ty đơn giản và có lợi thế cạnh tranh bền vững mà các nhà đầu tư luôn tìm kiếm.
Văn hóa kỷ luật và hành động kỷ luật: Nếu không có sự kỷ luật trong suy nghĩ, văn hóa và hành động thì mọi sự vĩ đại cũng giống như hoa trong gương, trăng dưới nước thôi, không thể thực thi và đi đến đích.
Con người là động vật bậc cao, tưởng chừng như mọi suy nghĩ và hành động của ta đều rất lý trí. Nhưng thật sự không hẳn như vậy. Trong bài nói chuyện của ngài Charlie Munger tại trường đại học Harward, sau này trở thành bài học nổi tiếng. Ngài Charlie Munger đã nói về 24 nhận thức lệch lạc của con người. Sau khi nghiên cứu, con người ta mới vỡ lẽ ra là tâm trí của chúng ta bị chi phối như thế nào, nó hành động phi lý trí như thế nào. Làm thế nào mà một con người thông minh, lý trí lại hành động phi lý trí trong những thời khắc quan trọng và trong những quyết định quan trọng đến như vậy.
Như trong bài viết trước, mình đã viết là sự hiểu biết có ba tầng: Không biết là mình không biết, biết là mình không biết, và biết là mình biết. Sự khôn ngoan bắt đầu khi nhận thức được mình biết là mình không biết. Và vòng tròn năng lực chỉ được tạo thành khi mình biết là mình biết.
Vậy nhận thức đến từ đâu? Chúng ta có thực sự nhận thức được những điều chúng ta đang làm, chúng ta có nhận thức được những điều chúng ta suy nghĩ, chúng ta có nhận thức được những nguyên nhân đằng sau những suy nghĩ và hành động của chúng ta.
Vậy thì từ bây h, chúng ta có thể ngồi lại suy ngẫm về tất cả và bắt đầu quan sát bản thân. Quan sát bản thân xem chúng ta đang làm gì? Quan sát bản thân chúng ta đang suy nghĩ gì? Quan sát bản thân xem vì sao chúng ta đang suy nghĩ như vậy? Quan sát bản thân xem vì sao chúng ta lại hành động như vậy?
Cuộc đời ta phụ thuộc phần lớn vào suy nghĩ và quyết định của ta. Vậy vấn đề ở đây không phải là chúng ta quyết định đúng mà vấn đề ở đây là làm thế nào chúng ta biết là chúng ta quyết định đúng? Vì những lệch lạc trong nhận thức có thể khiến bản thân nghĩ rằng mình đúng và làm đúng nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Đây là một câu hỏi mở, chúng ta có thể tự tìm hiểu và có thể đọc thêm cuốn "Principle" của ngài Ray Dailo. Một trong những cách hay nhất là chúng ta có thể thảo luận vấn đề với những người giỏi hơn mình.
Liệu có con đường tắt nào để đi nhanh hơn không? Hay có công thức thành công chung nào không? Con người chúng ta, đa số là thiếu kiên nhẫn. Sự thiếu kiên nhẫn và tham lam gây ra không biết bao nhiêu vấn đề cho bản thân. Warren Buffett và Charlie Munger có lẽ là 2 người đàn ông thông thái nhất trong những người thông thái trong thế giới đầu tư hiện nay. Hai ông đều cho rằng không có con đường tắt nào cả. Mà bản thân mỗi người phải nỗ lực và rèn luyện không ngừng. Bản thân 2 người đã dành phần lớn thời gian chỉ để đọc và suy ngẫm. Hai người có thể nói là hai cuốn sách di động. Mỗi ngày đọc 500 trang sách, đó là cách kiến thức tũy lũy với sức mạnh của lãi kép.
Warren Buffett đã nói: "Hãy nói cho tôi, ai là người bạn thần tượng nhất, tôi sẽ nói cho bạn, bạn là ai." Charlie Munger đã xem Benjamin Franklin là thần tượng của mình, có cả bức tượng của ngài trong phòng làm việc của Charlie Munger. Đó là một cách rèn luyện rất hay, hằng ngày chúng ta có thể trò chuyện và ngẫm nghĩ, nếu đặt họ trong tình thế của mình thì họ sẽ hành động như thế nào?
Cuốn Tự truyện của Benjamin Franklin là một trong những cuốn sách hay mà mình đọc lại nhiều lần. Mình có viết bài "Bàn về cuốn Tự truyện Benjamin Franklin" và sưu tầm nhiều bài viết về ngài trên blog này cũng như trên facebook của mình.
Như vậy, kẻ thù của mình là chính mình. Như vậy làm sao để chiến thắng kẻ thù của mình? Binh pháp có câu: "biết mình, biết địch thì trăm trận trăm thắng". Vậy làm sao để biết mình? Nhận thức đúng thì mới có kiến thức đúng, có kiến thức đúng thì mới có phương pháp và hành động đúng. Chúng ta nên luôn duy trì sự thận trọng, cảnh giác với nhận thức lệch lạc và luôn duy trì sự kỷ luật kiên định. Mình sẽ viết một bài viết khác về các loại lệch lạc nhận thức này. Còn làm sao để duy trì sự kỷ luật để biến những đức tính tốt thành thói quen. Hãy học theo phương pháp của Benjamin Franklin và trước khi đi ngủ phải review lại mình và recall lại những kiến thức mình học được. Hãy cố gắng khôn ngoan hơn mỗi ngày.
Còn làm sao để biết người? Đó là một chủ đề lớn liên quan tới tâm thuật, mình chưa thể bàn luận nhiều.
Nguyễn Văn Tú, ngày 16/08/2018.
Kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình
ReplyDeleteKẻ nói dối tệ nhất đó là kẻ tự lừa dối bản thân mình