Lịch sử đã ghi dấu không ít tấm gương vì sự kiêu ngạo, ngông cuồng mà chuốc lấy thất bại, diệt vong. Học từ lịch sử là một trong những cách học nhanh nhất và tốt nhất cho những người sau như chúng ta.
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, chúng ta đã đánh thắng không biết bao nhiêu kẻ thù, một phần vì chúng ta đoàn kết, một phần vì có sự dẫn dắt của minh chủ nhưng phần lớn là do sự ngông cuồng, ngạo mạn của kẻ địch. Nước ta là một nước nhỏ và là một nước nghèo, nên đa số kẻ xâm lược đều xem nước ta là một nước yếu nhược, không chịu nổi một đòn. Đối với Tú, nước Việt tươi đẹp nhất, là một đất nước văn hiến nhất, là một đất nước thịnh trị nhất dưới thời Lý và Trần. Đặc biệt là thời nhà Trần, chúng ta đã chiến thắng 3 lần xâm lược của đế quốc Mông-Nguyên. Một thời kỳ lịch sử, sản sinh ra không biết bao nhiêu anh hùng dân tộc, một trong những người anh hùng đó là Trần Hưng Đạo. Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ không ai văn võ toàn tài như Trần Hưng Đạo. Chả vì thế mà hậu nhân tôn xưng ông là Đức thánh Trần. Quân Mông-Nguyên đã từng làm cỏ không biết bao nhiêu quốc gia từ Á sang Âu. Vó ngựa Mông Cổ đã khiến cả đế chế Châu Âu phải khiếp sợ. Vậy mà tại sao lại ba lần thất bại trước nước Đại Việt bé nhỏ như nước ta? Một nguyên nhân rất lớn là do sự kiêu ngạo của kẻ địch.
Mình có thể kể thêm một số tấm gương lịch sử vì sự kiêu ngạo của chính mình mà dẫn tới thất bại, vong quốc:
- Việt Vương Câu Tiễn vì sự kiêu ngạo của mình mà dẫn tới vong quốc và phải đi làm nô lệ cho Ngô Vương Phù Sai. Nhưng sau này, chính Việt Vương Câu Tiễn đã nằm gai nếm mật mà phục quốc. Sau này, Ngô vương Phù Sai cũng vì sự kiêu ngạo, chủ quan của mình mà bị Câu Tiễn tiêu diệt, dẫn tới vong quốc.
- Bàng Quyên và Tôn Tẫn đều là học trò của Quỷ Cố Tử, trong mình ẩn chứa biết bao nhiêu tài hoa. Nhưng Bàng Quyên lòng dạ hẹp hòi, đố kỵ và kiêu ngạo, tự cho mình hơn người nên suốt đời bị thua bởi Tôn Tẫn. Cuối cùng bị tiêu diệt. Tướng quân Điền Kỵ từng hỏi Tôn Tẫn: "Bàng Quyên mắc mưu và thất bại nhiều như vậy rồi, liệu hắn có mắc bẫy lần nữa không?". Tôn Tẫn mỉm cười: "Hắn sẽ luôn mắc bẫy, vì hắn luôn tự cho mình hơn người." Tôn Tẫn là người đã viết ra 36 kế trong binh pháp Tôn Tử để truyền lại cho hậu thế.
- Triệu Quát, một tướng quân của nước Triệu, miệng lúc nào cũng thao thao Binh Pháp trong khi kinh nghiệm thực chiến lại không có. Luôn tỏ ra là mình hơn người, chủ quan, kiêu ngạo khinh địch. Cuối cùng cũng bị Bạch Khởi, một tướng nước Tần tiêu diệt. Triệu Quát chết đi, cùng sự tiêu diệt của 30 vạn quân Triệu, là nguyên nhân chính khiến nước Triệu suy yếu dẫn tới diệt vong. Bạch Khởi ngược lại là một tướng rất có tài, thông hiểu binh pháp nhưng ông luôn tỏ ra khiêm tốn và thận trọng. Tần vương một lần đến nhà Bạch Khởi, nhìn khắp phòng, không thấy cuốn binh pháp nào. Ông vô cùng ngạc nhiên mới hỏi Bạch Khởi: "khanh là một tướng quân lừng lẫy mà trong nhà chẳng có cuốn binh pháp nào sao?" Bạch Khởi mới từ tốn mở chiếc hòm được giấu kín và khiêm tốn nói: "Binh pháp thì thần có nhiều nhưng việc dụng binh ảnh hưởng tới hàng vạn tính mạng tướng sĩ nên thần không dám không cẩn thận mà giấu kín". Binh pháp có một, thế mà người dùng người thắng kẻ bại. Đó chẳng phải là do sự lĩnh hội, tính cách và thái độ của người dùng hay sao?
- Tề vương là một người rất thích được nịnh hót. Tô Tần đã dùng thuật tung hoành, tâng bốc và khiến ông rơi vào bẫy, khiến cả nước Tề bị diệt vong.
- Trong cuộc chiến Sở Hán giữa Hạng Vũ và Lưu Bang. Hạng Vũ là một chiến thần, xuất thân từ giai cấp quý tộc, có dũng có mưu. Nhưng lại mắc phải những điểm yếu chí mạng: Kiêu ngạo, bảo thủ cố chấp, dùng người thân không dùng người tài, lòng nhân đàn bà, nóng nảy hiếu sát... Hạng Vũ là người đã tiêu diệt đế quốc Đại Tần, chiến thắng không biết bao nhiêu trận lớn nhỏ. Đặc biệt là trận Cự Lộc, lấy 3 vạn quân chiến thắng 30 vạn đại quân của Tần. Nhưng cũng chính vì bản thân tài năng như vậy nên sinh ra kiêu ngạo, bảo thủ cố chấp, không biết lắng nghe tiếp thu ý kiến của người tài. Cuối cùng bị bại dưới tay Lưu Bang, một đình trưởng nhỏ bé. Lưu Bang sau này thống nhất thiên hạ lập nên nhà Hán kéo dài hơn 300 năm. Ưu điểm lớn nhất của Lưu Bang là biết dùng người, biết lắng nghe ý kiến của người tài và là một người biết tâm thuật chính trị.
- Hàn Tín, từng phải chịu nhục chui háng, bảo toàn tấm thân hữu dụng. Sau này đã giúp Lưu Bang đánh thắng Hạng Vũ. Là một trong tam kiệt xây dựng nên nhà Hán (Trương Lương, Hàn Tín, Tiêu Hà) nhưng Hàn Tín lại cũng mắc phải nhược điểm là kiêu ngạo, ngông cuồng. Trương Lương từng khuyên Hàn Tín: "Công cao ác chủ là điều đại kỵ, nên khiêm tốn và thoái ẩn để bảo toàn thân" nhưng Hàn Tín không chịu nghe, dương dương tự đắc. Cuối cùng cũng bị Lưu Bang tiêu diệt.
- Trận chiến Quan Độ, Viên Thiệu có 70 vạn quân nhưng cuối cùng lại thua dưới tay Tào Tháo chỉ có 30 vạn quân. Viên Thiệu có rất nhiều yếu điểm nhưng một trong những yếu điểm lớn là tự phụ, kiêu ngạo, tự cho mình xuất thân 4 đời tam công, thân thế hiển hách không ai bằng. Bên cạnh có rất nhiều người tài nhưng bản thân lại háo mưu, thiếu quyết đoán. Không biết dùng và trị người tài. Cuối cùng cũng bị diệt vong.
- Viên Thuật cũng là một kẻ ngông cuồng kiêu ngạo. Xem thiên hạ không ai bằng mình, háo danh xưng đế, cuối cùng cũng bị Tào Tháo tiêu diệt.
- Tào Tháo là một người toàn tài trăm năm hiếm có nhưng cũng mắc phải tính kiêu ngạo. Trận chiến Xích Bích, Giả Hũ từng khuyên: "sau khi chiếm được Kinh Châu nên nghỉ ngơi dưỡng sức nuôi dân nuôi binh, ban ân cho mọi người khiến lòng người quy thuận thì trước sau gì Đông Ngô cũng mang quân sang hàng. Bây giờ mà nôn nóng đánh chiếm Đông Ngô trong khi hậu phương chưa vững, dân quân mệt mỏi, không quen thủy chiến, địch chiếm địa lợi thì không thể chế thắng". Nhưng Tào Tháo lại không chịu lắng nghe vì nghĩ rằng Đông Ngô nhỏ bé thì sao chịu nổi 80 vạn quân của ông. Lòng nôn nóng muốn thống nhất thiên hạ, xưng đế và chiến thắng quá nhiều làm ông trở nên chủ quan, khinh địch. Cuối cùng chính sự kiêu ngạo của ông đã che mắt lý trý, trúng khổ nhục kế và phản gián kế của Chu Du; cộng thêm bệnh tật tràn lan trong quân vì không hợp thủy thổ, không thuận thiên thời; khiến ông phải thất bại cay đắng mà làm lỡ mất cơ hội thống nhất sau này.
- Chu Du tài kém không thua Gia Cát Lượng nhưng tính tình đố kỵ, đặc biệt là kiêu ngạo, không chấp nhận người khác hơn mình. Chu Du chí lớn, lòng mong muốn quyết thắng Gia Cát Lượng. Đã từng xem Gia Cát Lượng là thầy để tìm hiểu tất cả tâm tư suy nghĩ và tự tin là mình đã nắm rõ Gia Cát Lượng trong lòng bàn tay, tự cho là mình có khả năng chắc thắng Gia Cát Lượng. Nhưng cuối cùng Chu Du cũng giống Bàng Quyên luôn thất bại vì luôn tự cho mình là tài giỏi hơn người. Cái hay của Chu Du là có thể xem Gia Cát Lượng là thầy nhưng thực tâm Chu Du lại luôn cho mình tài giỏi và hơn người khác. Chu Du không chấp nhận mình thua người, mặc dù ngoài miệng thì có thể nói vậy. Nên chính sự đố kỵ và tính cách kiêu ngạo của Chu Du đã giết chết ông.
- Quan Vân Trường, được xưng là võ thánh. Là một người văn võ toàn tài, trung nghĩa. Nhưng ông lại mắc một điểm chí mạng của người tài, đó là kiêu ngạo. Dưới bầu trời này, ông ta chỉ coi trọng một mình Lưu Bị. Nên cuối cùng cũng bị Lã Mông tiêu diệt, để mất Kinh Châu. Khiến sau này Lưu Bị không thể khôi phục nhà Hán. Cái kiêu ngạo của ông chính là do cái tài năng hơn người của ông gây ra. Ông đã từng không xem nhưng mưu sĩ như Từ Thứ và Gia Cát Lượng ra gì, không xem Tôn Quyền và Đông Ngô ra gì, từng gọi con của Tôn Quyền là khuyển tử, từng gọi Lã Mông là kẻ thất học, từng xem cả Đông Ngô chỉ là lũ chuột nhắt.
- Lưu Bị có thể nói là người có hùng tâm và dụng tâm dụng tài thuộc dạng bậc nhất trong lịch sử. Một người như ông mà cũng dính phải nhược điểm chí mạng, đó là kiêu ngạo. Cái kiêu ngạo của Lưu Bị là sau khi ông xưng đế. Trận chiến Di Lăng, ông đem 70 vạn đại quân đánh chiếm Kinh Châu trả thù cho hai huynh đệ mình. Nhưng trong cuộc đối đầu với Lục Tốn, một thư sinh 10 năm đóng cửa rèn kiếm và đọc sách. Ông chỉ xem Lục Tốn như là kẻ dùng binh trên giấy như Triệu Quát. Tỏ ra xem thường, khinh địch, chủ quan để rồi chỉ cần một trận hỏa công đã khiến ông thất bại thảm hại và vạn kiếp bất phục.
- Mã Tốc là người tham mưu cùng với Gia Cát Lượng, là người thông hiểu binh pháp, được Gia Cát Lượng xem là vô nhị. Mã Tốc chưa từng ra trận nhưng lại quá kiêu ngạo và khinh địch, khiến cho Nhai Đình thất thủ. Lần Bắc phạt đầu tiên của Gia Cát Lượng đổ sông đổ bể. Đây là lần Bắc phạt, Gia Cát Lượng dường như chiếm hết tiên cơ, đang ở trong tình thế vô cùng có lợi. Chỉ vì dùng sai người mà Gia Cát Lượng mà thất bại.
- Dương Tu có thể xem là một trong những người thông minh nhất trong lịch sử Tam Quốc, gia thế hiển hách. Nhưng lại tỏ ra kiêu ngạo và thông minh hơn người. Cuối cùng cũng bị thua Tư Mã Ý trong cuộc chiến tranh giành thái tử và bị Tào Tháo giết.
- Tào Sảng cũng vì kiêu ngạo mà ngang ngược lộng hành. Cuối cùng chủ quan để Tư Mã Ý quật khởi lật đổ, chiếm giữ triều chính Ngụy Quốc, sau này lật đổ nhà Ngụy lập nên nhà Tấn.
.....
Lịch sử các cuộc đấu tranh, các triều đại đã giúp chúng ta thấy rằng. Bất cứ khi nào chúng ta trở nên kiêu ngạo thì sau đó sẽ là thất bại, diệt vong. Chính vì vậy mà không có triều đại nào tồn tại mãi mãi, không có kẻ nào có thể là kẻ thắng mãi mãi. Dù là các triều đại hay con người thì cũng đều trải qua sinh lão bệnh tử. Cũng đều trải qua hai thái cực thịnh và suy.
Đó là lịch sử đấu tranh, nhìn lại lịch sử kinh doanh, lịch sử trên thị trường chứng khoán thì sao? Nó cũng không khác đi được. Có biết bao công ty trước kia thuộc vào danh sách Fortune 500, đến nay còn lại bao nhiêu công ty? Theo thống kê, các công ty dù lớn, dù có lợi thế cạnh tranh như thế nào thì tuổi thọ của chúng cũng trung bình chỉ từ 30-50 năm. Chỉ có rất ít công ty có thể trở nên vĩ đại, trường tồn theo thời gian; ở những công ty này họ luôn khiêm tốn và luôn thận trọng. Biết bao nhiêu doanh nhân thành công, sau khi hô phong hoán vũ thì họ biến đi đâu rồi? Biết bao nhiêu nhà đầu tư từng làm mưa làm gió trên thị trường, họ giờ đâu rồi? Chúng ta chết sau khi chúng ta cảm thấy thỏa mãn nhất, tự tin nhất. Chính cái chiến thắng, cái huy hoàng làm cho con người ta trở nên kiêu ngạo, để cảm xúc che mất lý trí.
Sự kiêu ngạo một khi đã ăn sâu vào trong tiềm thức thì nó sẽ giống như thói quen, rất khó thay đổi. Nó trở thành một phần tính cách con người chúng ta. Giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời. Chính vì thế các nhà đầu tư thông thái như Buffett, Munger, Mohnish,.... luôn cẩn trọng với sự kiêu căng trong chính họ. Charlie Munger từng nói: "Suốt cuộc đời tôi, tôi phải đấu tranh để chống lại sự kiêu ngạo của chính mình". Khi được hỏi vì sao ông thành công, ông trả lời răng: "không phải tôi thông minh, mà tôi luôn cố gắng hành động một cách lý trí.".
Trong cuốn "Con đường làm giàu", Benjamin Franklin đã nói: "Chúng ta bị đánh thuế gấp đôi bởi sự lười biếng, gấp ba bởi lòng tự cao và gấp bốn bởi sự ngu dốt".
Chúng ta thường thấy sự kiêu ngạo thường xuất hiện ở hai kiểu người: Một người rất ngu dốt và một kẻ rất thông minh.
- Người ngu dốt thì cứ tưởng mình biết tất cả, giống như ếch ngồi đáy giếng, loại người này cứ tưởng là mình luôn làm đúng, là luôn hơn người. Họ rất ảo tưởng vào sức mạnh và tài năng của bản thân họ, họ rất bảo thủ cố chấp. Nhưng rất ít khi họ tự hỏi tại sao họ giỏi vậy, tài năng vậy mà bao lâu nay họ vẫn cứ làng nhàng vậy? Họ không dám nhìn thẳng sự thật, họ đổ lỗi cho người khác, cho ông trời đối xử bất công với họ.
- Người thông minh thường bị chết bởi sự thông minh của mình. Đặc biệt là những người thông minh được trang bị bởi những bằng cấp danh giá từ những trường đại học danh giá. Và những người đã đạt được những thành tựu đáng kể trong đời, hơn hẳn người khác. Đối với họ, mọi người phải kính ngưỡng họ, mọi người đều thua kém họ thì sao họ phải nghe người khác, mọi người có cái gì hơn họ mà đòi dạy họ. Đó là những con người hiếu thắng và có cái tôi bản thân quá lớn.
Vậy sự kiêu ngạo biểu hiện ra bên ngoài như thế nào? Đó là sự khoe khoang, đó là sự chỉ trích người khác, đó là sự hiếu danh, đó là sự xem thường người khác, đó là sự bảo thủ cố chấp, đó là sự nóng giận,... Khi nào thấy mình có những biểu hiện này thì chúng ta cần quan sát ngay tại sao chúng ta lại có suy nghĩ, thái độ, hành động vậy?
Vì sao sự kiêu ngạo lại dẫn tới diệt vong? Vì sự kiêu ngạo xuất hiện thì rất có thể nó đã kéo tầm hiểu biết của chúng ta về lại tầng hiểu biết thứ nhất: "Không biết là mình không biết". Vì chúng ta kiêu ngạo nên chúng ta không tiếp thu ý kiến của người khác, chúng ta trở nên ngông cuồng, đánh giá sai thực tại, chúng ta không chịu nhận sai,... Một khi nhận thức tình hình thực tế của bản thân, hoàn cảnh, đối thủ bị sai thì làm sao chúng ta có thể đưa ra được quyết sách đúng? Không đưa ra được quyết sách đúng thì làm sao chúng ta có thể chiến thắng và phát triển. Bên dưới sự kiêu ngạo là vô số những lệch lạc nhận thức như tự tin thái quá, tâm lý đố kỵ, tâm lý coi trọng bản thân quá mức, tâm lý ghét bỏ, tâm lý xóa bỏ nghi ngờ để quyết định nhanh, tâm lý tư duy nhất quán, tâm lý bị ảnh hưởng bởi liên kết trong quá khứ, tâm lý chối bỏ thực tại đau đớn, tâm lý kỳ vọng quá mức,... Chính vì những lệch lạc này nên làm chúng ta nhận thức sai, nhận thức sai thì sẽ không có phương pháp và hành động đúng, không có phương pháp và hành động đúng thì sẽ càng ngày càng sai, con đường thất bại và diệt vong là tất yếu. Trong các loại lệch lạc nhận thức này, một số lệch lạc nhận thức cực kỳ nguy hiểm như:
- Tự tin thái quá và kỳ vọng thái quá: để cảm xúc và lòng tham chi phối, không đánh giá đúng tình hình. Dễ dẫn đến hành động sai và chủ quan khinh địch.
- Tâm lý đố kỵ: Không chấp nhận người khác hơn mình, không chấp nhận là mình sai. Tư Mã Ý vốn dĩ thắng Gia Cát Lượng vì ông biết nhận thức đúng bản thân, chấp nhận mình không bằng Gia Cát Lượng. Ông biết tôn trọng đối thủ và cúi đầu trước kẻ ngu như Tào Sảng.
- Tâm lý nhất quán trong tư duy: Bộ não con người cũng giống như trứng loài người, khi một ý kiến hay nhận thức đi vào thì nó sẽ tự động đóng lại với các nhận thức, ý kiến khác. Tâm lý lệch lạc này khiến bản thân cố chấp bảo thủ, không chịu tiếp thu ý kiến.
- Tâm lý chối bỏ thực tại đau đớn: Không chấp nhận thực tế, không chấp nhận sửa sai,... để rồi mãi mãi không bao giờ có thể đối diện khó khăn hay đứng lên làm lại.
Như vậy nếu một người kiêu ngạo thì họ đã để cho cái tôi lấn át lý trí, không chịu nhìn nhận đúng thực tế để ra quyết sách đúng, không chịu tiếp thu ý kiến của người khác để sửa sai. Một người như vậy nếu làm chủ thì sẽ khiến những người tài nản lòng mà ra đi. Thêm vào đó, người kiêu ngạo thường rất hiếu thắng, thích khoe khoang, chỉ trích, xem thường người khác,... nên họ rất dễ bị công kích tập thể và bị cô lập. Một người như vậy thì sao không chuốc lấy thất bại và diệt vong?
Chúng ta đã biết nguyên nhân, cũng đã thấy hậu quả. Vậy làm sao khắc phục được nhược điểm chết người này?
- Chúng ta phải quan sát bản thân, để nhận thức được bản thân đang làm gì, nghĩ gì, và nguyên nhân vì sao lại làm và nghĩ như vậy? Luôn nhận thức bản thân, để tránh đưa bản thân vào những lệch lạc nhận thức nguy hiểm của loài người. 24 lệch lạc này đã được ngài Charlie Munger tổng kết, mọi người hãy chịu khó nghiên cứu nó.
- Nhà bác học Enstein đã đưa ra một công thức khá hay: Cái tôi tỷ lệ nghịch với kiến thức. Như vậy, sự kiêu ngạo xuất phát một phần do cái tôi của bản thân gây ra. Để giảm bớt cái tôi thì chúng ta phải nâng cao kiến thức. Chỉ có 2 cách để nâng cao kiến thức, đó là: đọc sách và kết giao với người giỏi hơn mình. Từ kinh nghiệm bản thân, càng đọc nhiều thì mình càng làm chủ bản thân mình hơn và nhận thức đúng hơn.
- Lấy những người giỏi để làm thần tượng cho bản thân: như ngài Benjamin Franklin, Trần Hưng Đạo, Tư Mã Ý, Charlie Munger, Warren Buffett,... Rồi từ đó tập những đức tính quý báu của quý ngài, suy nghĩ lý trí hơn để tránh khoe khoang,...mà trở nên kiêu ngạo.
- Kết giao với những người giỏi hơn mình: Chúng ta có nhận thức, có lý trí thì chúng ta không thể trở nên kiêu ngạo khi xung quanh mình toàn những người giỏi được. Do đó, môi trường xung quanh ảnh hưởng rất lớn đên khí chất của bản thân. Chúng ta thường rất dễ kiêu ngạo, chỉ trích người khác và ảo tưởng về bản thân khi sống trong môi trường xung quanh toàn những người yếu kém hơn mình.
- Xây dựng một môi trường sống phù hợp: Hãy chọn cho mình một cuộc sống bình yên, một cuộc sống giản dị. Chọn những người phù hợp để gắn bó trong cuộc đời mình, đối xử chân thành và trung thực. Hãy mạnh dạn nói không với những cái không phù hợp, và nói không với những người không phù hợp.
- Xây dựng tâm thái cho đi hơn là nhận về. Điều này rất quan trọng, khi mình xây dựng tâm thái cho đi thì mình đã loại bỏ sự đố kỵ và ích kỷ của bân thân. Phải cố gắng hơn rất nhiều, vì bản thân phải giàu, phải giỏi thì mới có thể chia sẻ, giúp đỡ người khác nên từ đó bắt buộc bản thân chủ động học hỏi không ngừng.
Hãy cố gắng trở nên khôn ngoan hơn mỗi ngày!
Nguyễn Văn Tú, ngày 18/08/2018.
No comments:
Post a Comment