Tiếp theo bài chia sẻ part 1 ở tuần trước tại link:
https://www.facebook.com/Takeprofitvalueinvesting/posts/358838694647764
Chúng ta đã biết 3 bước đầu tiên trong 1 quy trình tìm kiếm và đánh giá cổ phiếu theo phương pháp đầu tư giá trị là:
Bước 1: Xác định vòng tròn năng lực/sở thích (Meaning)
Bước 2: Tìm kiếm cổ phiếu.
Bước 3: Đánh giá con hào kinh tế/ lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp (Moat)
Hôm nay chúng ta sẽ đi tiếp các bước tiếp theo như sau:
Bước 4: Đánh giá Ban lãnh đạo (Management)
Không cần phải nói dài dòng thì chúng ta đều hiểu Ban lãnh đạo là 1 tài sản vô hình của doanh nghiệp và là 1 trong các yếu tố quan trọng quyết định đến thành bại và sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp với nhiều lợi thế kinh doanh vốn có nhưng lại được điều hành bởi 1 ban lãnh đạo tồi thì cũng không khác gì 1 vận động viên đua ngựa tồi cưỡi trên 1 con ngựa tốt, và kết quả cuối cùng cũng chỉ ở trên mức trung bình mà thôi.
Trước khi xem xét đến khả năng của ban lãnh đạo chúng ta cần phải xem xét quyền lợi hay động cơ hành động chính của họ có gắn liền nhất quán với quyền lợi của các cổ đông nhỏ như chúng ta hay không . Điều này thể hiện 1 phần nào đó qua cơ cấu cổ đông sở hữu công ty, nhóm sáng lập – lãnh đạo chính cần có tỷ lệ sở hữu đủ lớn để thực sự có nhiều quyền lợi cũng như trách nhiệm hành động vì sự phát triển của doanh nghiệp. Đây là một trong những điều chúng ta cần xem xét và đánh giá kỹ lưỡng vì rủi ro con người (mà trong trường hợp này là đến từ sự không liêm chính của Ban lãnh đạo) luôn là một trong những rủi ro “đáng sợ” và “khó kiểm soát” từng làm không ít nhà đầu tư mất rất nhiều tiền trên thị trường chứng khoán.
Như ngài Charlie Munger đã nói “Tôi nghĩ rằng trong phần lớn quãng đời trưởng thành của mình, tôi luôn thuộc top 5% nhóm người cùng tuổi hiểu được sức mạnh của động cơ, tuy vậy tôi lại luôn đánh giá thấp sức mạnh đó. Chẳng có năm nào trôi qua mà tôi không thấy thêm bất ngờ khi nhận thức được sức mạnh của động cơ”. Vậy bất kỳ lúc nào trong quá trình đánh giá doanh nghiệp mà chúng ta nhận thấy động cơ hành động của Ban lãnh đạo đi ngược lại với lợi ích của chúng ta (các cổ đông nhỏ lẻ) thì chúng ta cần cân nhắc bỏ qua cơ hội đầu tư đó ngay lập tức.
Theo cụ W. Buffet thì một ban lãnh đạo tốt cần phải đạt được yếu tố trung trực là ưu tiên hàng đầu, sau đó là nhiệt huyết và thông minh, có kỹ năng điều hành và kỹ năng phân bổ vốn tốt.
Sau đây là một số câu hỏi mà team Take Profit chúng tôi gợi ý các nhà đầu tư có thể sử dụng để đánh giá một ban lãnh đạo có tốt hay không:
1. Ban lãnh đạo có tầm nhìn và mục tiêu dài hạn cho sự phát triển của công ty hay không? Kế hoạch kinh doanh có tham vọng hay không?
2. Ban lãnh đạo có thực sự nhiệt huyết, đam mê với việc điều hành doanh nghiệp hay không; đã từng gắn bó với nó lâu dài hay chưa?
3. Ban lãnh đạo có năng lực thực thi/triển khai tốt hay không ? (trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, triển khai các dự án, triển khai đội ngũ nhân sự cùng quy trình làm việc hiệu quả,…) Lịch sử hoàn thành kế hoạch kinh doanh của BLĐ có tốt hay không?
4. Ban lãnh đạo có được sự tôn trọng, tin tưởng, yêu mến thực sự từ nhân viên, đối tác, khách hàng hay không?
5. Lịch sử chế độ lương thưởng và trả cổ tức cho ban lãnh đạo có phù hợp với lợi nhuận của công ty và cổ tức cho cổ đông hay không?
6. Lịch sử mua bán cổ phiếu của ban lãnh đạo: có bán chui cổ phiếu hay không? Có mua lại cổ phiếu khi giá thấp hay không? Có bán ra nhiều cổ phiếu khi giá lên cao hay không?
Bước 5: Định giá/xác định giá trị thực và Biên an toàn (MOS – Margin of Safety)
Sau khi cổ phiếu bạn đánh giá đã vượt qua được các bài test định tính với 3 chữ M ở trên (Meaning, Moat và Management) chúng ta tiếp tục đi vào bước phân tích định lượng và xác định giá trị thực/định giá doanh nghiệp.
5.1. Tùy theo chiến lược đầu tư cụ thể chúng ta dự kiến áp dụng cho cổ phiếu đó mà chúng ta sẽ xem xét các yếu tố định lượng cho phù hợp. Đối với chiến lược Net-net (mua cổ phiếu với giá dưới giá trị thanh lý) chúng ta cần tập trung chủ yếu vào bảng cân đối kế toán để tính toán giá trị thanh lý hợp lý của công ty. Đối với các chiến lược khác như great fair và good-good chúng ta có thể tập trung xem xét các yếu tố định tính cơ bản như sau:
1. Sự nhất quán và tăng trưởng lợi nhuận qua các năm
2. Sự nhất quán và tăng trưởng các chỉ số phản ánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp như ROE, ROIC,.. qua các năm
3. Sự nhất quán và tăng trưởng của chỉ số biên lợi nhuận gộp qua các năm. Đây là một trong những chỉ số nhạy nhất mà các nhà đầu tư giá trị thường sử dụng để lượng hóa được lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp so với các đối thủ trong ngành qua thời gian.
4. Sự an toàn, ổn định và tăng trưởng của dòng tiền đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp (lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh) qua các năm.
5. Sự an toàn và ổn định của chỉ số đòn bẩy tài chính (nợ/vốn chủ sở hữu) của doanh nghiệp qua các năm.
5.2. Sau khi các yếu tố cần thiết trong bước phân tích định lượng như trên đều đáp ứng, chúng ta chuyển sang định giá nhằm xác định giá trị thực (hay còn có thể gọi là giá trị nội tại, giá trị hợp lý – fair value) của doanh nghiệp.
Các phương pháp định giá phổ biến thường dùng gồm có định giá dựa trên tài sản (P/B), định giá dựa trên lợi nhuận (P/E, EV/EBIT, EV/EBITDA), định giá dựa trên tốc độ tăng trưởng (PEG) và định giá dựa trên dòng tiền (chiết khấu dòng tiền - DCF hoặc dựa trên dòng tiền tự do - FCF) của doanh nghiệp. Công thức của các phương pháp định giá trên thì khá nhiều nhà đầu tư có thể tiếp cận tuy nhiên để lựa chọn phương pháp định giá /hay kết hợp cùng lúc các phương pháp nào cho mỗi một cổ phiếu thì nó lại phụ thuộc vào từng bối cảnh, từng cổ phiếu cũng như mục đích, trình độ/kinh nghiệm,... và sự cẩn trọng của mỗi nhà đầu tư.
Có thể nói định giá vừa là một môn khoa học vừa là 1 môn nghệ thuật, nói là khoa học bởi được xây dựng bằng các công thức với những con số, tuy nhiên sự khác biệt trong trình độ của người định giá lại nằm ở “nghệ thuật” kết hợp, đánh giá tính trọng yếu, gia giảm các biến số đầu vào của công thức đó.
Chúng ta cần chấp nhận kết quả đầu ra của việc định giá là mang tính tương đối, vì cùng 1 cổ phiếu nhưng với các phương pháp định giá khác nhau thì có thể cho ra các kết quả khác nhau. Và việc của chúng ta là chọn ra được phương pháp hoặc sự kết hợp phù hợp nhất với tình huống định giá của mình.
5.3. Xác định Biên an toàn – MOS
Sau khi xác định được giá trị thực, công đoạn vô cùng đơn giản nhưng rất quan trọng tiếp theo đó là tính toán Biên an toàn để ra quyết định.
Như chúng ta đã biết qua các tài liệu về đầu tư giá trị, trong trường hợp thị giá của cổ phiếu lớn hơn hoặc bằng giá trị thực -> chúng ta không có biên an toàn và hành động là đưa cổ phiếu này vào danh sách theo dõi và chờ đợi
Trong trường hợp thị giá < định giá, chúng ta có biên an toàn chính là mức chiết khấu của giá thị trường so với giá trị thực (ví dụ 1 cổ phiếu với giá trị thực là 10 đồng nhưng giá thị trường đang là 7 đồng thì chúng ta có biên an toàn hay mức chiết khấu là 30%).
Tác giả - nhà đầu tư bậc thầy Phil Town trong cuốn sách nổi tiếng của mình “Payback Time – Ngày đòi nợ” đã khuyến nghị biên an toàn cần thiết cho một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm nên có tối thiểu là 30%; tuy nhiên với các nhà đầu tư mới chưa nhiều kinh nghiệm thì biên an toàn tối thiểu nên là 50%.
Tại sao biên an toàn lại quan trọng? Ngoài việc nó là mức lợi nhuận tiềm năng của chúng ta trong thương vụ đầu tư thì theo quan điểm của mình nó giúp chúng ta tuân thủ quy tắc “không bao giờ để mất tiền”. Cụ thể với một mức giá vốn thấp nhờ biên an toàn lớn, chúng ta có thể tăng sức chống chọi với thị trường trong những đợt sụt giảm mạnh ngắn hạn, ngoài ra nó cũng đảm bảo cho chúng ta tránh khỏi thua lỗ tiềm năng kể cả trong trường hợp chúng ta có “thiên hướng lạc quan” khi xác định giá trị thực của doanh nghiệp.
Vậy là chúng ta đã đi qua được 5 bước trong quy trình tìm kiếm và đánh giá cổ phiếu theo phương pháp đầu tư giá trị. Các bước cuối cùng liên quan đến việc giải ngân/phân bổ danh mục và review sẽ được chia sẻ trong phần tiếp theo.
Và chắc chắn sau khi đọc hết đoạn này bạn sẽ tự hỏi “các bước nghe có vẻ rõ ràng đấy,… tuy nhiên để thực hiện với độ chính xác và hiệu quả cao thì không hề đơn giản”. Và đó cũng là lý do mà chúng tôi đã chuẩn bị sẵn những hướng dẫn chi tiết và các công cụ mạnh mẽ để hỗ trợ các bạn trong quá trình áp dụng các bước trên 1 cách hiệu quả trong thực tế. Đó chính là khóa học “Phân tích báo cáo tài chính thực chiến” được đội ngũ Take Profit chúng tôi dày công thiết kế với tính ứng dụng cao từ các case study thực tế trên thị trường.
Khóa học sẽ được tổ chức vào 2 ngày 11-12/8/2018. Hãy ra quyết định và đăng ký tham gia tại link: https://letprofitrun.gr8.com/
Để đầu tư cho chất xám và bước sang 1 level mới của một nhà đầu tư chuyên nghiệp.
( Nguyễn Tiến Dũng - Co-founder Take Profit - Value Investing)
No comments:
Post a Comment