"You got a dream, you gotta protect it. People can't do something themselves, they wanna tell you you can't do it. If you want something, go get it. Period." - Pursuit of happiness
Thursday, July 19, 2018
[CÁC BƯỚC TÌM KIẾM VÀ ĐÁNH GIÁ CỔ PHIẾU THEO PHƯƠNG PHÁP ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ]
[CÁC BƯỚC TÌM KIẾM VÀ ĐÁNH GIÁ CỔ PHIẾU THEO PHƯƠNG PHÁP ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ]
Tiếp nối chuỗi bài chia sẻ kiến thức cũng như tư duy tiếp cận phương pháp đầu tư giá trị, hôm nay Take Profit sẽ chia sẻ cho các bạn các bước thực hiện trong 1 quy trình tìm kiếm và đánh giá cổ phiếu theo phương pháp đầu tư giá trị.
Nhiều nhà đầu tư biết đến phương pháp đầu tư giá trị thông qua sách vở, tài liệu và mong muốn đi theo phương pháp này tuy nhiên không phải ai biết phải bắt đầu từ đâu và trình tự các bước như thế nào. Các bước thực hiện dưới đây có thể xem như một quy trình cơ bản có thể giúp các nhà đầu tư mới dễ dàng tiếp cận và ứng dụng phương pháp đầu tư này một cách đơn giản nhất:
Bước 1: Xác định vòng tròn năng lực/sở thích.
Mục đích của bước này là giúp nhà đầu tư tìm ra các lĩnh vực, nghành nghề mà mình có kiến thức chuyên môn, sự am hiểu/sự quan tâm yêu thích và kinh nghiệm thực tế để từ đó khoanh vùng tập trung tìm kiếm các cơ hội đầu tư tiềm năng nằm trong lĩnh vực đó. Đây là bước rất quan trọng tuy nhiên nhiều nhà đầu tư không hề để ý nên rất dễ lan man vì không xác định được thế mạnh của mình; và đó là một trong những lý do giúp tăng “xác suất mất tiền” của họ trên thị trường.
Rõ ràng khi bạn là một kỹ sư xây dựng có kinh nghiệm thực tế 5 năm trong nghề thì đương nhiên là bạn có lợi thế rõ rệt hơn tôi (với công việc hiện tại là một chuyên viên ngân hàng) khi chúng ta cùng nghiên cứu/tìm kiếm các doanh nghiệp tốt trong số các nhà thầu xây dựng. Còn nếu bạn là một nhân viên thu ngân tại siêu thị thì rất có thể các doanh nghiệp ngành bán lẻ sẽ là phù hợp nhất để bạn có thể bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư cho mình.
Như chúng ta đều biết, ngay cả với những nhà đầu tư vĩ đại và thông thái như W. Buffet hay Peter Lynch thì việc đầu tiên họ làm khi đứng trước một cơ hội đầu tư luôn là xác định rõ xem nó có thuộc vòng tròng năng lực/vòng hiểu biết hay không. Nếu họ cảm thấy mông lung và không tự tin với hiểu biết về 1 lĩnh vực nào thì việc đầu tiên gần như chắc chắn là họ sẽ không tham gia cơ hội đầu tư đó. Nó cũng lý giải tại sao ngài W. Buffet đứng ngoài bong bóng công nghệ dot com những năm 2000 mặc cho rất nhiều chuyên gia của phố Wall liên tục chế giễu ông là “ông già lạc hậu”. Hay Peter Lynch cũng có 1 câu nói rất nổi tiếng và đơn giản đến hiển nhiên là “Invest in what you know – Hãy đầu tư vào thứ mà bạn hiểu biết”, tuy nhiên để có kỷ luật làm theo được điều hiển nhiên này đối với đa số nhà đầu tư thật không dễ dàng.
Hiểu sâu xa hơn, việc thực hiện bước 1 – xác định vòng tròn năng lực này cũng là nhằm đảm bảo cho “nguyên tắc số 1 - không bao giờ để mất tiền” trong phương pháp đầu tư giá trị. Và nếu bạn vẫn rất thích thú và muốn đầu tư sang một lĩnh vực chưa am hiểu thì việc đầu tiên bạn phải làm trước khi xem xét cơ hội đầu tư là đó là “mở rộng vòng tròn năng lực” của chính mình. Để xác định vòng tròn sở thích này thì chúng ta chỉ cần liệt kê ra 3 danh sách nhằm trả lời 3 câu hỏi: Tôi yêu thích làm gì? Tôi kiếm tiền (từ) và tiêu tiền (vào) lĩnh vực nào? Tôi giỏi ở lĩnh vực nào? và sau đó xác định ra điểm giao thoa giữa 3 danh sách này.
Tiếp cận từ một góc nhìn khác: theo công thức 4M nhằm xác định một cơ hội đầu tư tuyệt vời mà Phil Town (tác giả của 2 cuốn sách nổi tiếng về đầu tư giá trị là “Rule 1 - Quy tắc số 1” và “Payback time - Ngày đòi nợ”) đã đúc kết thì bước 1 này gần tương đồng với chữ M thứ nhất – Meaning. Đó là một doanh nghiệp tốt thì nó phải có ý nghĩa, khiến bạn thấy yêu thích và nó phải dễ hiểu đối với bạn.
Một ví dụ thú vị cho chữ Meaning này đó là: mình có 1 cậu em cũng là nhà đầu tư theo trường phái cơ bản; cậu ấy nói rằng không bao giờ chọn cổ phiếu thuộc ngành khai khoáng. Mình hỏi lý do tại sao, cậu ấy trả lời rõ ràng “em không thích ngành khai khoáng vì nó làm ảnh hưởng xấu đến môi trường”. Vậy có thể hiểu rằng cổ phiếu ngành khai khoáng không hề có ý nghĩa/meaning đối với cậu em này. Và suy rộng ra thì chúng ta không thể đầu tư và nắm giữ 1 cổ phiếu lâu dài nếu chúng ta không thích thú hoặc không có 1 chút cảm hứng nào về doanh nghiệp đó được.
Bước 2: Tìm kiếm cổ phiếu.
Để tìm ra một danh sách cổ phiếu quan tâm nhằm phân tích , đánh giá cơ hội đầu tư thì trước tiên chúng ta phải có những manh mối hay cách thức để tạo ra được danh sách đó. Và sau đây là 5 cách thức chính có thể giúp chúng ta “sưu tầm” được 1 danh sách cổ phiếu dành riêng
Cách 1: Từ những đồ vật/ dịch vụ mà chúng ta mua sắm chi tiêu hàng ngày.
Đây là một cách rất đơn giản nhưng đa phần chúng ta đều bỏ qua vì chính vì sự đơn giản của nó. Bạn hãy ghi chú xuống và tổng hợp 1 danh sách xem tên thương hiệu/công ty cung cấp những thứ mà chúng ta vẫn đang dùng hàng ngày là gì: quần áo, đồ tạp hóa, mỹ phẩm, vật dụng gia đình, thực phẩm, hãng máy bay chúng ta dùng khi đi du lịch,…Sau khi bạn liên kê đầy đủ, tôi tin chắc bạn sẽ bất ngờ vì rất có thế một số cái tên trên giấy ghi chú của bạn lại là 1 trong số những công ty đầu ngành tuyệt vời đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Bạn thường xuyên mua đồ điện tử tại cửa hàng Bách Hóa Xanh, hay thường bay Vietjet Air khi đi du lịch với gia đình thì tại sao bạn lại không đưa 2 cổ phiếu MWG và VJC vào trong “bộ sưu tập” của mình trước khi đánh giá.
Đây cũng chính là cách mà bà Carolyn – vợ của nhà quản lý quỹ huyền thoại Peter Lynch đã tìm ra sản phẩm L’eggs (1 nhãn hiệu tất dài cho phụ nữ do công ty Hanes sản xuất và phân phối đang được đông đảo chị em vô cùng yêu thích) trong một lần bà đi mua sắm. Trong khi đó Peter Lynch – một chuyên gia quản lý quỹ hàng đầu – người đã từng đi thăm các nhà máy dệt trên khắp cả nước trong quá trình nghiên cứu ngành dệt may thì lại không hề tìm thấy cái tên L’eggs trong những nghiên cứu của mình. Và cổ phiếu công ty Hanes đã mang lại khoản lợi nhuận gấp 6 lần vốn (túi 6 gang theo như cách gọi của Peter Lynch) sau một vài năm trước khi bị công ty khác thâu tóm.
Cách 2: Nguồn tin tức phong phú từ các trang thông tin chuyên môn về kinh tế, đầu tư, tài chính cũng có thể là 1 kênh tham khảo mà bạn không nên bỏ qua trong quá trình làm đầy “bộ sưu tập cổ phiếu” của mình.
Cách 3: Nguồn tin tức từ bạn bè: từ các buổi gặp gỡ, café, giao lưu với những người bạn đầu tư của mình.
Cách 4: Theo dõi danh mục đầu tư của các guru (các nhà đầu tư bậc thầy nổi tiếng) với phương pháp và hiệu quả đã được kiểm chứng đúng đắn qua thời gian:
Ở Việt Nam chúng ta, thường thì các guru đều có xu hướng ẩn danh. Tuy nhiên ở Mỹ thì các nhà đầu tư cá nhân hoàn toàn có thể tham khảo danh mục các cổ phiếu mà các guru đang đầu tư thông qua website: gurufocus.com.
Cách 5: Sử dụng bộ lọc cổ phiếu (stock screener)
Đây là 1 cách mà nhiều nhà đầu tư thường áp dụng nhằm tiết kiệm thời gian để lọc ra những cổ phiếu thỏa mãn một số tiêu chí cơ bản cho trước. Đối với cổ phiếu trên TTCK Việt Nam, nhà đầu tư có thể tham khảo bộ lọc cổ phiếu online tại các trang vietstock.vn và stockbiz.vn
Bước 3: Đánh giá con hào kinh tế - Moat/ lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp
Sau khi chúng ta đã có được một danh sách các cổ phiếu quan tâm ở bước 2, chúng ta bắt đầu đi vào đánh giá chi tiết đối với từng cổ phiếu trong danh sách đó.
Và ở bước 3 này chúng ta đánh giá một trong những yếu tố quan trọng nhất đó là “con hào kinh tế” (economic moat) của doanh nghiệp. “Con hào kinh tế” là một thuật ngữ sử dụng và trở nên phổ biến bởi Warrent Buffet, nó nói đến khả năng một doanh nghiệp có thể duy trì được lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nhằm bảo vệ thị phần cũng như lợi nhuận trong dài hạn của mình. Nó cũng giống như tòa lâu đài thời trung cổ, con hào bao quanh giúp cho lâu đài luôn được kiên cố và bảo vệ nó trước những tấn công từ bên ngoài.
Khi nghiên cứu về vấn đề này, Warrent Buffet đã đúc kết và phân loại ra có 5 loại lợi thế cạnh tranh chính của các doanh nghiệp gồm có:
1, Tài sản vô hình (intangibles) như: bằng sáng chế, nhận diện/giá trị thương hiệu, giấy phép của chính phủ,…Một doanh nghiệp có nhận diện thương hiệu mạnh sẽ cho phép nó có thể đưa ra mức giá sản phẩm/dịch vụ cao hơn đối thủ cạnh tranh từ đó giúp tăng lợi nhuận.
2. Lợi thế nhờ quy mô doanh nghiệp (size advantage): khi phát triển và đạt được quy mô lớn ở một mức độ nhất định, nhiều doanh nghiệp đã tạo ra được “con hào kinh tế” cho mình đó là hiệu quả kinh tế nhờ quy mô (economies of scale). Đó là khi càng nhiều đơn vị hàng hóa/dịch vụ được sản xuất ra ở quy mô lớn hơn thì chi phí sản xuất (giá thành) trên mỗi đơn vị lại càng giảm đi.
3. Lợi thế về chi phí (cost advantage): đây là lợi thế vô cùng hiệu quả và đươc tạo ra khi công ty có chi phí sản xuất ra hàng hóa/dịch vụ thấp hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh ở cùng một mặt bằng chất lượng. Với lợi thế này, doanh nghiệp có thể duy trì được một thị phần rất lớn trong ngành thông qua “cạnh tranh giá” và đánh bại bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào gia nhập ngành.
4. Lợi thế nhờ chi phí chuyển đổi cao (high switching cost): Một số công ty đã tạo ra được chi phí chuyển đổi cao, từ đó khiến khách hàng rất khó chuyển sang sử dụng sản phẩm/dịch vụ của đối thủ cạnh tranh mà phải lựa chọn sản phẩm/dịch vụ của công ty mình.
5. Lợi thế nhờ quy mô thị trường: lợi thế này tạo ra khi một doanh nghiệp giữ vị trí độc tôn trong một ngành với quy mô thị trường bé (thường là 1 thị trường ngách) đến mức các công ty cạnh tranh không muốn gia nhập ngành này để ăn chia thị phần vì lợi nhuận kỳ vọng là rất thấp hoặc không có lợi nhuận.
Ngoài ra, trong thời đại 4.0 hiện nay, một loại lợi thế cạnh tranh độc đáo khác không thể kể đến đó là Hiệu ứng mạng lưới (Network Effect): đó việc giá trị của sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp ngày càng gia tăng khi ngày càng có nhiều khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ đó. Và giá trị của nó không tăng theo cấp số nhân mà là cấp số mũ.
(Trong nội dung post này, mình chỉ giới thiệu khái niệm cơ bản của các loại lợi thế cạnh tranh. Các bài viết chuyên sâu hơn với những ví dụ thực tế về chủ đề này sẽ được team Take Profit chia sẻ đến cộng đồng nhà đầu tư ở những bài viết sau)
Việc phân tích kỹ lưỡng doanh nghiệp và đánh giá “con hào kinh tế” – lợi thế cạnh tranh là cực kỳ quan trọng mà theo mình nó còn quan trọng hơn cả bước phân tích các chỉ số tài chính. Bởi vì lợi thế cạnh tranh nó là gốc rễ, nguyên nhân; còn các chỉ số tài chính/lợi nhuận chỉ là kết quả. Một doanh nghiệp chỉ có thể tạo ra nhiều tiền suốt một thời gian đủ dài trong quá khứ và tiếp tục tăng trưởng để tạo ra tiền trong tương lai khi và chỉ khi doanh nghiệp đó có được lợi thế cạnh tranh đủ mạnh và bền vững trong lĩnh vực kinh doanh quen thuộc của mình.
Với thời lượng có hạn, hôm nay mình sẽ dừng lại ở 3 bước đầu tiên trong quy trình thực hành phương pháp đầu tư giá trị. Các bước còn lại sẽ được chia sẻ ở post tiếp theo của serie bài viết về phương pháp đầu tư giá trị, các bạn nhớ follow Fanpage Take Profit – Value Investing để đón đọc nhé!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment